Chính trường Úc: Đấu trường mới để Obama - Tập Cận Bình so tài cao thấp

09/05/2016 13:58
Ngọc Việt
(GDVN) - Obama và Tập Cận Bình buộc phải tham gia vào "canh bạc" của Malcolm Turnbull với xác xuất rủi ro rất cao vì phải xuất vốn trước rồi lại thấp thỏm chờ.

The Guardian ngày 8/5 đưa tin, Thủ tướng Úc Malcolm Turbull đã quyết định tổng tuyển cử trước thời hạn, và cuộc bầu cử Quốc hội lần này tại xứ Kanguru dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới đây.

Như vậy là cuối cùng điều mà giới quan sát dự đoán về chính trường nước Úc cũng đã diễn ra, khi vai trò của Thủ tướng Turnbull thấp hơn vị thế của mình, khiến cho những kế hoạch của ông và chính phủ gặp nhiều khó khăn tại lưỡng viện.

Ngay từ khi thực hiện cuộc “đảo chính qua đêm” để nắm lấy quyền bính, ông Malcolm Turbull luôn bị nghi ngờ về uy tín cũng như khả năng của mình lèo lái con thuyền Austalia giữa hai luồng gió mạnh từ phương Bắc và phương Tây đang thổi tới.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull chuẩn bị cho ván cờ cuộc đời của mình. Ảnh: AP.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull chuẩn bị cho ván cờ cuộc đời của mình. Ảnh: AP.

Nhiều người cho rằng, ông Turbull chỉ có "tài vặt" và việc ông lật đổ được cựu Thủ tướng Tony Abbott là do may mắn, thậm chí có phần "nhẫn tâm và cơ hội".

Có lẽ ông Turnbull cũng đoán biết được điều ấy, cho nên từ khi ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Úc, ông đã thực hiện rất nhiều những hiệu chỉnh, điều chỉnh để tạo dấu ấn cho mình, nhất là trong quan hệ đối ngoại.

Cựu Thủ tướng Tony Abbott vốn rất năng động, cho nên để vượt tầm ảnh hưởng của người tiền nhiệm đòi hỏi ông Turnbull phải có những đột phá. Điều này phải được thể hiện cả ở diện rộng lẫn chiều sâu trong chính sách nhằm nâng tầm Australia trong quan hệ quốc tế.

Theo cá nhân người viết, cho đến nay Thủ tướng Malcolm Turnbull đã đi đúng hướng trong việc tạo vị thế cho mình cả về đối nội lẫn đối ngoại. Giờ đã đến lúc ông Turnbull thể hiện quyền lực mạnh mẽ của một Thủ tướng Úc.

Yếu tố “danh chính ngôn thuận” trong đảm nhiệm cương vị Thủ tướng là rất quan trọng cho ông thực hiện điều ấy. Do đó, việc tổng tuyển cử trước thời hạn là việc cần phải làm đối với ông Turnbull và ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này.

Ván cờ cuộc đời của Thủ tướng Malcolm Turnbull   

Đại tướng Trần Đại Quang - Nguyên thủ quốc gia tương lai của Việt Nam ở thời điểm đó là vị quốc khách cuối cùng của ông Abbott trên cương vị Thủ tướng Úc, vì chỉ mấy tiếng sau ông đã trở thành cựu Thủ tướng một cách hết sức bất ngờ.

Tuy nhiên, chính sự bất ngờ ngoạn mục của ông Malcolm Turnbull đã khiến cho dư luận, thậm chí ngay cả đồng minh thân cận trong đảng Tự do cũng nghi ngại về khả năng điều hành chính phủ của ông.

Tuy nhiên, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã xoá tan suy nghĩ của người đời, đối thủ cũng như đối tác về nhận định ông "kém tài", nhất là trong lĩnh vực đối ngoại.

Chính trường Úc: Đấu trường mới để Obama - Tập Cận Bình so tài cao thấp ảnh 2

Ván cờ mới của Putin

(GDVN) - Thay đổi nhân sự của Tổng thống Putin lần này, đặc biệt là bổ nhiệm trở lại cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin là một ván cờ hay, dù có phần mạo hiểm.

Thủ tướng Úc đã thể hiện rõ ràng quan điểm của Úc về vấn đề xung đột tại Biển Đông. Cho dù Trung Quốc có thể thất vọng hay Hoa Kỳ có thể không hài lòng về hành động của chính phủ Turnbull, nhưng không thể gạt bỏ hay xem nhẹ vai trò của Úc tại đây.

