Đa Chiều: Đường lưỡi bò mới là tử huyệt của Trung Quốc ở Biển Đông

07/07/2014 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Theo Đa Chiều, lúc này Bắc Kinh chỉ còn 1 cách duy nhất, tuyên bố lấy đường lưỡi bò làm "biên giới trên Biển Đông"!?
Hình minh họa, nguồn: Internet.
Hình minh họa, nguồn: Internet.

Tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại ngày 4/7 bình luận, việc Philippines khởi kiện đường lưỡi bò mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông ra Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển là giáng 1 đòn chí mạng và đường đứt đoạn này có thể sẽ trở nên vô dụng trong các hoạt động đàm phán sau này.

Ngày 5/6, Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã ra thông báo yêu cầu Trung Quốc trong vòng 6 tháng phải nộp bản thuyết trình lập luận của mình trước tòa về đơn kiện của Philippines trọng vụ kiện yêu sách đường lưỡi bò hoàn toàn trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nếu đến trước ngày 5/12 năm nay tòa án không nhận được phản hồi từ Bắc Kinh, họ sẽ tiến hành xử vụ kiện mà không cần sự có mặt của Trung Quốc.

Đa Chiều: Đường lưỡi bò mới là tử huyệt của Trung Quốc ở Biển Đông  ảnh 2

Học giả Singapore: Lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam là kiện Trung Quốc

(GDVN) - Tôi nghĩ rằng lựa chọn tốt nhất cho Hà Nội là đưa vụ giàn khoan 981 ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ở The Hague.

Trước đó giới học giả và truyền thông nhà nước Trung Quốc hầu hết cho rằng, ngay từ năm 2006 Trung Quốc đã tuyên bố bảo lưu quyền không thực hiện điều 298 UNCLOS về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hoạch định các vùng biển thông qua cơ quan tài phán theo định chế của UNCLOS. Do đó giới học giả, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng họ có quyền từ chối tham gia vụ kiện của Philippines và không chịu sự ràng buộc nào từ các phán quyết của tòa án xung quanh vụ kiện này.

Tuy nhiên Đa Chiều cho rằng Bắc Kinh khó có thể làm ngơ với vụ kiện này. Một số nhà phân tích nhận định, mặc dù Trung Quốc đã bảo lưu quyền từ chối xử lý tranh chấp lãnh thổ và vùng biển chồng lấn thông qua cơ quan tài phán, nhưng cái mà Philippines khởi kiện lại không phải tranh chấp vùng biển chồng lấn, càng không phải là tranh chấp lãnh thổ hay quy thuộc các đảo, mà tất cả chỉ nhàm vào bản chất hiệu lực pháp lý của hoạt động phân giới các vùng biển.

Vấn đề cốt lõi đầu tiên trong vụ kiện của Philippines là tính hợp pháp của đường đứt đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U mà Trung Quốc yêu sách tới 90% diện tích Biển Đông). Vậy một khi tòa tuyên bố đường lưỡi bò Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông là vô hiệu, sẽ xảy ra những hậu quả nào đối với Trung Quốc?

Đa Chiều: Đường lưỡi bò mới là tử huyệt của Trung Quốc ở Biển Đông  ảnh 3

Tập Cận Bình: Chủ động uy hiếp, chủ động tấn công trên Biển Đông

(GDVN) - Kết hợp uy hiếp quân sự với gây sức ép ngoại giao, tranh thủ chính trị để phối hợp giải quyết, đây chính là mô hình Trung Quốc đang, sẽ áp dụng trên Biển Đông.

Theo Đa Chiều, không khó để có thể đoán ra rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ lập tức lên tiếng bày tỏ "cực lực phản đối, vô cùng bất mãn" với phán quyết của tòa án. Trung Quốc sẽ nhắc lại lập trường của họ rằng phán quyết của toàn án đã bỏ qua (cái gọi là) quyền lợi lịch sử của đường lưỡi bò được hình thành "trong thời gian dài", và phán quyết của tòa không có giá trị ràng buộc nào đối với Trung Quốc.

