Biển Đông không được hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN đề cập?

19/05/2016 09:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Trong tình hình hiện tại, Nga cũng không muốn vì Biển Đông mà đắc tội với Bắc Kinh.

VOA tiếng Trung Quốc ngày 18/5 đưa tin, từ ngày 19 đến ngày 20/5 hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN tổ chức tại Sochi.

Trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trên các kênh truyền thông nhà nước chào đón các nhà lãnh đạo ASEAN dự hội nghị, đồng thời tóm tắt các chủ đề chính Moscow dự kiến đưa lên bàn hội nghị, nhưng không đề cập tới Biển Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN tại Sochi hôm nay, ảnh: astroawani.com.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN tại Sochi hôm nay, ảnh: astroawani.com.

Hợp tác Nga - ASEAN trong lĩnh vực an ninh theo Putin bao gồm chống khủng bố, chống chủ nghĩa cực đoan có vũ trang và chống tội phạm xuyên quốc gia. Giới phân tích đặc biệt chú ý việc Nga loại Biển Đông khỏi bàn nghị sự.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Nga trên Biển Đông

Ngày 14/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi phát biểu về Biển Đông từ thủ đô của Mông Cổ đã tuyên bố, Kremlin phản đối "bên thứ 3" can thiệp vào Biển Đông, phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và kiên trì lập trường "chỉ có đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan mới có thể giải quyết vấn đề".

Ông Lavrov tuyên bố, Nga không phải một bên có yêu sách ở Biển Đông nên sẽ không can thiệp vào quá trình đàm phán, giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên theo học giả Jeremy Maxie cố vấn tổ chức nghiên cứu Longview Global Advisors phân tích trên Forbes, Moscow chỉ hỗ trợ ở mức độ nhất định lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông và sẽ tìm cách tránh bị lôi vào các xung đột quân sự tiềm ẩn.

Đồng thời Nga sẽ cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua mở rộng hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và mở rộng hợp tác thương mại - quân sự với ASEAN.

Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, Nga cũng không muốn vì Biển Đông mà đắc tội với Bắc Kinh, bởi thế dù diễn biến trên Biển Đông đang rất căng thẳng trước thềm phán quyết của PCA, Moscow cũng không đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.

Đa Chiều ngày 18/5 bình luận, dù gì trong quan hệ giữa Putin với Tập Cận Bình vuốt mặt cũng phải nể mũi, không "nói đỡ" cho Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh với ASEAN thì thôi, chí ít thì cũng không đưa Biển Đông lên bàn hội nghị.

Ảnh hưởng của Nga đối với ASEAN còn hạn chế

Biển Đông không được hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN đề cập? ảnh 2

Nga sẽ phải tìm cách cân bằng quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc

(GDVN) - Trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông, Nga có khả năng sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải.

Sau gần 50 năm thành lập, ASEAN dần hình thành một cộng đồng kinh tế chung phát triển với tốc độ khá ổn định. Các nước thành viên có nhận thức chung trong giao lưu hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa xã hội, nhưng trong các vấn đề chính trị hay an ninh khu vực thì mỗi nước lại có tính toán của riêng mình, rất khó tập hợp và đoàn kết thành lực lượng thống nhất.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ đều thiết lập cơ chế hội nghị thượng đỉnh với ASEAN. Riêng Nga mặc dù thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với ASEAN từ năm 1996, tuy nhiên mức độ quan tâm của Moscow đến khu vực Đông Nam Á so với các nước này còn rất hạn chế.

Kim ngạch thương mại hai chiều Nga - ASEAN năm 2014 chỉ đạt 22,5 tỉ USD, chiếm 0,8% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN và xếp thứ 8 trong số các đối tác của ASEAN.

Đây là lần thứ 3 Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ASEAN, hai lần trước diễn ra năm 2005 tại Kuala Lumpur, Malaysia. 5 năm sau mới có hội nghị lần hai tại Hà Nội tháng 10/2010, 6 năm tiếp theo mới có hội nghị lần 3.

Trong khi đó từ 1997 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ASEAN. Trọng điểm chiến lược của Nga trước đây là châu Âu và Trung Á. Nhưng từ sau sự kiện Crimea và bị phương Tây cấm vận, Nga quay sang châu Á.

Nhưng chỉ 2 năm trở lại đây Nga mới thực sự quan tâm đến châu Á, song vẫn chỉ tập trung vào Trung Quốc. Tuy nhiên dư luận nội bộ nước Nga ngày càng nhiều tiếng nói phàn nàn Putin quá lệ thuộc vào Trung Quốc, buộc Nga phải tìm các đòn bẩy khác là Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.

Nga có thể mang lại những gì cho ASEAN?

Vài năm trước, động lực chủ yếu của nền kinh tế Nga là khai thác và xuất khẩu năng lượng. Tuy nhiên năng lượng lại không phải tính toán chiến lược quan trọng của ASEAN.

Bởi lẽ các thành viên như Indonesia, Malaysia, Brunei, thậm chí là Myanmar cũng đều tự chủ được nguồn cung năng lượng. Các nước còn lại thì chủ động đa dạng hóa nguồn cung và năng lượng không phải chuyện đáng lo với họ.

Quốc gia ASEAN mà Nga có quan hệ tốt nhất là Việt Nam, thành viên duy nhất của khối cho đến nay ký hiệp định tự do thương mại (FTA) với Nga. Tuy nhiên với việc Việt Nam tham gia TPP thì FTA với Nga không phải vấn đề quan trọng sống còn đối với Việt Nam về mặt kinh tế, thương mại.

Dường như Nga chỉ có mặt hàng duy nhất hấp dẫn đối với một số nước Đông Nam Á chính là vũ khí. Đây mới là động cơ thực sự để Kremlin thúc đẩy hợp tác quân sự với ASEAN.

Năm 2015 Nga đã biểu diễn và thử nghiệm một số vũ khí mới tại Syria thu hút được khá nhiều chú ý từ dư luận. Đó chính là một màn quảng cáo vũ khí của Điện Kremlin.

Hiện tại ngoài Việt Nam là khách hàng chủ yếu của vũ khí Nga, Malaysia, Thái Lan và Indonesia gần đây cũng bắt đầu đặt mua chiến đấu cơ, tàu ngầm và xe bọc thép do Nga chế tạo.

Tuy nhiên Thời báo Hoàn Cầu ngày 18/5 dẫn nguồn truyền thông Nhật Bản bình luận, với khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam trong chuyến thăm cuối tuần này của Tổng thống Barack Obama, nhiều khả năng vũ khí Nga sẽ phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh đáng gờm.

Hồng Thủy