Quan trọng hơn là quan điểm và hành động của chính phủ Turnbull không làm phương hại đến quyền lợi kinh tế của nước Úc khi nước này vừa là thành viên của TPP – thuộc sự ảnh hưởng của Mỹ, vừa là thành viên sáng lập của AIIB – thuộc sự chi phối của Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng Hoa Kỳ lại là đồng minh chiến lược lâu năm của quốc gia này. Ông Turnbull đã làm tốt trong việc cân bằng lợi ích từ hai mối quan hệ ấy.

Thậm chí Australia còn tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề nổi cộm trên thế giới như chống khủng bố IS hay tình hình tại Iraq, Afghanistan…với tinh thần chủ động chứ không ở dạng “theo đóm ăn tàn”.

Thủ tướng Malcolm Turnbull đã chứng minh được khả năng qua hành động.

Tuy nhiên, nguyên nhân của việc Thủ tướng Malcolm Turnbull quyết định bầu cử sớm là ở vấn đề đối nội, vì nó chỉ được đưa ra sau khi Thượng viện Australia không thông qua dự luật cho phép chính phủ thành lập một cơ quan giám sát ngành công nghiệp xây dựng.

Thủ tướng Turnbull hy vọng sẽ giành được chiến thắng nhiệm kỳ ba năm lần thứ hai cho liên minh hai đảng Tự do – Quốc gia và thực hiện được ý nguyện của ông.

Vì vậy, dù đã chuẩn bị và tạo được thế cho mình qua dấu ấn của những hoạt động đối ngoại trong thời gian qua, nhưng cuộc bầu cử sớm có thể được xem là một “ván cờ cuộc đời” của Thủ tướng Turnbull.

“Cuộc bầu cử sắp tới sẽ rất quan trọng bởi vì đảng Tự do đương quyền đặt cược tương lai chính trị của họ với hy vọng là cử tri sẽ ủng hộ cho mục tiêu của đảng này là thành lập cơ quan giám sát xây dựng”, VOA ngày 8/5 bình luận.

Ông Turnbull đã thể hiện rất rõ quan điểm: “Trong cuộc bầu cử này, người dân có một chọn lựa rất rõ ràng là giữ chiều hướng hiện tại, tiếp tục cam kết kế hoạch kinh tế quốc gia về tăng trưởng và tăng công ăn việc làm.

Hoặc là mọi người phải quay trở lại với đảng Lao động bằng nghị trình nợ và thâm hụt ngân sách, chi tiêu nhiều hơn và thuế cao hơn – nghị trình ngăn sự chuyển tiếp của đất nước và đưa nền kinh tế vào chỗ bế tắc."

Chính trường Úc: Đấu trường mới để Obama - Tập Cận Bình so tài cao thấp ảnh 3

Sự lạc điệu của Nga ở Biển Đông và cái giá phải trả

(GDVN) - Nguy hại hơn là nó có thể giúp Bắc Kinh tạo tiền lệ nguy hiểm trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và Nga có thể áp dụng cái tiền lệ ấy cho mình.

Trong khi đó lãnh đạo đảng Lao động, ông Bill Shorten cho biết ông sẽ “tranh đấu trong cuộc bầu cử này để làm cho Australia trở thành một nước công bằng hơn, nơi nhu cầu của người dân và của các doanh nghiệp nhỏ phải được đặt trên hàng đầu của danh sách ưu tiên”.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cuộc bầu cử có thể là một cuộc đua tranh rất gay cấn giữa đảng Lao động đối lập và liên minh cầm quyền do đảng Tự do của Thủ tướng Turnbull dẫn đầu.

Nếu giành chiến thắng, ông Malcolm Turnbull sẽ xoá tan nghi ngại của cử tri về năng lực của mình, xoá tan ác cảm của đối thủ xem ông chỉ là kẻ cơ hội và ông sẽ ghi tên mình vào danh sách những Thủ tướng Australia một cách “danh chính ngôn thuận”.

Ông sẽ chứng minh được mình là người của những cơ hội và biết khai thác cơ hội để làm lợi cho người dân cho đất nước. Ngược lại, ông Malcolm Turnbull có thể “thân bại danh liệt” nếu thất bại trong "ván cờ cuộc đời này". 

Theo gương bậc tiền bối tài năng

Ngược dòng thời gian vào năm 1991, chính khách trẻ tuổi Paul Keating đã tạo ra một cuộc lật đổ ngoạn mục trên chính trường Australia, khi ông thách thức và chiến thắng vị Thủ tướng bảo thủ, cứng rắn và đầy uy lực lúc bấy giờ - Thủ tướng Bob Hawke.

Sự bảo thủ của nền chính trị Australia những năm cuối thế kỷ 20 khiến cho xã hội Australia ngột ngạt và vị chính khách trẻ tuổi muốn tạo ra làn gió mới trong đời sống chính trị xã hội tại quốc gia nam bán cầu này.

