Báo Trung Quốc xuyên tạc phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma về Biển Đông

14/06/2016 09:02
Hồng Thủy
(GDVN) - Vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp, đây không chỉ là vấn đề của châu Á nữa, mà cả thế giới đều nên giúp đỡ hòa giải các tranh chấp này.

Tờ Quang Minh nhật báo bản điện tử ngày 13/6 đăng bài viết: "Đạt Lai nói vấn đề Biển Đông phụ họa Hoa Kỳ, dân mạng: Đạo trung dung còn lừa được ai?" xuyên tạc nghiêm trọng phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma về Biển Đông nhằm đánh lạc hướng dư luận, cổ súy cho chủ nghĩa bành trướng bá quyền.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, ảnh: todayifoundout.com.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, ảnh: todayifoundout.com.

Quang Minh nhật báo viết: "Theo truyền thông Na Uy, gần đây Đạt Lai khi giao lưu với đoàn Phật tử Việt Nam sang Ấn Độ thỉnh pháp đã nói: "Vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp, đây không chỉ là vấn đề của châu Á nữa, mà cả thế giới đều nên giúp đỡ hòa giải các tranh chấp này".

Giới phân tích cho rằng, những lời này đã không xem lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông ra gì, ngược lại còn giúp Mỹ và các thế lực bên ngoài can thiệp vào Biển Đông bằng cách tạo dư luận. Điều đó một lần nữa chứng minh ông ta chăng qua chỉ là công cụ trung thành của các thế lực bài Hoa mà thôi.

Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã có hơn 2000 năm lịch sử. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển phụ cận. Tuy nhiên những năm gần đây một số thế lực không ngừng khuấy đục Biển Đông làm căng thẳng leo thang.

Ngày 31/5 khi tiếp các nhà báo thuộc Liên minh Truyền thông báo chí châu Á, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nói, một người còn có lúc răng cắn vào môi, láng giềng sát vách khó tránh khỏi va chạm. Vậy chuyện Biển Đông nên giải quyết thế nào?

Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC, Trung Quốc ký với ASEAN và không bao giờ tuân thủ) đã chỉ rõ: Giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và hiệp thương thân thiện giữa các nước chủ quyền liên quan trực tiếp, giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và phân định biển bằng biện pháp hòa bình chứ không phải sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực.

Điều đó có nghĩa là, những vấn đề liên quan đến Biển Đông có đàm phán thì phạm vi cũng chỉ giới hạn giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp như Philippines, không có Mỹ, Nhật hay bất kỳ thế lực nào bên ngoài".

Quang Minh nhật báo là một trong những cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc hiện do Ban Tuyên truyền Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp quản lý.

Đức Đạt Lai Lạt Ma là một vị lãnh tụ tôn giáo có ảnh hưởng toàn cầu, phát biểu của ông về Biển Đông hết sức rõ ràng, mực thước và trung lập, nhận định đúng tính chất phức tạp và nguy hiểm của tranh chấp, đồng thời kêu gọi giải quyết các tranh chấp này bằng biện pháp hòa bình.

Ấy vậy mà Quang Minh nhật báo cũng có thể xuyên tạc trắng trợn, nói không thành có để tuyên truyền cho tham vọng bành trướng bá quyền ở Biển Đông.

Trong bài báo này, một lần nữa truyền thông Trung Quốc tiếp tục đánh tráo khái niệm các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông hiện nay, nổi bật nhất là tranh chấp hàng hải, tranh chấp ứng dụng, giải thích và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển thành "tranh chấp chủ quyền" / "tranh chấp lãnh thổ".

Chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ phải được xác lập một cách hòa bình, hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ trong thời điểm đó mới có giá trị.

Mọi hành động nhận vơ đại loại như "hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông đã có 2000 năm lịch sử" để nói "chủ quyền các đảo ở Biển Đông và vùng biển phụ cận" thuộc về Trung Quốc là cách lý sự cùn, nói lấy được.

Xét theo tiêu chí công pháp quốc tế lẫn thực tiễn lịch sử có giá trị pháp lý, Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng nào để đòi "chủ quyền" đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Nhà nước Việt Nam đã xác lập và duy trì chủ quyền một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục.

Không những thế, đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947 đòi "chủ quyền" gần như toàn bộ Biển Đông là một thách thức nghiêm trọng đối với luật pháp và công lý quốc tế, không ai có thể chấp nhận được. Cũng chính Trung Quốc phá vỡ hiện trạng, chà đạp DOC thường xuyên, liên tục và ngày càng trắng trợn.

Các hoạt động đàm phán với Trung Quốc không đi đến đâu bởi không ai chấp nhận nguyên tắc ăn cướp, chiếu trên của Bắc Kinh: Chấp nhận chủ quyền Biển Đông trong đường lưỡi bò thuộc Trung Quốc, sau đó bàn bạc hợp tác khai thác chung.

Hồng Thủy