Business Insider: 2 vấn đề có thể nhấn chìm quân đội Nga trong chiến tranh

22/10/2015 13:58
Nguyễn Hường
(GDVN) - Có hai vấn đề về cơ cấu rất quan trọng có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với quân đội Nga trong một cuộc chiến tranh với những đối thủ lớn.

Tờ Business Insider hôm 21/10 dẫn bình luận của tác giả Jeremy Bender cho biết, quân đội Nga đã thể hiện được sức mạnh đáng kinh ngạc trong hai sự kiện gần đây ở Crimea và Syria. 

Tuy nhiên, có hai vấn đề về cơ cấu rất quan trọng có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với quân đội Nga trong một cuộc chiến tranh với những đối thủ lớn.

Binh sĩ Nga bảo vệ một căn cứ quân sự ở Perevalnoye, gần thành phố Simferopol, Crimea ngày 21 tháng 3 năm 2014. Ảnh Busniess Insider.
Binh sĩ Nga  bảo vệ một căn cứ quân sự ở Perevalnoye, gần thành phố Simferopol, Crimea ngày 21 tháng 3 năm 2014. Ảnh Busniess Insider. 

Theo nhà phân tích Dave Majumdar của The National Interest, quân đội Nga đang đối mặt với sự thiếu hụt binh sĩ chuyên nghiệp và vũ khí chủ lực rất đáng lưu ý.

Theo quan điểm của ông, quân đội Nga vẫn thiếu hụt rất lớn lực lượng quân nhân chuyên nghiệp. Phần lớn binh linh Nga, trừ lực lượng tên lửa chiến lược và lực lượng không quân cũng như thủy quân lục chiến, là lính nghĩa vụ - những người ít có động lực chiến đấu và được đào tạo chuyên nghiệp.

Chỉ có khoảng 1/4 lực lượng lục quân của Nga được đào tạo chuyên nghiệp và trang bị đầy đủ và được xếp vào lực lượng phản ứng nhanh trong quân đội Nga, Majumdar lưu ý. Phần còn lại là lực lượng nghĩa vụ thay đổi hàng năm. Do đó, lực lượng này được đào tạo rất ít.

Báo Mỹ dẫn lời Trung úy Alexey Chaban thuộc Lữ đoàn tăng 17 của Quân đội Ukraine cho rằng, quân đội Nga không phải là "những đối thủ ghê gớm" vì vẫn còn dựa nhiều vào lực lượng nghĩa vụ quân sự. 

Chaban còn cáo buộc lính Nga đang chiến đấu tại Ukraine. Theo Chaban, phần lớn lực lượng này thiếu đào tạo và đã phạm nhiều sai lầm. Hệ quả là hàng trăm người đã chết.

Khó khăn kinh tế khiến ngành công nghiệp quốc phòng và chương trình hiện đại hóa quân sự của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh Business Insider.
Khó khăn kinh tế khiến ngành công nghiệp quốc phòng và chương trình hiện đại hóa quân sự của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh Business Insider. 

Thậm chí, Chaban chê những lính Nga này "không phải là những chiến binh thực sự", Business Insider cho biết thêm.

Chanban đưa ra bằng chứng cho luận điểm của mình rằng Isa Munayev, một cựu chỉ huy lực lượng Chenchen đã đến Ukraine giúp Kiev chống lại người Nga, nói với ông rằng trừ lực lượng tinh nhuệ của Nga, phần lớn số còn lại là những người ít được đào tạo, không chuyên nghiệp.

"Isa luôn nói với tôi rằng binh sĩ Nga chỉ là một lũ say rượu. Nhưng nếu từng gặp (Tổng thống Chechnya Ramzan) Kadyrov - người đứng đầu lực lượng Chechen, thì nên sợ. Đây là những chiến binh thực thụ. Chiến đấu là toàn bộ cuộc sống của họ. Lực lượng Spetsnaz và GRU của Nga cũng vậy. Nếu nhìn thấy họ thì nên tránh xa thì hơn", Chaban nói.

Nhờ lực lượng nghĩa vụ quân sự đông nên quân đội Nga dễ tạo ra ấn tượng là một đội quân lớn. Tuy nhiên, Majumdar tin rằng họ không phải là một đội quân mạnh toàn diện. 

Quân đội Nga gần đây đã tiến hành một số biện pháp cải thiện tình trạng này, nhưng kế hoạch này đang bị chậm lại do một số khó khăn. Điều đó buộc Nga vẫn phải dựa vào lực lượng nghĩa vụ để điền vào hàng ngũ của mình.

Vấn đề lớn thứ hai mà quân đội Nga phải đối mặt là trạng thái của phần cứng quân sự cũng như quá trình mua sắm hiện đại hóa quân đội cũng đang chậm lại. 

Nga đã buộc phải hoãn lại một số chương trình hiện đại hóa quân sự vì khó khăn kinh tế. Ảnh Business Insider.
Nga đã buộc phải hoãn lại một số chương trình hiện đại hóa quân sự vì khó khăn kinh tế. Ảnh Business Insider.

Sau sự sụp đổ của liên Xô, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã bị suy yếu do nhiều lĩnh vực công nghệ quốc phòng quan trọng bị thiếu kinh phí để phát triển hoặc duy trì. 

Majumdar cho rằng ngành công nghiệp đóng tàu của Nga đã bắt đầu tụt hậu. Nga không còn khả năng xây dựng những chiếc tàu chiến lớn như tàu sân bay.

Quân đội Nga vẫn còn đang sử dụng nhiều phần cứng từ thời Liên Xô đã lão hóa. Mặc dù Nga đã tích cực mua sắm phần cứng mới trong những năm gần đây, nhưng một chương trình hiện đại hóa tổng thể vẫn là một bài toán khó khi mà nền kinh tế Nga đang trong giai đoạn khó khăn.

Những khó khăn này dẫn tới thực tế là Kremlin đã trì hoãn hoặc giảm quy mô một số dự án quốc phòng lớn. Dự định đưa máy bay ném bom thế hệ 5 PAK DA vào phục vụ trong năm 2023 đã được trì hoãn để tập trung vào sản xuất phiên bản cập nhật của Tu-160.

Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất Nga phải tạm hoãn tham vọng hiện đại hóa quân sự của mình. Kremlin cũng đang gặp các vấn đề về tài chính đối với kế hoạch triển khai tăng thế hệ ba Armata.

Theo ước tính của Dmitry Gorenburg của Đại học Harvard, Nga chỉ có thể trang bị cho quân đội tối đa 330 chiêc tăng Armata trước năm 2020 - một mức khá nhỏ so với kế hoạch ban đầu là trang bị 2.300 chiếc.

Nga đã chứng minh có thể phong tỏa một vùng lãnh thổ hạn chế và duy trì nhiều hoạt động nhỏ, nhưng trong một cuộc chiến tranh tổng thể với một đối thủ lớn, thiếu nhân lực và vật lực mạnh sẽ là một vấn đề có thể tạo ra những bất lợi lớn./.

Nguyễn Hường