Cảnh sát biển Nhật Bản gồng mình bảo vệ Senkaku

04/10/2012 19:00
Bảo Thành (Nguồn: Yomiuri Shimbun)
(GDVN) - Cảnh sát biển Nhật Bản đang phải căng mình ra hết cỡ để ngăn cản những đợt xâm nhập liên tiếp của tàu công vụ Trung Quốc và Đài Loan trên vùng biển gần Senkaku, khiến cho các hoạt động khác của lực lượng này trên toàn quốc cũng bị ảnh hưởng.
Tờ Yomiuri Shimbun xuất bản tại Nhật Bản ngày 04/10 cho hay, khi 4 tàu Hải giám của Trung Quốc tiến vào vùng tiếp giáp gần nhóm đảo Senkaku hôm thứ Hai, một quan chức cấp cao của lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản chỉ biết thở dài và than thở: “Họ lại đến nữa rồi, đúng như tôi dự liệu.”

Tàu Hải giám Trung Quốc tiến vào vùng biển Senkaku
Tàu Hải giám Trung Quốc tiến vào vùng biển Senkaku

Cùng 4 chiếc tàu Hải giám đó lại tiến vào vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố là lãnh hải vào hôm thứ Ba còn có 2 tàu Ngư chính Trung Quốc. Cảnh sát biển Nhật Bản cũng phát hiện 4 tàu Hải giám tại vùng tiếp giáp phía ngoài đảo Kubashima thuộc nhóm đảo Senkaku vào hôm thứ Tư.

Theo các nhà quan sát, Cảnh sát biển Nhật Bản đang phải căng mình ra hết cỡ để ngăn cản những đợt xâm nhập liên tiếp của tàu công vụ Trung Quốc và Đài Loan trên vùng biển gần Senkaku, khiến cho các hoạt động khác của lực lượng này trên toàn quốc cũng bị ảnh hưởng.

Cảnh sát biển Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất trong ba tuần kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua và quốc hữu hóa ba hòn đảo trong nhóm đảo Senkaku vào ngày 11/9, và lực lượng này đã phải huy động tàu tuần tra từ khắp toàn quốc để đối phó với làn sóng xâm nhập.

Không chỉ có tàu Hải giám Trung Quốc thường xuyên tuần tra trên vùng biển này, ngày 25/10, 40 tàu cá và 12 tàu công vụ Đài Loan đã tiến vào vùng biển Senkaku, châm ngòi cho “trận chiến vòi rồng” giữa tàu Cảnh sát biển Nhật Bản và tàu Cảnh sát biển Đài Loan.

"Hải chiến vòi rồng" giữa tàu Cảnh sát biển Nhật Bản và Đài Loan
"Hải chiến vòi rồng" giữa tàu Cảnh sát biển Nhật Bản và Đài Loan

Tình hình chỉ lắng dịu vào sáng sớm  ngày 26/9 khi tàu Trung Quốc và Đài Loan rút đi để tránh cơn bão số 17 sắp tràn tới. Nhưng một sĩ quan Cảnh sát biển Nhật Bản nhận định: “Tàu Hải giám Trung Quốc rồi sẽ quay lại nhiều lần nữa nếu tình hình hiện nay không có gì thay đổi.”

Bộ chỉ huy Cảnh sát biển Vùng 11 phụ trách an ninh trên vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku. 9 chiếc tàu tuần tra của họ không phải lúc nào cũng huy động vì còn phải tiếp dầu và bảo dưỡng. Để đối phó với các đợt xâm nhập của tàu Trung Quốc, Cảnh sát biển Vùng 11 đã phải huy động tàu tuần tra từ các vùng khác đến hỗ trợ.

Nhật Bản có toàn bộ 11 Vùng Cảnh sát biển để huy động tàu bè cần thiết ra tuần tra trên vùng biển quanh Senkaku. Thông thường, tàu tuần tra của Cảnh sát biển có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển và đảm bảo an toàn hàng hải.

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi tàu Hải giám Trung Quốc
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi tàu Hải giám Trung Quốc

Vì hiện nay các tàu tuần tra gần bờ thường có kích cỡ nhỏ, nên các tàu lớn có khả năng mang theo trực thăng là rất cần thiết cho nhiệm vụ tuần tra dài ngày xung quanh Senkaku.

Vì một Vùng Cảnh sát biển chỉ có thể triển khai tối đa 30 tàu cùng một lúc nên họ phải cử thêm 20 tàu nữa từ các Vùng Cảnh sát biển khác để tuần tra quanh Senkaku.

Một quan chức cấp cao Cảnh sát biển Nhật Bản cho rằng việc huy động số lượng tàu tuần tra lớn như vậy đến Senkaku “không có tác động bất lợi nào đối với nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ khác”, tuy nhiên một quan chức Bộ chỉ huy Cảnh sát biển Vùng cho rằng: “Nếu tai nạn xảy ra liên tiếp nhau trên cùng một khu vực, chúng tôi e rằng sẽ không có khả năng phản ứng tức thì.”

Cảnh sát biển Nhật Bản triển khai trên Senkaku đón lõng tàu Đài Loan đổ bộ
Cảnh sát biển Nhật Bản triển khai trên Senkaku đón lõng tàu Đài Loan đổ bộ

Hiện toàn lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản có 12.600 người, tương đối ít so với lực lượng cảnh sát và Phòng vệ Nhật Bản. Khi tàu thuyền và nhân lực của các Vùng Cảnh sát biển được điều đi tuần tra Senkaku, các nhân viên ở lại phải thay đổi lịch làm việc của mình, nhiều người đã phải làm việc cả trong ngày nghỉ.

Một quan chức cấp cao của Cảnh sát biển Nhật Bản nhận xét: “Tinh thần của anh em được cử đến Senkaku làm nhiệm vụ rất cao, tuy rằng phải làm việc trong điều kiện căng thẳng leo thang như vậy là rất khó khăn.”
Bảo Thành (Nguồn: Yomiuri Shimbun)