Biển Đông: Trung Quốc đã phá thế "ba không", Mỹ cần có chiến lược mới

12/04/2016 16:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Bắc Kinh tuyên bố đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng thách thức tuyên bố này ngay lập tức.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ ngày 12/4 có bài bình luận trên Financial Times về Biển Đông. Ông nhận định, Mỹ cần làm nhiều hơn những cử chỉ mang tính biểu tượng ở Biển Đông, khi Trung Quốc ngày càng lộ diện một kẻ bắt nạt, thay vì hành xử có trách nhiệm.

Khi trả lời trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện về mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, Đô đốc Harry Harris đã nói thẳng: Trung Quốc tìm kiếm quyền bá chủ ở khu vực Đông Nam Á. Đơn giản thế thôi.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ. Ảnh: AP.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ. Ảnh: AP.

Bất chấp yêu cầu "ba không" của chính quyền Obama: Không bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo, không quân sự hóa Biển Đông và không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, Bắc Kinh đã lấn tới trên cả 3 phương diện.

Điều này dễ dẫn đến sự thất bại trong các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn các hành động leo thang, phiêu lưu quân sự từ phía Bắc Kinh. Trong khi đó các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực ngày càng cảm thấy khó hiểu với phản ứng "đáng báo động" của Mỹ.

Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh, đã đến lúc Hoa Kỳ phải thay đổi chính sách ở châu Á - Thái Bình Dương. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp sửa ra phán quyết. Đối mặt với khả năng một phán quyết bất lợi, Trung Quốc có thể lấy cớ leo thang gây hấn, theo đuổi những thách thức mới.

Điều này có thể bao gồm việc xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa tại các vị trí chiến lược mà Trung Quốc đang chiếm đóng (bất hợp pháp) như Scarborough, nỗ lực đánh bật lực lượng các nước khác khỏi khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp, hoặc tuyên bố đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không.

Biển Đông: Trung Quốc đã phá thế "ba không", Mỹ cần có chiến lược mới ảnh 2

Tương quan sức mạnh không quân trên Biển Đông

(GDVN) - Malaysia, Việt Nam và Philippines đều đã nhìn thấy mối đe dọa không chỉ từ trên biển với các hệ thống tên lửa chống hạm mà còn cả các mối đe dọa từ trên không.

Đáp lại, Mỹ sẽ cần phải xem xét các lựa chọn chính sách mới. Chính quyền Obama nên cân nhắc việc điều một cụm tàu sân bay tuần tra vùng biển gần Scarborough để hiển thị sức mạnh chiến đấu của mình. Hoạt động này có thể xem như một phần của cuộc tập trận Balikatan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nên nhấn mạnh trong chuyến đi tới Philippines rằng, Manila là một đồng minh hiệp ước của Mỹ. Washington cần làm việc khẩn trương hơn với Philippines và các đối tác khác để phát triển chiến lược chống bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nếu Bắc Kinh tuyên bố đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng thách thức tuyên bố này ngay lập tức, bằng cách điều động máy bay quân sự tiến vào khu vực này mà không thông báo trước hay không liên lạc vô tuyến điện với lực lượng quân sự Trung Quốc.

Cũng đến lúc Mỹ phải vượt qua những cử chỉ mang tính biểu tượng, khởi động chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải hàng không thực sự mạnh mẽ ở Biển Đông.

Cần phải tăng tốc độ, mở rộng phạm vi chống lại các yêu sách quá đáng của Trung Quốc, tăng số tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông. Tăng các hoạt động tập trận chung và tuần tra chung, thu thập tình báo trong khu vực.

Cuối cùng, Mỹ phải tập trung vào nâng cao sức mạnh quân sự của mình trong khu vực để trấn an các đồng minh và đối tác, bởi các mối đe dọa tiềm ẩn từ Trung Quốc có thể gây ra trên Biển Đông những tháng tới đòi hỏi một sự thay đổi. Phải cho Bắc Kinh thấy cái giá phải trả khi theo đuổi mục tiêu bành trướng, bá quyền trên Biển Đông.

Hồng Thủy