Đại tá Gaddafi sẽ không có nơi nào để lẩn trốn?

01/09/2011 15:52
(GDVN) - Vòng vây đang siết chặt. Cuộc săn lùng Đại tá Gaddafi cũng đang trở nên ráo riết hơn bao giờ hết. Liệu ông Gaddafi có nơi nào để tới tị nạn?

Tờ RIA Novosti phiên bản tiếng Anh của Nga hôm 31/8 đã đăng tải một bài xã luận đề cập tới các lối thoát của thể có đối với Đại tá Gaddafi khi thất bại trong cuộc chiến ở Libya. Nhưng xét theo tình huống nào, số phận của Đại tá Gaddafi dường như cũng không có một kết cục nhiều may mắn.

Số phận của nhà độc tài Libya sẽ ra sao? Liệu có lối thoát nào cho Đại tá Gaddafi?
Số phận của nhà độc tài Libya sẽ ra sao? Liệu có lối thoát nào cho Đại tá Gaddafi?
Một trong những hệ quả của việc quốc tế hóa pháp lý là ngày nay các nhà độc tài không còn có nhiều chỗ để ẩn. Sẽ khó có cơ hội để đại tá Gaddafi được hưởng những năm cuối đời trong yên bình khi mà 114 trong tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ đã tham gia ký kết Quy chế Rome về Tòa án hình sự Quốc tế năm 2002 với công ước về trấn áp và trừng trị tội diệt chủng.

ICC ban hành một lệnh bắt giữ đối với Muammar Gaddafi về tội ác chống lại nhân loại trong tháng sáu năm 2011.

Những quốc gia khác như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Israel và nhiều nước khác mặc dù không công nhân công ước trên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) nhưng chắc hẳn sẽ không để cho đại tá Gaddafi tới sống lưu vong. 

Đã qua lâu rồi những ngày các nhà độc tài có thể sống lưu vong ở Pháp như cựu độc tài Haiti, "Baby Doc"Jean-Claude Duvalier, đã làm trong những năm 1980. Nhật Bản, nơi có thể sống những năm cuối đời bình dị như cựu Tổng thống Alberto Fujimori của Peru (từ 200-2007) cũng có lẽ không chấp nhận ông Gaddafi khi quốc gia này là đồng minh của Mỹ.

Các chế độ quân chủ ở các nước Ả Rập cũng sẽ không thân thiện, ngoại trừ một số ít các quốc gia vẫn có khả năng chấp nhận cho ông Gaddafi tới trú ẩn.

Ả Rập Saudi, một trong những người hàng xóm gần gũi nhất, có thể chấp nhận nhà lãnh đạo Libya bởi chính sách của quốc gia này cũng đã từng cho phép cấp giấy phép cư trú tạm thời cho hai nhà lãnh đạo khác tới cư trú là Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali bị lật đổ vào tháng Giêng, và Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Trong những năm 1980, Ả Rập Saudi cũng đã từng được chọn làm nơi lánh nạn của ông Idi Amin Dada, nhà lãnh đạo Uganda. 
Tuy nhiên, Gaddafi - nếu vẫn còn sống - sẽ khó có thể xin được phép trú ẩn tại Riyadh hoặc các vùng lân cận sau khi chính ông đã tự phá vỡ cơ hội của mình khi mà công khai gọi Quốc vương Abdullah là một con rối của Anh và Hoa Kỳ trong năm 2009.
Nam Phi, quốc gia từng được nhiều nhà độc tài bao gồm cả Gaddafi có mối quan rất hệ tốt, sẽ không còn phù hợp là một thiên đường lẩn trốn an toàn nữa khi mà quốc gia này tham gia ký kết Quy chế Rome và có thể sẽ chẳng dám tiếp nhận đại tá Gaddafi vì lo sợ những rắc rối được ông này mang đến theo. Trong tháng ba, cựu Tổng thống Haiiti Jean-Bertrand Aristide đã buộc phải rời khỏi Nam Phi, nơi ông đã sống lưu vong kể từ năm 2004.
Hơn nữa, Johannesburg ngày nay như là một vùng đất lành của nhiều tập đoàn kinh tế và chính trị của các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Điều đó quá nguy hiểm cho một người muốn lánh xa vòng tay của lực lượng phương Tây.
Có một khả năng nhỏ Gaddafi sẽ chạy trốn tới đất nước của hai người bạn hữu là ông Hugo Chavez ở Venezuela hoặc thậm chí là Chủ tịch Kim Jong-il ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, khả năng này cũng đã được các nhà phân tích loại bỏ khi mà Venezuela đã tham gia ký kết Quy chế Rome, trong khi Bình Nhưỡng an toàn nhưng lại nằm quá xa Libya. Việc di chuyển tới quốc gia này mà không bị phát hiện và bị chặn lại là điều không tưởng.
Niềm hy vọng lớn nhất của ông Gaddafi lúc này là được Chính phủ Algeria chấp thuận. Quốc gia này có đường biên giới dài với Libya, ủng hộ Chính quyền Gaddafi và các quan chức nước này cũng đã xác nhận thông tin về việc họ chấp thuận cho một số thành viên trong gia đình Gaddafi tới tị nạn tại. Vợ, 3 người con và một số cháu của ông Gaddafi đã tới Algeria vào sáng ngày thứ Hai vừa qua.

Bộ Ngoại giao của Algeria đã thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an về vụ việc trên. 

Cũng có nhiều tin đồn về việc ông Gaddafi đã hoặc đang tìm cách tới Algeria xin tị nạn nhưng chưa có thông tin nào được chính phủ Algeria xác thực. 

Tuy nhiên, Algeria đang chịu rất nhiều sức ép của các tổ chức, chính phủ nước ngoài và các tuyên bố đe dọa của lực lượng khủng bố đe dọa yêu cầu không chấp thuận đề nghị xin tị nạn của Đại tá Gaddafi và dẫn độ các thành viên trong gia đình ông về Libya xét xử.

Với tình hình trên, có thể Algeria sẽ buộc phải thay đổi lập trường, từ chối đề nghị của ông Gaddafi, nếu có.Hiện vẫn chưa rõ số phận của ông Gaddafi.