Cục diện "lưỡng đầu chế" ở Biển Đông hậu phán quyết trọng tài

16/07/2016 09:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Chiến tranh là điều có thể loại trừ vì nó sẽ là rủi ro quá mức có thể làm suy yếu một chế độ. Tính toán này của Bắc Kinh sẽ không thay đổi sau phán quyết.

Nhà nghiên cứu chiến lược và trật tự quốc tế Thomas Wrigth từ Viện Brookings ngày 15/7 bình luận, phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông ngày 12/7 là một sự xác minh chính sách lâu dài của Mỹ ở Biển Đông, đó là thành công ngoài cả mong đợi của Washington.

Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS đã cắt đứt "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc với kết luận nó không có căn cứ trong luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Phán quyết này cũng cung cấp sự hỗ trợ cho lập luận của Mỹ rằng, tất cả tranh chấp hàng hải ở châu Á phải được giải quyết một cách hòa bình và đa phương (đối với các tranh chấp đa phương).

Tác động của phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông đến quan hệ Trung-Mỹ

Đặc biệt với việc làm rõ hiệu lực pháp lý của các cấu trúc ở Trường Sa và Scarborough cùng các vùng biển do chúng tạo ra, phán quyết trọng tài cung cấp bằng chứng pháp lý quan trọng cho quyền tự do hoạt động hàng hải, hàng không của tàu, máy bay Mỹ gần khu vực Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo (trái phép).

Nhà nghiên cứu Thomas Wright, ảnh: Fox News.
Nhà nghiên cứu Thomas Wright, ảnh: Fox News.

Nhưng quy mô của sự thất bại pháp lý Bắc Kinh phải đối mặt chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều lo lắng và tức giận tại Trung Quốc, làm tăng những lo ngại về những gì sẽ xảy ra tới đây.

Chính phủ Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách leo thang đáng kể hoạt động của mình ở Biển Đông, dẫn đến những bế tắc nguy hiểm với lực lượng Mỹ.

Trong lúc chiến tranh đang hoành hành ở Trung Đông, EU đối mặt với chia rẽ, mối "nguy hiểm" liên tục từ Nga và làn sóng chủ nghĩa khủng bố lan khắp toàn cầu, điều Mỹ cần bây giờ là một cuộc khủng hoảng an ninh thực sự ở Biển Đông.

Điều đó không có gì bất ngờ. Do đó, giới hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ hoan nghênh kết quả, nhưng cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ cung cấp cho Trung Quốc không gian để chống lại sự cám dỗ cho một phản ứng tích cực.

Không nghi ngờ rằng Washington sẽ phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ hành động khiêu khích nào của Trung Quốc, nhưng Mỹ cũng sẽ quan tâm để tránh bất kỳ nhận thức nào rằng, những hành động của Mỹ bị xem là khiêu khích.

Tuy nhiên về lâu dài, phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông có lợi cho Mỹ và các đồng minh.

Với lập luận logic, kiên quyết và rõ ràng, phán quyết trọng tài cung cấp một hiểu biết tổng thể cho chiến lược của Mỹ đối với Đông Á xoay quanh việc bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật, đồng thời cũng giúp Mỹ giữ gìn và bảo vệ ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Trật tự dựa trên luật pháp quốc tế cũng thu hút sự quan tâm của các quốc gia ngoài châu Á, đặc biệt là EU. Các nước láng giềng Trung Quốc có thể gây ấn tượng với EU về tầm quan trọng của việc kề vai sát cánh bảo vệ luật pháp quốc tế ở bất cứ nơi nào, từ Đông Âu đến Biển Đông.

Tất nhiên Trung Quốc sẽ lập luận rằng Mỹ "đạo đức giả" vì nước này vẫn chưa phê chuẩn việc tham gia UNCLOS 1982. Tuy nhiên thực tế không thể phủ nhận là phán quyết trọng tài ngày 12/7 sẽ có tác động lớn đến cách thức phần còn lại của thế giới nhận thức về các vấn đề ở Biển Đông.

Phán quyết cuối cùng cũng tăng áp lực đối với Mỹ về việc phê chuẩn tham gia UNCLOS 1982, đồng thời cũng là một sự thúc đẩy đối với Thượng viện Hoa Kỳ.

Cục diện "lưỡng đầu chế" ở Biển Đông

Điều quan trọng nhất là phán quyết trọng tài tạo ra tình thế khó xử đối với Trung Quốc. Trước phán quyết, Bắc Kinh đã ra sức tuyên truyền chống đối để chứng minh rằng Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền.

Điều đó dẫn đến những suy đoán Trung Quốc sẽ áp đặt ADIZ ở Biển Đông, phong tỏa hải quân hay một cái gì đó tồi tệ hơn.