Philippines đã nghiên cứu rất kỹ (luật pháp, thông lệ quốc tế) trước khi đưa ra quyết định khởi kiện và đã tập trung vào tính bất hợp pháp của đường lưỡi bò Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh lâu nay chưa bao giờ làm rõ về tính pháp lý cũng như căn cứ của đường lỡi bò mà họ đưa ra. Cái họ gọi là căn cứ lịch sử hay quyền lợi lịch sử của đường lưỡi bò, Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ trước cộng đồng quốc tế bất chấp mọi áp lực và kêu gọi từ dư luận ngoài khẳng định lặp đi lặp lại rằng lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, rõ ràng và không có gì tranh cãi?!

Chỉ với đường lưỡi bò vu vơ, năm 2012 Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chà đạp luật pháp và công luận quốc tế. Ảnh: Vnexpress.
Chỉ với đường lưỡi bò vu vơ, năm 2012 Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chà đạp luật pháp và công luận quốc tế. Ảnh: Vnexpress.

Vậy khi tòa án tuyên bố đường lưỡi bò vô hiệu Trung Quốc mới bắt đầu giải thích thì chẳng khác nào bát nước đổ đi khó lòng lấy lại. Bởi đâu phải tòa án không cho Trung Quốc cơ hội giải thích về đường lưỡi bò của họ, mà Bắc Kinh đã có đầy đủ thời gian và cơ hội trong 6 tháng trời, nhưng Bắc Kinh vẫn không đếm xỉa gì tới.

Một khi tòa đã tuyên đường lưỡi bò Trung Quốc vô hiệu, dù Bắc Kinh không thừa nhận thì cộng đồng quốc tế cũng vẫn thừa nhận phán quyết ấy bất chấp cái duy ý chí của Trung Quốc. Trung Quốc không thừa nhận, các nước ven Biển Đông vẫn thừa nhận. Đa Chiều cho rằng đến lúc đó các nước ven Biển Đông không ai chấp nhận đưa đường lưỡi bò bị phán quyết vô hiệu lên bàn đàm phán.

Đa Chiều: Đường lưỡi bò mới là tử huyệt của Trung Quốc ở Biển Đông  ảnh 5

Học giả Trung Quốc: Quá yếu không bảo vệ được lãnh thổ mới phải kiện?!

(GDVN) - Trong cơn mê sảng, giới học giả nước này đã thừa nhận rằng, mặc dù là một thành viên phê chuẩn UNCLOS, nhưng Trung Quốc sẵn sàng vứt bỏ nó vào sọt rác.

Nếu xảy ra tình huống này, có thể xem như số phận đường lưỡi bò Trung Quốc đã bị kết liễu. Lúc này Trung Quốc có muốn giải thích cũng chẳng ai nghe, đã quá muộn, tờ báo nhận định.

Mặt khác một khi Philippines thắng kiện vụ này, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei sẽ tiếp tục khởi kiện. Philippines có thể khởi kiện tiếp việc Trung Quốc yêu cầu 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế xung quanh 8 bãi đá ở Trường Sa (mà Bắc Kinh cất quân xâm lược của Việt Nam năm 1988, 1995 - PV) là bất hợp pháp, thậm chí yêu sách lãnh hải 12 hải lý với các bãi đá này cũng không được.

Việt Nam cũng có thể căn cứ theo UNCLOS khởi kiện đề nghị tòa tuyên bố 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không đủ điều kiện có đường cơ sở riêng của một quần đảo hay quốc gia quần đảo. Thậm chí Việt Nam có thể kiện đường cơ sở mà Trung Quốc vẽ ra ở cái gọi là "Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là vô hiệu, trái UNCLOS, không thể sử dụng làm căn cứ phân giới các vùng biển.

Và như vậy, dù Trung Quốc có đánh chiếm tất cả các đảo ở Biển Đông cũng không thể độc chiếm toàn bộ vùng biển này bởi diện tích các đảo, đá trên Biển Đông quá nhỏ, không thể so với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông để mà đòi 200 hải lý.

