Bùng nổ bạo lực tại Kiev, Mỹ bảy tỏ "vô cùng quan ngại"

19/02/2014 14:28
Nguyễn Hường
(GDVN) - Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho Tổng thống Yanukovich bày tỏ "vô cùng quan ngại" về sự gia tăng đột biến bạo lực.

Cảnh sát chống bạo động Ukraina hôm 19/2 đã hành động chống lại những người biểu tình chiếm quảng trường trung tâm thủ đô Kiev, sau ngày đụng độ đẫm máu nhất kể từ khi quốc gia này giành độc lập.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Quảng trường Độc lập ngày 18/2.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Quảng trường Độc lập ngày 18/2.
Vài giờ sau khi cuộc đụng độ xảy ra, cảnh sát đã được triển khai bao vây quảng trường Độc lập, trung tâm của cuộc biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovich ba tháng qua. Tuy nhiên, những người biểu tình đã dùng chướng ngại vật gồm lốp xe và gỗ để ngăn cản nỗ lực của họ.
Cảnh sát dùng vòi rồng cố gắng dập tắt các đám cháy, trong khi những người biểu tình ném bom xăng vào xe cảnh sát, Reuters cho biết. Cảnh sát hiện đã giành được quyền kiểm soát gần một nửa quảng trường và một số tòa nhà công đoàn được những người biểu tình chiếm làm trụ sở những tháng qua.

Ít nhất 14 người biểu tình và 7 cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn bùng nổ vào tối ngày 18/2 và kéo dài tới sớm ngày 19/2 khi những người biểu tình tìm cách xông vào tòa nhà Quốc hội. Tất cả đều thiệt mạng do súng. Hàng trăm người bị thương, gồm hàng chục người bị thương nặng. 

Lửa bùng cháy tại Quảng trường Độc lập trong vụ bạo loạn ngày 18/2.
Lửa bùng cháy tại Quảng trường Độc lập trong vụ bạo loạn ngày 18/2.
Đại diện của phe biểu tình nói với Reuters rằng một nhà báo đã bị bắn chết trong cuộc bạo loạn.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho Tổng thống Yanukovich bày tỏ "vô cùng quan ngại" về sự gia tăng đột biến bạo lực và thúc giục ông rút lực lượng chính phủ khỏi địa điểm biểu tình, kiềm chế tối đa và phải có trách nhiệm xoa dịu căng thẳng, Nhà Trắng cho biết.
Lãnh đạo đối lập Vitaly Klitschko và Arseny Yatsenyuk nói rằng họ đã có cuộc hội đàm nhanh với Tổng thống Viktor Yanukovich, nhưng không đưa ra bất kỳ thỏa thuận về cách chấm dứt bạo lực.
"Chính phủ phải ngay lập tức rút quân và chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, bởi vì mọi người đang hấp hối. Tôi đã nói với Yanukovich điều này", Klitschko cho biết sau cuộc đàm phán vào cuối đêm 18/2. "Làm sao chúng ta có thể tổ chức hội đàm trong khi máu đang đổ ra?"

Tình trạng bất ổn đã lan rộng đến ít nhất ba thành phố ở phía tây của đất nước. Cảnh sát cho biết, người biểu tình đã  chiếm giữ trụ sở chính quyền khu vực ở các thành phố Ivano-Frankivsk và Lviv. Phương tiện truyền thông cho biết, người biểu tình đã đốt các đồn cảnh sát chính ở thành phố Ternopil.

Ukraine đã nhiều lần rung chuyển vì bất ổn chính trị kể từ khi giành được độc lập hơn 22 năm trước, nhưng nó chưa từng đối mặt với bạo lực trên quy mô như hiện nay. Những cuộc biểu tình chống chính phủ ở Ukraina nổ ra khi các nhà hoạt động kêu gọi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych sau khi ông rút khỏi một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu để chọn quan hệ gần gũi hơn với Nga.
Khi người biểu tình và cảnh sát bắt đầu xảy ra đụng độ, Nga đã gọi sự leo thang bạo lực ở Ukraina là kết quả trực tiếp của sự tiếp tay và khuyến khích lực lượng cực đoan tại Ukraina của phương Tây.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên kiềm chế và bày tỏ sự "vô cùng lo ngại về các báo cáo mới liên quan  tới bạo lực và tử vong ở Ukraina".
Phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton, người đã cố gắng để môi giới một quá trình chuyển đổi chia sẻ quyền lực, đã kêu gọi giới lãnh đạo Ukraine "giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng".
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, cũng đã gọi điện cho người đồng cấp Ukraina của mình để cảnh báo chống lại sự gia tăng bạo lực và kêu gọi chính phủ Kiev tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị./.
Nguyễn Hường