Các nước vùng Vịnh lên kế hoạch đáp trả hoạt động của Nga tại Syria

05/10/2015 08:32
Nguyễn Hường
(GDVN) - Một số cường quốc trong khu vực Trung Đông đã lặng lẽ chuyển tiền, vũ khí và các hỗ trợ khác cho các chiến binh nổi dậy Syria với quy mô lớn chưa từng có.

Mặc dù một số nhà phê bình phương Tây đã tạm hạ thấp giọng chỉ trích Nga về lập trường bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau thành công của các vụ không kích chống khủng bố IS, nhưng một nhóm đối thủ của ông Assad vẫn thấy hoạt động của Moscow là một hành vi khiêu khích.

Theo tờ Guardian của Anh ngày 4/10, một số cường quốc trong khu vực Trung Đông đã lặng lẽ chuyển tiền, vũ khí và các hỗ trợ khác cho các chiến binh nổi dậy Syria với quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm ứng phó với sự tham gia của Nga.

Nga không kích các mục tiêu của khủng bố IS tại Syria. Ảnh Guardian.
Nga không kích các mục tiêu của khủng bố IS tại Syria. Ảnh Guardian.

Việc các quốc gia trên đầu tư mạnh vào một cuộc xung đột ở Syria được xem là một phần của cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng với đối thủ khu vực là Iran và củng cố cam kết trước đó cần phải loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad.

"Không có tương lai cho Assad ở Syria", Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel Al-Jubeir cảnh báo một vài giờ sau khi vụ không kích đầu tiên của Nga ở Syria diễn ra. 

"Sự can thiệp của Nga là một trở ngại lớn đối với những quốc gia ủng hộ phe đối lập, đặc biệt là các nước trong khu vực như Qatar, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ. Nó có thể thu hút phản ứng mạnh mẽ từ các nước này và tạo ra nguy cơ leo thang xung đột", Julien Barnes-Dacey, một nhân viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết.

Khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ, Ả Rập Saudi đã nêu rõ lập trường của mình rằng ông Assad phải ra đi. Nhưng cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã và sẽ thay đổi điều đó, ông Mohammed Alyahya - một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu King Faisal và Hồi giáo ở Riyadh cho biết.

Alyahya lo ngại rằng sự tăng cường hiện diện quân sự của Nga và Iran ở Syria có thể kích động các nước phản đối chính phủ Assad tăng cường hỗ trợ của họ cho phe đối lập Syria. Điều đó có nguy cơ làm tình hình khu vực mất ổn định hơn, đổ máu nhiều hơn.

Theo các nhà phân tích, Ả Rập Saudi đã tăng cường hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria ở miền Nam Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar tăng hậu thuẫn cho phe nổi dậy tại miền Bắc.  

Chiến dịch không kích của Nga tại Syria cũng đã thúc đẩy sự hình thành các liên minh lớn trên cơ sở các nhóm đối lập có ảnh hưởng nhất tại Syria, nhà phân tích khu vực Ali Bakeer cho biết thêm.

Lo ngại chính phủ Assad có thể sụp đổ để lại một khoảng trống quyền lực nguy hiểm, các nước vùng Vịnh đã thúc đẩy một quá trình chuyển đổi chính trị và dốc tiền hỗ trợ phe đối lập Syria. Tuy nhiên, các cuộc không kích của Nga đã làm thay đổi tính toán của họ. 

Điều đó buộc các nước này phải tăng cường sự hỗ trợ của họ cho phe nổi dậy Syria, mặc dù nó đang bị giới hạn vì nhiều lý do. Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cản trở bởi những bất ổn trong nước và khả năng phải tiến hành lại cuộc bầu cử gây tranh cãi sau khi thỏa thuận ngừng bắn với người Kurd sụp đổ. 

Qatar và Ả Rập Saudi đã bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh tốn kém và đẫm máu ở Yemen khiến cả nguồn lực quân sự lẫn tài chính để hỗ trợ cho các đồng minh bên ngoài đều còn hạn chế. Hơn nữa, phương Tây cũng cấm các nước này chuyển vũ khí công nghệ cao cho các lực lượng đối lập ở bên ngoài.

Tuy nhiên, việc ngừng chống đỡ cho phe nổi dậy ở Syria sẽ đồng nghĩa với việc để Iran củng cố vị thế của mình ở quốc gia này - một điều mà các nước trên đơn giản là không thể chấp nhận được.

Chỉ riêng sự tăng cường hỗ trợ của Ả Rập Saudi, quốc gia tỏ ra không dễ dàng từ bỏ mục tiêu của mình nhất, cũng đủ để làm leo thang tình hình, nhà phân tích Hassan Hassan, tác giả cuốn "ISIS: Bên trong đội quân của khủng bố", cho hay.

Theo ông, Ả Rập Saudi tin rằng cách tốt nhất để ứng phó với sự tham gia không kích của Nga ở Syria là tăng cường hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria để cân bằng tình hình trên mặt đất, khiến Moscow nhận ra các giới hạn mà họ có thể đạt được và điều chỉnh cách tiếp cận của họ.

Ả Rập Saudi cũng đặc biệt quan ngại về việc Mỹ có thể rút lui khỏi chiến lược về Iran sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Tehran. 

Dẫu vậy, cũng có một bộ phận ở Ả Rập Saudi có cái nhìn lạc quan hơn về sự tham gia của Nga tại Syria khi cho rằng, nó sẽ giúp làm giảm tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. 

Nhìn chung, rủi ro tình hình Syria có thể leo thang vượt qua ngoài lãnh thổ của quốc gia này vẫn còn. Mức độ đối đầu giữa Iran và Ả Rập Saudi ở một số điểm nóng trong khu vực vẫn đáng lo ngại.

Để loại trừ rủi ro này rất cần có một trung gian hòa giải. Tuy nhiên, cả Mỹ lẫn Nga hiện đều không đủ khả năng để buộc hai đồng minh của họ là Ả Rập Saudi và Iran ngồi vào bàn đàm phán giải quyết bất đồng với nhau.  

Nguyễn Hường