Thậm chí khi Trung Quốc đòi áp dụng nguyên tắc "đất thống trị biển" như yêu sách với nhóm đảo Senkaku ở Hoa Đông thì chả "kiếm" được bao nhiêu diện tích Biển Đông. Chính vì vậy theo Đa Chiều, chỉ có cái gọi là "chủ quyền lịch sử, quyền lợi lịch sử" mới giúp Trung Quốc thỏa mãn tham vọng (bành trướng) lãnh thổ ở Biển Đông.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh đâm thẳng vào mạn tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đang kêu gọi Bắc Kinh rút giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: VOV.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh đâm thẳng vào mạn tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đang kêu gọi Bắc Kinh rút giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: VOV.

Đa Chiều bình luận, để tránh rơi vào trường hợp này, cũng là để giữ được thể diện, Trung Quốc không thể thờ ơ với vụ kiện của Philippines. Theo Đa Chiều, nếu cảm thấy không thắng được ở cơ quan tài phán, thì Bắc Kinh nên chủ động công khai tuyên bố rõ căn cứ yêu sách đường lưỡi bò của mình, và việc này cần phải làm thật sớm.

Theo tờ báo của người Hoa hải ngoại, thời gian cho Bắc Kinh không còn nhiều. Một khi tòa đã tuyên thì Bắc Kinh có muốn làm gì cũng vô ích.

Đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Obama nhiệm kỳ này đã tập trung mũi nhọn trên Biển Đông vào tự do hàng hải và bản chất đường lưỡi bò. Mỹ cũng đang hỗ trợ Philippins và Việt Nam thông qua cơ quan tài phán quốc tế để vô hiệu hóa dường lưỡi bò. Theo Đa Chiều, lúc này Bắc Kinh chỉ còn 1 cách duy nhất, tuyên bố lấy đường lưỡi bò làm "biên giới trên biển"!?

Đa Chiều: Đường lưỡi bò mới là tử huyệt của Trung Quốc ở Biển Đông  ảnh 7

Lý Quang Diệu: Trung Quốc đang tìm cách viết lại luật biển

(GDVN) - Nếu theo bình luận của ông Lý Quang Diệu, bao nhiêu thành quả của nhân loại về luật pháp quốc tế, UNCLOS sẽ bị Trung Quốc hủy hoại và đảo lộn tất cả?

Đề xuất không khác gì việc cướp giữa ban ngày của Đa Chiều được tờ báo này lập luận, vấn đề ở đây không phải là thực lực mà là có dám liều hay không.

Đa Chiều cho rằng, trong 2 cuộc hải chiến (xâm lược) Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988, thực lực của Trung Quốc thời Mao - Đặng tương đối yếu nhưng vẫn chiếm được. Gần đây nhất Putin lấy được Crimea từ Ukraine không phải do thực lực của Nga đã chiếm thế thượng phong, mà là ở "cái đầu và dám liều".

Tờ báo tiếp tục luận điệu hiếu chiến, cực đoan khi tuyên bố, đường lưỡi bò là "cơ nghiệp" do Quốc dân đảng thời Tưởng Giới Thạch để lại từ năm 1947 "không thể vì UNCLOS mới có cách đây mấy chục năm mà để mất. Bất kể hiện tại hay sau này, điều Bắc Kinh cần làm là tiếp tục đòi chủ quyền với toàn bộ Biển Đông".

Như vậy có thể thấy dù muốn hay không, vô tình hay hữu ý tờ Đa Chiều đã thừa nhận bản chất bất hợp pháp của đường lưỡi bò, nó chỉ là cái cớ ngụy biện cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Tờ báo này cũng thấy rõ đường lưỡi bò chính là tử huyện của Trung Quốc ở Biển Đông cả về mặt pháp lý cũng như dư luận quốc tế - PV.

Đó là lý do tại sao Trung Quốc rất sợ ra tòa và đường lưỡi bò, đó cũng là đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa một bên là tham vọng bành trướng lãnh thổ, xưng hùng xưng bá trong khu vực nhưng rất khó nuốt trôi với một bên là chính sách "trỗi dậy hòa bình", vai trò cường quốc mới trong một thế giới văn minh. 

Mỗi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đều có hàng ngàn hàng triệu cặp mắt quan sát. Họ không thể lừa được ai, một khi vẫn cứ cố đấm ăn xôi thì xôi chưa chắc được ăn mà có khi còn ăn đấm, cú đấm mạnh mẽ của công luận và pháp lý vào thể diện của một nước lớn thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - PV.

Hồng Thủy