Tháng 6/1991, Keating kêu gọi Thủ tướng Hawke từ chức lãnh đạo đảng Lao động (ALP) và rời khỏi chức vụ Thủ tướng Australia, song sự việc không thành. Tuy nhiên, sáu tháng sau Keating thách thức một lần nữa và lần này đã thành công.

Ngày 20/12/1991 Paul Keating trở thành Thủ tướng thứ 24 của nước Úc. Năm 1993, ông đã dẫn dắt ALP chiến thắng trong một cuộc bầu cử mà trước đó hầu hết những nhà bình luận chính trị đều cho rằng ông chắc chắn thất bại, theo BBC Timeline.

Cựu Thủ tướng Úc Paul Keating – vị tiền bối tài năng và là tấm gương sáng cho Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ảnh: australiaplus.com.
Cựu Thủ tướng Úc Paul Keating – vị tiền bối tài năng và là tấm gương sáng cho Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ảnh: australiaplus.com.

Khi nắm quyền, Thủ tướng Keating thực hiện các chính sách cải cách kinh tế, như loại bỏ hạn chế về nhập khẩu, cho phép các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Úc và tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước như Ngân hàng Commonwealth hay Qantas...

Chính phủ Úc tăng cường quan hệ đối ngoại, nhất là với các quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt. Thủ tướng  Paul Keating đã có ý tưởng đưa Úc ra khỏi khối Liên hiệp Anh, để trở thành một nước cộng hòa.     

Mặc dù không tái cử ở nhiệm kỳ tiếp theo vào năm 1996, nhưng đóng góp của cựu Thủ tướng Paul Keating đối với Australia là không thể phủ nhận. Đã một phần tư thế kỷ trôi qua nhưng dấu ấn và thành quả của cựu Thủ tướng Paul Keating vẫn đang đơm hoa kết trái trên xứ sở của Kanguru – đó là một xã hội phát triển cởi mở và hội nhập.

Dù cựu Thủ tướng John Howard là người nắm quyền lâu thứ hai trong lịch sử chính trị Úc, nhưng dấu ấn để lại cho người dân Úc, xã hội Úc lại không thể sánh bằng người tiền nhiệm Paul Keating.

Có nhiều người còn cho rằng, nhờ thừa hưởng thành quả của cựu Thủ tướng Paul Keating nên ông John Howard mới có thể tại vị gần 12 năm trời như vậy.

Tháng 9/2015 khi chính khách Malcolm Turnbull thách thức và đặt ra “tối hậu thư” cho Thủ tướng Tony Abbott, dư luận đã mường tượng ra một "cuộc lật đổ kiểu Paul Keating” sẽ lặp lại. Và một cuộc “soán ngôi vô tiền khoáng hậu” đã lại xảy ra trên chính trường nước Úc.

Tình thế hiện tại của Thủ tướng Malcolm Turnbull không khác gì nhiều so với thách thức của cựu Thủ tướng Paul Keating trong cuộc tổng tuyển cử năm 1993. Chiến lược và chiến thắng của vị tiền bối tài năng là bài học và là động lực cho ông Turnbull trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 tới đây.

Nhiều người tin rằng, nếu học theo và làm theo tấm gương Paul Keating trong việc biến điều không thể thành có thể thì Thủ tướng Turnbull sẽ có hào quang trong tương lai chính trị của mình.

Một ván cờ mới cho Obama và Tập Cận Bình so tài cao thấp

Có thể thấy rằng, trong thời gian qua Bắc Kinh và Washington bất phân thắng bại trong việc tạo ảnh hưởng với Canberra, nhưng cả hai đều nhận thấy Malcolm Turnbull là quân cờ có thể sử dụng tốt cho mục đích chiến lược của họ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP/Evan Vucci.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP/Evan Vucci.

Cả “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình lẫn “tạo mới sân sau Châu Á – Thái Bình Dương” của Obama đều rất cần tới vai trò của Australia, và chính phủ của Malcolom Turnbull đã cho thấy Úc đảm nhận tốt vai trò đó.

Hoa Kỳ chọn Nhật Bản ở phía bắc và Úc ở phía nam nhằm tạo đối trọng và gây sức ép với Trung Quốc ở Biển Đông. Hai đồng minh chiến lược của Washington hình thành nên thế gọng kìm trong việc kiềm chế, thậm chí khống chế Bắc Kinh trong xung đột tại Biển Đông.

Mỹ đã sai lầm khi rút khỏi hai căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark tại Phillipines nên phải tạo thế gọng kìm mới có thể kiềm toả sự trỗi dậy ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.