Nhưng những biện pháp cực đoan này chỉ làm tăng động lực thúc đẩy các nước trong khu vực đoàn kết lại chống Trung Quốc. Bắc Kinh xem chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái BÌnh Dương của Mỹ là thách thức lớn nhất của mình.

Trong khi các quan chức Mỹ thì coi điều đó đơn giản chỉ là tăng đầu tư vào một khu vực năng động và quan trọng nhất thế giới chứ không phải để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng thực chất, Mỹ có nhu cầu tham gia vào khu vực này ngày một lớn bởi sự cứng rắn của Trung Quốc từ năm 2009, 2010 trở về đây.

Nếu Trung Quốc leo thang, Mỹ sẽ ngày càng trở nên cuốn hút ở Biển Đông và sẽ triển khai biện pháp mạnh hơn. Trung Quốc càng cứng rắn thì càng tạo động lực cho Mỹ xoay trục.

Hơn nữa các nước láng giềng Trung Quốc có nhiều lý do để làm việc chặt chẽ với nhau ở Biển Đông cũng như an ninh châu Á nói chung.

Mặt khác nếu Trung Quốc chỉ cần lùi lại một bước ở Biển Đông thì mọi thứ đều ổn. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài sẽ khôi phục lại sự ổn định đối với vùng biển đang có nhiều bất ổn này.

Ngay cả khi căng thẳng gia tăng thì dẫn đến chiến tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông là điều không thể đối với cả hai phía. Theo Lầu Năm Góc, tham vọng chiến lược của Trung Quốc là muốn Mỹ chia sẻ quyền lực ở Đông Á.

Bắc Kinh không muốn (hay không thể?) đẩy Mỹ ra khỏi khu vực hoàn toàn, còn Washington cũng hoàn toàn không thể chấp nhận để Trung Quốc thống trị Biển Đông.

Quan trọng hơn là Bắc Kinh tin rằng, họ có thể đạt được mục đích này bằng cách tránh xung đột với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Trung Quốc tìm cách tăng dấu chân của mình bằng cách sử dụng vũ lực có kiểm soát với chiến thuật xây đảo nhân tạo và sử dụng tàu công vụ (vũ trang trá hình).

Nhưng chiến tranh là điều có thể loại trừ vì nó sẽ là rủi ro quá mức có thể làm suy yếu một chế độ. Tính toán này của Bắc Kinh sẽ không thay đổi sau phán quyết.

Vấn đề lớn Mỹ phải đối mặt là làm gì với tương lai của trật tự quốc tế khi trung Quốc không tuân thủ phán quyết với lập luận có "gian lận" bởi phương Tây? Trung Quốc cũng tìm được đồng minh là Putin với nhiều lời lẽ chỉ trích trật tự do Mỹ dẫn đầu.

Quan hệ Nga - Trung đã có những khó khăn trong năm qua, nhưng phán quyết trọng tài về vụ kiện Biển Đông có thể cung cấp cho mối quan hệ này một sức sống mới. Nếu Bắc Kinh quyết định chạy theo điều này, tác động của nó tới toàn cầu có thể rất sâu sắc.

Mặc dù có thể có những cuộc khủng hoảng còn ở phía trước và giữ cho cái đầu "lạnh" là điều cần thiết với tất cả các bên, nhưng có rất ít nghi ngờ về phán quyết trọng tài Biển Đông là thắng lợi chung của những người ủng hộ sự tham gia mạnh mẽ của Hoa Kỳ vào Đông Nam Á.

Cá nhân người viết cho rằng, bài phân tích của nhà nghiên cứu Thomas Wright cho thấy cạnh tranh và thỏa hiệp giữa các siêu cường luôn luôn tác động đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước nhỏ xung quanh các điểm nóng như Biển Đông.

Cho dù không thể phủ nhận vai trò của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ UNCLOS 1982, duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông với thái độ, ứng xử nhất quán trong việc bảo vệ phán quyết của Hội đồng Trọng tài vụ kiện Biển Đông, nhưng sự thỏa hiệp giữa Mỹ với Trung Quốc nhắc chúng ta nhớ rằng, không được mất cảnh giác.

Hơn nữa, phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 trong vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc là thắng lợi chung của nhân loại văn minh, của luật pháp quốc tế, của UNCLOS 1982 mà các bên liên quan đều được hưởng lợi từ việc giải thích rõ ràng cách áp dụng UNCLOS 1982 ở Biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc.

Điều này một lần nữa nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong quan hệ quốc tế hiện đại, đặc biệt là xử lý các tranh chấp bất đồng. Chỉ có chiếu theo luật pháp quốc tế, chúng ta mới thấy được đâu là hành động thực sự vì hòa bình và ổn định, đâu là hành động ích kỷ, hẹp hòi có tính toán, thậm chí thỏa hiệp trên đầu các nước nhỏ của các siêu cường toàn cầu trong thế giới ngày nay.

Hồng Thủy