Đa Chiều: Đừng lấy tính mạng người dân để trả giá cho phát triển

18/08/2015 07:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Vụ nổ Thiên Tân là tai họa do con người tự chuốc lấy chứ không thể đổ tại Ông Trời.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Đa Chiều.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Đa Chiều.

Đa Chiều, một tờ báo tiếng Hoa tại Mỹ tự nhận là "cái loa tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại" ngày 16/8 có bài xã luận: "Đừng lấy tính mạng của người dân để trả giá cho phát triển" xung quanh vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân hôm 12/8 gây ra thương vong và thiệt hại rất lớn về người cũng như tài sản.

Cho đến nay con số thương vong do vụ nổ gây ra vẫn tiếp tục gia tăng, điều khiến dư luận người dân Trung Quốc phẫn nộ là việc sự cố đã xảy ra mấy ngày nhưng vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân, cũng không ai đưa ra được danh sách các loại hóa chất độc hại nào có trong kho khi phát nổ và số lượng là bao nhiêu.

Những người lính cứu hỏa khi được lệnh thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp trong vụ nổ Thiên Tân cũng đã không được chỉ dẫn các khu vực chứa hóa chất độc hại, dễ cháy nổ, không thể xác lập được phương án cứu hộ từ các số liệu lưu trữ kho bãi mới tạo ra tổn thất to lớn về người và của. Điều này cho thấy vụ nổ Thiên Tân là tai họa do con người tự chuốc lấy chứ không thể đổ tại Ông Trời.

Tai họa đáng lẽ có thể tránh nhưng cuối cùng lại không thể tránh, Đa Chiều cho rằng cần phải truy cứu trách nhiệm đến cùng vụ này để có một lời giải thích rõ ràng trước vong linh những nạn nhân xấu số và thân nhân họ. Tuy nhiên cần phải thấy rằng cũng như rất nhiều vụ tai nạn khác, vụ nổ ở Thiên Tân là kết cục đương nhiên của việc quản lý không đến nơi đến chốn, cái giá phải trả cho việc phát triển nóng trong mấy chục năm qua.

Những vụ nổ tương tự như nổ dường dẫn dầu ở Thanh Hải, Đại Liên, nổ kho bãi ở Phúc Kiến, nổ kho thuốc pháo hoa ở Thượng Hải đều gắn liền với tình trạng ô nhiễm môi trường khắp nơi trên đất Trung Quốc cùng những vụ sập hầm lò đã trở thành nỗi đau của thời đại, Đa Chiều bình luận.

Phát triển không nên chỉ là sự nâng cao phiến diện mức sống vật chất hay tốc độ tăng trưởng kinh tế bao nhiêu %, mà phải là một quá trình tổng hợp, toàn diện từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Phát triển kinh tế phải đi đôi với cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và kiểm soát tốt các nhân tố rủi ro.

Đa Chiều cho rằng, vụ nổ 12/8 ở Thiên Tân và sự bất lực của các cơ quan chức năng đã trở thành một bài học đắt giá cho Trung Quốc: Từ nay về sau phải đặt an toàn tính mạng và tài sản của người dân lên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Hồng Thủy