Nhật Bản và Australia cùng với Mỹ cũng là những thành viên quan trọng nhất quyết định sự vận hành có hiệu quả hay không của TPP – chiến lược kinh tế đối ngoại lớn nhất trong cuộc đời làm Tổng thống của ông Obama.

Dù chưa vận hành, nhưng thực tế cho thấy bộ 3 Barak Obama – Shinzo Abe – Malcolm Turnbull đã có sự phối kết hợp ăn ý trong việc triển khai ý tưởng của chiến lược này. Vì vậy, Obama phải giúp Turnbull phải chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trong khi đó, Trung Quốc đã thể hiện tham vọng nuốt trọn Biển Đông khi vẽ lại bản đồ với đường lưỡi bò 9 đoạn. Qua đó có thể nhận thấy, Bắc Kinh phải chọn và xây dựng mối quan hệ với Canberra thành đối tác chiến lược.

Để thoát thế cô lập tại Biển Đông, Trung Quốc phải làm suy yếu các đối thủ, mà cụ thể nhất là tranh thủ ảnh hưởng, thậm chí tạo sự lệ thuộc để gây chia rẽ trong ASEAN. Khi chưa thể kéo Nhật ra khỏi Mỹ thì lôi kéo quân cờ Australia là rất quan trọng.

Mặt khác, ngoài việc khai thác lợi thế của một số thành viên ASEAN có chân trong TPP để làm lợi cho mình, thì Australia cũng là một bước đệm quan trọng mà Trung Quốc muốn lợi dụng hưởng lợi từ TPP với tư cách người ngoài.

Thông qua chiêu trò này, Tập Cận Bình sẽ khiến cho Obama rơi vào cảnh “cốc mò cò xới” trong việc khởi động hiệp định thương mại quan trọng đó. Vi vậy, giúp cho Turnbull chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm cũng là yêu cầu rất quan trọng với Tập Cận Bình.

Có thể thấy rằng, dù là đối thủ của nhau trong việc khai thác lợi ích từ Australia cho những chiến lược của mình, nhưng cả Obama và Tập Cận Bình đều có một điểm chung là lợi ích từ "quân cờ Malcolm Turnbull".

Chính trường Úc: Đấu trường mới để Obama - Tập Cận Bình so tài cao thấp ảnh 6

Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga

(GDVN) - Việc Mỹ chỉ điều động 250 quân tới Syria trong giai đoạn này là một nước đi đầy khôn ngoan của Obama.

Vì vậy, chắc chắn cả hai sẽ có những công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho Turnbull chiến thắng trong "canh bạc cuộc đời" của mình. Cho dù nguyên cớ dẫn đến bầu cử sớm xuất phát từ đối nội, nhưng theo truyền thống thì đối ngoại luôn là ảnh hưởng rất lớn tới chính trường Australia.     

Nhờ vai trò và vị thế trong bàn cờ mới tại Châu Á – Thái Bình Dương, ứng cử viên Malcolm Turnbull sẽ nhận được sự trợ giúp tích cực từ 2 người bạn lớn Obama và Tập Cận Bình.

Cuộc tỉ thí giữa Obama và Tập Cận Bình trong ván cờ mới này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn. Kết cục cuộc so tài này chỉ nghiêng về ai khi Malcolm Turnbull thể hiện lập trường của chính phủ sau bầu cử, nếu ông và đảng Tư do của ông giành chiến thắng.

Như vậy là Obama và Tập Cận Bình buộc phải tham gia vào "canh bạc" của Malcolm Turnbull với xác xuất rủi ro rất cao vì phải xuất vốn trước rồi lại thấp thỏm chờ ngày chiến thắng của Turnbull mà không biết sẽ là đối tác của mình hay là liên minh của đối thủ.

Một đối tác chiến lược quân sự lâu năm và một đối tác thương mại lớn nhất từ 2009, ai sẽ chiến thắng trong ván cờ này? Hạ hồi mới phân giải được. Tuy nhiên, Turnbull lại là người có lợi nhất ngay từ ván cờ này.

Cuộc tổng tuyển cử mới tại Australia còn gần hai tháng nữa mới diễn ra và khoảng thời gian này chính là thời điểm ông Malcolm Turnbul, các đồng minh và các đối thủ thể hiện tài năng nắm bắt và khai thác cơ hội của mình.

Tuy nhiên, dù nắm bắt hay khai thác bất cứ cơ hội nào từ đối nội đến đối ngoại thì người lãnh đạo tương lai phải thể hiện được cái tâm và cái tầm của mình. Vì đây là hai tiêu chí bất di bất dịch của nhân dân trong việc lựa chọn người tài đức để gửi gắm niềm tin và gửi trao quyền lực của họ.  

Ngọc Việt