Bộ trưởng QP Nhật: Đề nghị ASEAN tuần tra chung Biển Đông

30/05/2015 15:23
Nguyễn Hường
(GDVN) - "Nếu tình trạng vô pháp luật này bị bỏ qua, trật tự sẽ bị phá hủy, hòa bình và ổn định sẽ bị phá vỡ", Jiji dẫn lời Bộ trưởng Nakatani cho biết.

Sau Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tiếp tục lên án các dự án xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani.

Theo tờ Jiji ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani cho biết trong bài phát biểu của mình tại hội nghị rằng hành vi xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông của Trung Quốc có thể dẫn tới mất ổn định trong khu vực và thúc giục Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm. 

"Nếu tình trạng vô pháp luật này bị bỏ qua, trật tự sẽ bị phá hủy, hòa bình và ổn định sẽ bị phá vỡ", Jiji dẫn lời Bộ trưởng Nakatani cho biết. "Tôi hy vọng và mong muốn tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc, cư xử như một cường quốc có trách nhiệm", ông Nakatani nói.

Cả Nhật Bản và Mỹ cũng như các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều không công nhận các tuyên bố chủ quyền (sai trái và phi pháp) của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu trước đó ở trong và bên lề hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng đã mạnh mẽ lên án hành động của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh ngừng các chương trình xây dựng đảo nhân tạo trái phép cũng như quân sự hóa các đảo này của mình Biển Đông. 

Theo tờ Channel News Asia của Singapore, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nakatani đã đề xuất "Sáng kiến Đối thoại Shangri-La", trong đó đề cập tới ba biện pháp giúp củng cố an ninh hàng không và hàng hải trong khu vực.

Theo sáng kiến này, 10 nước ASEAN sẽ tham gia vào một đội tuần tra chung và luôn phiên các hành các hoạt động giám sát bầu trời vùng biển khu vực. 

Để thành lập đội tuần tra chung này sẽ cần có sự hợp tác cao giữa các thành viên ASEAN cũng như máy bay, tàu thuyền và các thiết bị khác. Do đó, Nhật Bản (quốc gia đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí năm ngoái) có thể sẽ trở thành đối tác cung cấp các thiết bị hỗ trợ tuần tra cho các nước ASEAN.

Trong nỗ lực tăng cường phản ứng với các đối tác nhằm chống lại âm mưu bá chủ của Bắc Kinh, Nhật Bản cũng đang xem xét mở rộng vai trò và sự tham gia của mình ở Biển Đông bằng cách tham gia tuần tra chung với Mỹ và Australia.

Nguyễn Hường