Chính quyền Putin-II trước các di sản của chính quyền Medvedev

07/05/2012 11:02
Theo Nguyễn Ngọc Trường/Tổ Quốc
Thành tựu lớn nhất của chính quyền Tổng thống Medvedev là phát triển một xã hội tự do và dân chủ tại Liên bang Nga.
Tổng thống Medvedev kết thúc nhiệm kỳ bằng một cuộc cải cách chính trị sâu rộng, nhưng hiện đại hóa nền kinh tế, chống tham nhũng vẫn là những thách thức to lớn.

Dmitri Medvedev rất quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác điều hành nhà nước
Dmitri Medvedev rất quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác điều hành nhà nước

Ngày 7/5, khi Vladimir Putin nhậm chức Tổng thống thứ tư của Liên bang Nga, hoạt động chính trị của Dmitri Medvedev cũng lật sang một trang mới. Chính quyền của ông đã để lại di sản gì cho nước Nga và người kế nhiệm?
Ngày 26/4, phát biểu trong cuộc phỏng vấn truyền hình cuối cùng trong cương vị tổng thống, Dmitri Medvedev đã gọi nhiệm kỳ 4 năm của mình là “ngồi sau yên ngựa của người khác”. Dư luận Nga đánh giá cao sự thẳng thắn của ông khi nhìn nhận những việc đã hoặc chưa làm được.
Thành tựu lớn nhất là phát triển một xã hội tự do và dân chủ tại Liên bang Nga. Nước Nga đang tiến hành một số cải cách hệ thống chính trị sâu rộng: đơn giản hóa thủ tục đăng ký và hoạt động cũng như tranh cử của các chính đảng, đưa vào áp dụng điều luật mới về cử tri trực tiếp bầu lãnh đạo cấp tỉnh-thành.

Trước khi rời nhiệm sở, ông Medvedev đã ký đạo luật về các chính đảng ở Liên bang Nga có hiệu lực từ ngày 2/5. Theo đó, các chính đảng không cần phải thu thập chữ ký ủng hộ của cử tri để ra tranh cử vào mọi cấp chính quyền, trừ cuộc bầu cử tổng thống.

Tại cuộc bầu cử tổng thống, mọi chính đảng chỉ cần thu thập 100.000 chữ ký ủng hộ ứng cử viên của mình thay cho mức 2 triệu chữ ký theo quy định cũ. Ông cũng ký Luật bầu cử trực tiếp tỉnh trưởng.

4 năm đứng đầu Điện Kremlin, Dmitri Medvedev tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích cho việc điều hành chính phủ dưới chính quyền Putin-II
4 năm đứng đầu Điện Kremlin, Dmitri Medvedev tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích cho việc điều hành chính phủ dưới chính quyền Putin-II

Luật này quy định bắt đầu từ ngày 1/6, những người đứng đầu các chủ thể Liên bang sẽ được bầu trên cơ sở bình đẳng và trực tiếp với hình thức bỏ phiếu kín.

Các đảng đề cử không nhất thiết chỉ là người của đảng mình, mà có thể cả những người ngoài đảng. Tỉnh trưởng sẽ mất chức nếu hơn 50% dân số trong khu vực ủng hộ quyết định phế truất. 
Những cải cách này thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội dân sự Nga. Tổng thống Medvedev đã biết tận dụng thời điểm đời sống chính trị Nga có những biến động mạnh mẽ sau cuộc bầu cử Đuma Quốc gia Nga và trước bầu cử tổng thống để thúc đẩy ban hành các đạo luật như vậy.

Ông Medvedev nhận xét: “Người Nga có tính cách dân tộc đặc biệt, … đánh giá cao trật tự, ổn định và khả năng dự báo”.

Nhưng sự mong muốn có trật tự của nhân dân Nga không mâu thuẫn với nguyện vọng tự do của họ. Ông cho rằng nền chính trị của quốc gia không nên phục thuộc vào ý chí của một cá nhân mà nên “phụ thuộc vào ý chí của hơn 1 người” và phản đối việc đem trật tự đối kháng với tự do và lấy tự do đối lập lại sự thịnh vượng vật chất, lấy tự do đối lập với sự công bằng.
Bình luận về các cuộc biểu tình phản đối sau cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống Nga, Dmitri Medvedev nói trước 6 kênh truyền hình rằng bản thân ông ngưỡng mộ nhiệt huyết của những người biểu tình dù không đồng tình với các khẩu hiệu được đưa ra.

