Đa Chiều: Tập Cận Bình sẽ "chọi lại" Mỹ ở Biển Đông

22/05/2015 14:29
Hồng Thủy
(GDVN) - Đa Chiều lập luận, Bắc Kinh sẽ phải "đặt danh dự sang một bên để lựa chọn chiến lược trực tiếp điều hải quân ra Trường Sa.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc.

Đa Chiều ngày 22/5 bình luận, căng thẳng đang leo thang nhanh chóng trên Biển Đông kể từ hôm 20/5 khi Mỹ phái máy bay trinh sát tiến gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và phía Trung Quốc 8 lần phát tín hiệu xua đuổi. Bình luận về vấn đề này, Chu Phương ngân từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Quảng Đông cho rằng Tập Cận Bình nhất định sẽ "chọi lại" Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Tạp chí Foreign Policy ngày 21/5 bình luận, việc cho phóng viên đài CNN theo máy bay ra Trường Sa hôm 20/2 và phát sóng hình ảnh xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc cho thấy, Lầu Năm Góc thực sự đang có phản ứng rất nghiêm túc với hoạt động của Bắc Kinh, đồng thời thông qua động thái này để thách thức (tuyên bố chủ quyền vô lý phi pháp của) Trung Nam Hải ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ đã công khai tuyên bố không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, phản đối hành vi quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Rất nhiều nhà hoạch định tư tưởng chiến lược Hoa Kỳ đều cho rằng, chỉ cần Washington gây sức ép quân sự đủ lớn, Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ. Nhưng Đa Chiều cho rằng với sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, nếu Washington càng có thái độ cứng rắn, Bắc Kinh sẽ càng (hung hăng) đáp trả mạnh, đó là nét mới trong chính sách ngoại giao của Trung Nam Hải. Chu Phương Ngân lập luận (ngụy biện) rằng, chính Mỹ đang cho Trung Quốc có cớ phái thêm hải quân ra Trường Sa và tăng tốc tuyên bố ADIZ, tăng cường bố trí vũ khí khí tài tại các đảo nhân tạo này.

Kế hoạch ngăn chặn Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông của Lầu Năm Góc, theo Chu Phương Ngân, nó sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tăng tốc, tăng quyết tâm quân sự hóa trong khu vực. Biển Đông đang trở thành điểm đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Đương nhiên Trung Nam Hải thừa biết, việc áp đặt ADIZ ở Biển Đông sẽ có không ít hậu quả tiêu cực. Việc Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa đã khiến cộng đồng quốc tế lo lắng, khu vực căng thẳng, Đa Chiều nhấn mạnh. Rất nhiều quốc gia cho rằng Trung Quốc đang ỷ lớn hiếp nhỏ, bởi vậy theo Đa Chiều, Bắc Kinh không định tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, bởi trong con mắt dư luận, đó là một hành vi gây hấn.

Tiếp tục viện cớ "kế hoạch và tư thế của Hoa Kỳ ở Biển Đông làm cho Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác", Đa Chiều lập luận, Bắc Kinh sẽ phải "đặt danh dự sang một bên để lựa chọn chiến lược trực tiếp điều hải quân ra Trường Sa. Đây vốn là một khả năng có thể xảy ra, và Mỹ đang thúc đẩy cho tiến trình này diễn ra nhanh hơn.

Đa Chiều cũng dẫn bình luận của tờ Sputnik của Nga cho rằng, Mỹ đang "đùa với lửa" ở Biển Đông?! Một khi xung đột quân sự nổ ra thì cả châu Á phải hứng chịu hậu quả. Trận chiến tiếp theo của Hoa Kỳ nhiều khả năng không diễn ra như nhiều người nghĩ là ở Trung Đông hay Ukraine, mà là các rặng san hô bé nhỏ trên Thái Bình Dương.

Phản ứng trước động thái hải quân Mỹ công bố video trên CNN hôm 21/5, tờ Quân giải phóng Trung Quốc lại dẫn lời ông Tập Cận Bình nói rằng, bất kỳ nước nào cũng không được lấy (cái gọi là) lợi ích quốc gia của Trung Quốc ra đổi chác, chớ nghĩ rằng Trung Quốc chấp nhận nuốt quả đắng chấp nhận tổn hại (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích phát triển.

Tờ báo này khuyên Lầu Năm Góc nên lấy cục diện quan hệ hợp tác Mỹ - Trung làm trọng và từ bỏ cái Bắc Kinh gọi là "khiêu khích vũ lực". Hỗ trợ cho tuyên bố này và phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, không quân nước này lập tức phái máy bay ném bom chiến lược bay qua eo biển Myiako, Nhật Bản tập trận ở Tây Thái Bình Dương hôm qua.

Hồng Thủy