Đại diện NATO thừa nhận thu thập tin về Donbass chủ yếu từ mạng xã hội

08/05/2015 09:09
Nguyễn Hường
(GDVN) - NATO đã thừa nhận sự yếu kém của lực lượng tình báo tại Donbass và dấy lên các hoài nghi về độ tin cậy của các báo cáo của họ.

Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Douglas Lute đã thừa nhận rằng kiến ​​thức của ông về các cuộc xung đột đang diễn ra ở miền đông Ukraine phần lớn có nguồn gốc từ các trang mạng xã hội chứ không phải là từ các báo cáo tình báo.

"Tất cả chúng ta phải tự hỏi mình rằng tại sao chúng ta biết rất ít về những gì đang thực sự xảy ra ở Donbass", RT ngày 7/5 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại NATO nói trong diễn đàn "Những người bạn của châu Âu" ở Brussels cho biết.

Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, Douglas Lute.
Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, Douglas Lute.

Ông Lute thẳng thắn thừa nhận rằng những gì ông biết về cuộc chiến ở miền Đông Ukraine phần lớn là do thu thập thông tin từ các trang mạng xã hội chứ không phải nhận được từ mạng lưới tình báo chính thức. 

Tuyên bố trên đồng nghĩa với việc ông Lute đã thừa nhận sự yếu kém của tình báo phương Tây trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và có thể làm dấy lên các hoài nghi về độ tin cậy của những tuyên bố của Mỹ và NATO về khủng hoảng Ukraine.

"Tôi không có ý nói rằng chúng tôi đã bỏ qua các nguồn tin tình báo của mình. Tôi chỉ muốn nói rằng so với thời điểm Chiến tranh Lạnh, hệ thống tình báo mà chúng tôi có từ 20 năm trước đã bị teo lại, mọi thứ đã thay đổi cơ bản", ông nói thêm.

Độ tin cậy của các thông tin trên mạng xã hội đã nhiều lần được công chúng đặt ra câu hỏi.

Một ví dụ mới nhất cho sự thiếu chính xác của nguồn tin này là trong tháng 4 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffey Pyatt tuyên bố trên Twitter cá nhân rằng quân đội Nga đang tiếp tục mở rộng hiện diện ở Donbass. 

Để chứng minh cho tuyên bố này, ông Pyatt đã đăng tải một bức ảnh làm bằng chứng. Nhưng sau đó, nó được xác minh thực chất là bức ảnh chụp hệ thống phòng không Nga trong một triển lãm hàng không gần Moscow từ hai năm trước. 

Tháng 7 năm ngoái, Mỹ cho công bố một bức ảnh vệ tinh được cho là bằng chứng Nga bắn phá Ukraine từ lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, sau đó nó cũng được chứng minh là một bức ảnh giả. 

Cũng trong tháng 4, một số nghị sĩ Ukraine bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã "đánh lừa" một thượng nghị sĩ Mỹ bằng cách cung cấp cho ông một bức ảnh được cho là bằng chứng về một loạt thiết bị quân sự của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, sau khi thương nghị sĩ Mỹ háo hức cho công bố bức ảnh, nó bị phát hiện là một bức ảnh được chụp trong cuộc xung đột của Nga với Gruzia tại Nam Ossetia trong năm 2008.

Nguyễn Hường