Ông cũng bày tỏ không đồng tình với kết luận là Mỹ đứng sau phong trào chống đối đó, bởi vì Nga là một nước lớn và không ai có thể can thiệp vào nội bộ của nước Nga. Theo ông, người ta chỉ có thể xúi bẩy vài chục đến vài trăm người chứ không thể xúi giục được một lực lượng lớn như vậy.

Ảnh Rian
Ảnh Rian

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước Nga vẫn còn đứng trước nhiều vấn đề nhức nhối, mặc dù vậy, trong 4 năm qua, có tới 50% quan chức lãnh đạo cấp khu vực và tỉnh-thành đã bị thay thế, đồng thời, Viện tổng Công tố Nga đã khởi tố hoặc đang xem xét 17.000 vụ án hình sự liên quan đến quan chức tham nhũng, đã phanh phui 53 nhóm tội phạm có tổ chức dính líu đến tham nhũng-hối lộ quan chức.

Sự ăn sâu bám rễ của tham nhũng vào hệ thống chính quyền và các cơ chế quyền lực có thể làm cho các cam kết chống tham nhũng trở nên “bất khả thi” và không tránh khỏi ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa nước Nga, trong đó có đầu tư nước ngoài mà nước Nga đang “trải thảm đỏ” chào đón.
Về thành tựu kinh tế, nước Nga đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu với mức thiệt hại nhỏ nhất và nhanh chóng khôi phục kinh tế-xã hội.

Mức tăng GDP hàng năm vào khoảng 4%. Việc bơm hàng nghìn tỷ rúp vào nền kinh tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các ngân hàng đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ của ngành công nghiệp, kiềm chế lạm phát và thực hiện các cam kết xã hội. Mức đói nghèo trong hai năm qua cũng là mức thấp nhất trong lịch sử của nước Nga đương đại.

Trong 4 năm hoạt động, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Nga đã thông qua 94% đơn xin cấp phép đầu tư nước ngoài. Các ngành kinh tế mang tầm quan trọng chiến lược của Nga cũng đã thu hút hơn 33 tỷ USD đầu tư nước ngoài.

Tư hữu hóa sở hữu nhà nước quy mô lớn lần thứ hai đã được thúc đẩy. Tuy nhiên, chủ trương giảm sự lệ thuộc của đất nước vào nguồn nguyên-nhiên liệu xuất khẩu vẫn chưa gặt hái được kết quả như mong muốn, vì nguyên-nhiên liệu vẫn chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước Nga.

Ảnh Rian
Ảnh Rian

Về những nhiệm vụ sắp tới, cải cách các lực lượng vũ trang Nga tiếp tục là chương trình hành động có quy mô lớn. Giáo dục sẽ là một trong những ngành tiếp tục được ưu tiên phát triển với kinh phí hàng năm do ngân sách cấp lên tới 2-3 nghìn tỷ rúp.

Liên Xô trước đây chỉ có khoảng 600 trường đại học-cao đẳng và học viện, nhưng nước Nga hiện nay đang có khoảng 1.050 cơ sở đào tạo đại học và trên đại học.

Tiếp tục Chương trình tư hữu hóa giai đoạn 2011-2013 đã được Chính phủ phê duyệt; đồng thời, như lời Tổng thống mãn nhiệm, “sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế phải ở mức cần thiết tối thiểu và rất minh bạch”.
Về triển vọng của “bộ đôi lãnh đạo”, tổng thống mãn nhiệm tuyên bố ông và ông Putin là bạn bè thân thiết của nhau hơn 20 năm qua, cả hai đều có chung lý tưởng và mục đích chấn hưng và phát triển nước Nga phồn vinh, tự do và dân chủ. Ông cho rằng hoạt động của “bộ đôi” sẽ còn tồn tại lâu dài.
Ông Medvedev đã nhận lời ra tranh chức chủ tịch mới của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất, sẽ tổ chức đại hội ngày 26/5 tới.
Tương lai chính trị của Dmitri Medvedev, cũng như việc biến tầm nhìn của mình thành hiệu quả hoạt động của chính phủ do ông điều hành, sẽ phụ thuộc nhiều vào bản lĩnh, kinh nghiệm tích lũy qua 4 năm ở Điện Kremlin, cũng như khả năng chèo lái của người “ngồi sau yên ngựa của người khác”.
Theo Nguyễn Ngọc Trường/Tổ Quốc