Biển Đông phủ bóng lên bầu cử Tổng thống Philippines

14/03/2016 09:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Thượng nghị sĩ Grace Poe nói với The Wall Street Journal, ưu thế quân sự và thói bành trướng của Trung Quốc không nên làm Manila đầu hàng.

The Wall Street Journal ngày 12/3 đưa tin, căng thẳng tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng tăng đã đặt các ứng viên Tổng thống Philippines vào tình huống khó khăn. Họ phải đấu tranh để cân bằng trong việc bảo vệ yêu sách hàng hải quốc gia với mong muốn cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Grace Poe, ảnh: Rappler.
Thượng nghị sĩ Grace Poe, ảnh: Rappler.

Thượng nghị sĩ Grace Poe nói với The Wall Street Journal, ưu thế quân sự và thói bành trướng của Trung Quốc không nên làm Manila đầu hàng. Bà Poe đang trong cuộc đua trở thành Tổng thống Philippines đã cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ cho quân đội.

Singapore trở thành nguồn cảm hứng cho bà: "Họ chỉ có 4 triệu dân, nhưng họ rất mạnh. Họ có thể tự bảo vệ mình".

Tất cả các ứng cử viên tranh cử Tổng thống Philippines ngày 9/5 tới đều muốn tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc, tranh thủ sự giúp đỡ của nước này trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng đổ nát của mình. Tuy nhiên họ không muốn bị dân chúng nhìn thấy sự yếu đuổi trong đấu tranh bảo vệ yêu sách của Philippines trên Biển Đông.

Richard Javad Heydarian, một chuyên gia an ninh Đại học La Salle De ở Manila cho biết, tâm lý chống Trung Quốc trong dân chúng Philippines đang là cái gai khổng lồ đối với các ứng viên tranh cử Tổng thống nước này.

Quan hệ Trung Quốc - Philippines đã "chạm đáy" trong nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino III, người sẽ rời nhiệm sở vào tháng Sáu tới.

Ông Aquino đã theo đuổi chương trình xây dựng quân đội Philippines, trong khi củng cố quan hệ với Mỹ và các nước trong khu vực như Nhật Bản, Việt Nam. Hôm Thứ Tư tuần trước, ông tuyên bố rằng Nhật Bản đã đồng ý cho nước này thuê 5 máy bay do thám quân sự để sử dụng trên Biển Đông.

Tổng thống Aquino cũng đã quyết định khởi kiện Trung Quốc áp dụng giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan vào năm 2013 và nhiều lần so sánh hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông với hoạt động của Đức Quốc xã.

Hứa Lợi Bình, một chuyên gia về Đông Nam Á từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội và nhân văn Trung Quốc nói với The Wall Street Journal: "Cơ sở để cải thiện mối quan hệ Trung Quốc - Philippines phụ thuộc vào vấn đề Biển Đông trở lại bình thường theo quỹ đạo song phương càng sớm càng tốt".

Phó Tổng thống đương nhiệm Jejomar Binay, ảnh: Philnews.
Phó Tổng thống đương nhiệm Jejomar Binay, ảnh: Philnews.

Trong tất cả các ứng viên tranh cử Tổng thống Philippines, Phó Tổng thống đương nhiệm Jejomar Binay tỏ ra sốt sắng nhất trong việc xây dựng lại mối quan hệ với Trung Quốc. Năm ngoái ông đã tuyên bố: "Trung Quốc có tiền và chúng tôi cần vốn."

Trung tâm Nghiên cứu Pew tháng 9 năm ngoái khảo sát cho thấy, 91% người Philippines được hỏi cho biết, họ lo ngại về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông hơn bất kỳ người dân nào khác ở châu Á. Tuy nhiên quan điểm của dân Philippines về Trung Quốc vẫn khá tích cực với 54%, so với 19% người Việt Nam và 9% người Nhật Bản được Pew thăm dò ý kiến.

Ông Heidarian cho rằng, dư luận Philippines sẽ công khai chống đối bất kỳ thỏa thuận nào nhượng bộ (vô nguyên tắc) đối với Bắc Kinh trên Biển Đông mà phụ thuộc vào cách xử lý của Trung Quốc.

Một ứng viên khác, Thị trưởng thành phố Davao, Rodrigo Duterte thì đổ lỗi cho Mỹ vì đã không ngăn Trung Quốc xâm phạm vùng biển Philippines yêu sách, dù hai nước là đồng minh có hiệp ước đảm bảo an ninh.

Ông chủ chương chỉ tăng cường quan hệ với Trung Quốc khi Bắc Kinh ngừng quấy rối ngư dân Philippines và phải chấp nhận yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này trên Biển Đông.

Thị trưởng thành phố Davao, Rodrigo Duterte, ảnh: NY Daily News.
Thị trưởng thành phố Davao, Rodrigo Duterte, ảnh: NY Daily News.

Manuel Roxas, một ứng viên được ông Aquino giới thiệu và là một quan chức lâu năm trong chính quyền đương nhiệm đã cam kết sẽ tiếp tục những nỗ lực của Manila để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc thông qua các biện pháp pháp lý.

Việc Philippines vẫn tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), định chế tài chính do Bắc Kinh thiết lập cho thấy, bất chấp căng thẳng trên Biển Đông, chính quyền Tổng thống Aquino vẫn đang kéo Trung Quốc lại gần. Nếu là Tổng thống, ông Roxas sẽ theo đuổi những cơ hội phát triển kinh tế tương tự như vậy với Trung Quốc.

Bà Poe cũng ủng hộ các chính sách của chính phủ hiện tại với Trung Quốc: "Chính quyền Tổng thống Aqnino đã làm tốt nhất những gì có thể phù hợp với tình hình thực tế". Bà cho hay, nếu trở thành Tổng thống thì sẽ tiếp tục kéo Trung Quốc lại gần về kinh tế, thương mại, văn hóa nhưng không nhân nhượng vô nguyên tắc trong vấn đề Biển Đông.

Trong một động thái khác có liên quan, The Star của Malaysia ngày 14/3 cho biết, Philippines đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế sau khi Bắc Kinh tuyên bố một kế hoạch Manila xem là khiêu khích ở Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam): Thực hiện các chuyến bay dân sự trong 1 năm từ Trung Quốc ra quần đảo này.

Hôm Thứ Bảy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết: "Chúng tôi nhắc lại tuyên bố trước đó của chúng tôi về những hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông". Khi được hỏi liệu Philippines có dự kiến gửi công hàm ngoại giao phản đối việc này hay không, Jose cho biết: "Chúng tôi sẽ xem xét điều đó".

Hồng Thủy