Cảng Subic sẽ phục vụ Mỹ đóng quân tại Biển Đông?

09/10/2012 07:44
Anh Vũ (Nguồn Inquirer)
(GDVN) - Khi Mỹ bắt đầu thực hiện sự thay đổi, Subic sẽ đóng một vai trò quan trọng phục vụ cho sự hiện diện của họ ở Thái Bình Dương.
Một quan chức cấp cao của Philippines ngày 8/10 đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch chuyển phần lớn các tàu chiến của mình đến Thái Bình Dương vào năm 2020, nước này sẽ cần vịnh nước sâu tự nhiên để các tàu nổi và tàu ngầm của mình cập bến.

Cảng Subic đóng một vai trò quan trọng đối với sự hiện diện của tàu Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cảng Subic đóng một vai trò quan trọng đối với sự hiện diện của tàu Mỹ ở Thái Bình Dương.

Phát biểu trước các phóng viên tại vịnh Subic trên tàu USS Bonhomme Richard khi con tàu đang tham gia cuộc tập trận chung 10 ngày với các lực lượng Philippines, Edilberto Adan, một cựu tướng quân đội và là người đứng đầu Ủy ban Hiệp định Thăm viếng quân sự Philippines (VFA) cho biết: "Dựa trên những tuyên bố chính thức của Mỹ, khí tài và máy bay Mỹ sẽ hiện diện nhiều hơn ở Tây Thái Bình Dương."
"Có rất ít cảng có thể chứa khí tài hải quân và các tàu của hải quân và một trong số đó là Subic. Khi Mỹ bắt đầu thực hiện sự thay đổi, Subic sẽ đóng một vai trò quan trọng phục vụ cho sự hiện diện của họ ở Thái Bình Dương" - ông nói thêm.

Trước đây, căn cứ hải quân vịnh Subic nằm ở phía bắc Manila là một căn cứ lớn nhất của quân đội Mỹ ở nước ngoài nhưng đã trở thành một cảng tự do và địa điểm du lịch kể từ khi nó đóng cửa vào năm 1992. 
Subic cùng với căn cứ không quân Clark gần đó là các cơ sở quan trọng đối với Mỹ. Clark đã đóng cửa vào năm 1991 sau khi núi lửa Pinatubo gần đó phun trào, khiến căn cứ bị bao phủ trong tro và khiến các thiết bị không sử dụng được.
Subic đã không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc biểu tình trên đường phố kêu gọi quân đội Mỹ phải rời khỏi Philippines, Thượng viện đã bỏ phiếu vào năm 1992 để kết thúc một hợp đồng thỏa thuận cho phép các cơ sở hoạt động. Trong tháng 11 năm 1992, con tàu cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi Subic.
Vào năm 1999, Manila đã phê chuẩn một thỏa thuận thăm viếng quân sự với Washington vào năm 1999, cho phép nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn giữa hai nước.
Anh Vũ (Nguồn Inquirer)