Đại sứ Trung Quốc trình quốc thư đã 2 tháng, Kim Jong-un vẫn không tiếp

26/05/2015 14:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Theo thông lệ quốc tế, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của một quốc gia trình quốc thư đều do nguyên thủ nước sở tại tiếp nhận. Dù bận đến đâu, ...
Ông Lý Tiến Quân, Đại sứ Trung Quốc sang Triều Tiên đã 2 tháng vẫn chưa được gặp ông Kim Jong-un.
Ông Lý Tiến Quân, Đại sứ Trung Quốc sang Triều Tiên đã 2 tháng vẫn chưa được gặp ông Kim Jong-un.

Đa Chiều ngày 26/5 đưa tin, tân Đại sứ Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên nhận nhiệm vụ từ tháng 3, nhưng cho đến nay ông vẫn không được Chủ tịch CHDCND Triều Tiên, ông Kim Jong-un tiếp. Điều này cho thấy thực tế quan hệ Trung - Triều đã quá xa cách. Hôm qua trong cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phóng viên đặt câu hỏi về việc có phải tân Đại sứ nước này vẫn chưa được Bình Nhưỡng chấp nhận.

Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc nói rằng theo ông biết, Đại sứ Lý Tiến Quân hôm 30/3 đã trình quốc thư lên Chủ tịch Quốc hội CHDCND Triều Tiên. Theo thông lệ quốc tế, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của một quốc gia trình quốc thư đều do nguyên thủ nước sở tại tiếp nhận. Dù bận đến đâu, người ta cũng phải bố trí thời gian tiếp kiến. Ông Tập Cận Bình hôm 14/4 cũng đã nhận quốc thư của tân Đại sứ 9 nước trình tại Đại lễ đường Nhân Dân.

Trong khi đó ông Lý Tiến Quân đã sang Bình Nhưỡng 2 tháng vẫn chưa được Kim Jong-un tiếp. Chủ nhà vốn được coi là có quan hệ "truyền thống hữu nghị cách mạng lâu đời" với Bắc Kinh phái ông Kim Jong-nam, Chủ tịch Quốc hội và phụ trách các hoạt động lễ nghi ra tiếp nhận quốc thư là không hợp thông lệ ngoại giao. Mặt khác động thái này có vẻ như châm biếm "quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều". Vì vậy dù trình quốc thư đã gần 60 ngày, Lý Tiến Quân bị giới quan sát xem như chưa được Bình Nhưỡng thừa nhận.

Ngày 18/3 cựu Phó ban Liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Tiến Quân sang Triều Tiên làm Đại sứ. Người tiền nhiệm Lưu Hồng Tài cũng xuất thân từ Ban Liên lạc đối ngoại trung ương. Những năm gần đây hầu hết Bắc Kinh đều lựa chọn quan chức từ ban này làm Đại sứ tại Triều Tiên để tiện giữ liên lạc.

Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Jong-nam nhận quốc thư của tân Đại sứ Trung Quốc Lý Tiến Quân, ảnh: Nhân Dân nhật báo.
Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Jong-nam nhận quốc thư của tân Đại sứ Trung Quốc Lý Tiến Quân, ảnh: Nhân Dân nhật báo.

Ngày 4/5 Lý Tiến Quân gặp Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, ngày 6/5 hội kiến Phó Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Lý Tiến Quân ít nhất đã 5 lần nhắc đến việc Bắc Kinh "kiên định không rời" phương châm quan hệ hữu nghị với Triều Tiên, 2 lần nhắc đến quan hệ Trung - Triều đang đứng trước "cơ hội lịch sử" và 2 lần nói rằng, quan hệ Trung - Triều phải "cầu đồng, tồn dị", tức tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng.

Phát biểu của Lý Tiến Quân cho thấy, Trung Nam Hải vẫn không thể bỏ Bắc Triều Tiên như dư luận đồn đoán và "mong đợi", thậm chí nhắc đi nhắc lại cái gọi là "phương châm kiên định không dời". Nhưng thực tế không tốt đẹp như những gì Bắc Kinh nói. Ngày 8/5 ông Kim Jong-nam đã hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi sang Nga dự duyệt binh 9/5. Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên đã chuyển thư tay của ông Kim Jong-un cho ông chủ Điện Kremlin.

Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA khi đưa tin về sự kiện này đã ca ngợi, quan hệ Nga - Triều ngày càng phát triển, đổi mới liên tục trên nhiều lĩnh vực. Việc ông Kim Jong-nam gặp Tập Cận Bình trên Hồng Trường chỉ được KCNA đề cập vỏn vẹn: "Chủ tịch Quốc hội Kim Jong-nam đã hội kiến Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình".

Đa Chiều bình luận, hàng loạt động thái của Triều Tiên đã đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh. Trước đó trong tháng 3 khi Bắc Kinh vừa kêu gọi các bên kiềm chế, nhanh chóng quay lại đàm phán 6 bên thì chỉ 4 ngày sau Triều Tiên phóng thử 7 quả tên lửa ra biển mà không thèm nể mặt Bắc Kinh. 

Hồng Thủy