Đàm phán Hoàng Sa và cơ hội khẳng định "tầm cỡ" của ngài Hun Sen

05/07/2016 10:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Mong rằng Thủ tướng Campuchia lắng nghe những tiếng nói đa chiều và có tinh thần phân tích độc lập, chỉ dựa vào luật pháp quốc tế thay vì lập trường chính trị.

Khmer Times ngày 5/7 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen một lần nữa tái khẳng định ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp và phản đối vai trò của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Ông Hun Sen đã viết điều này trên Facebook cá nhân của mình hôm qua 4/7. Khác với 3 lần phát biểu công khai trước đó, lần này có thêm cả Myanmar vào cuộc. Theo ghi chú của của Hun Sen, khi ông tiếp Đại sứ Myanmar Myint Soe hai bên đã trao đổi về chuyện này.

"Campuchia và Myanmar hoàn toàn ủng hộ việc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình thông qua đàm phán giữa các bên liên quan", Thủ tướng Hun Sen viết trên tường Facebook của mình.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Daily Mail.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Daily Mail.

Cùng ngày, Chính phủ Campuchia ra thông cáo báo chí nói rằng 147 tổ chức "xã hội dân sự" và các hiệp hội tại Campuchia đã ra một tuyên bố chung ủng hộ lập trường này của Thủ tướng Hun Sen.

Cá nhân người viết cho rằng, ngài Hun Sen có nói gì đi nữa thì đó chỉ phản ánh nhận thức chưa chính xác của cá nhân ông và một nhóm người ủng hộ ông xung quanh các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông và các cơ chế pháp lý tương ứng để giải quyết chúng, hiểu sai lệch về UNCLOS 1982 và vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế như PCA.

Tuy nhiên nó không ảnh hưởng gì đến tính chất, giá trị và hiệu lực pháp lý phán quyết của PCA.

Đàm phán về Hoàng Sa là cơ hội để ông Hun Sen thể hiện tài năng

Phát biểu mới nhất của Thủ tướng Campuchia cho thấy, ông Hun Sen đang tỏ ra khá nhiệt tình tuyên truyền, kêu gọi cho việc "đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp" ở Biển Đông để giải quyết tranh chấp và phản đối phán quyết của Tòa.

Kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên ở Biển Đông mà Thủ tướng Hun Sen đưa ra không sai, hơn thế lại là mong muốn thực sự của các bên liên quan, trong đó có Việt Nam. Tranh chấp song phương thì đàm phán song phương, tranh chấp đa phương thì đàm phán đa phương, trên tinh thần khách quan, cầu thị, thượng tôn pháp luật và chỉ dựa vào pháp luật quốc tế.

Trên Biển Đông hiện nay đang tồn tại rất nhiều tranh chấp khác nhau và rất khó khăn phức tạp. Có tranh chấp song phương như đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp và gây ra tranh chấp từ năm 1909 khi Lý Chuẩn đổ bộ lên đảo Phú Lâm.

Có tranh chấp đa phương như chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện nay là tâm điểm chú ý của dư luận, với 4 nước 5 bên khác cùng yêu sách một phần hoặc toàn bộ quần đảo. Trong đó ngoài thực địa, một bộ phận quần đảo Trường Sa bị các bên này đang chiếm đóng.

Thủ tướng Hun Sen đang rất tích cực giúp Trung Quốc vận động các nước "liên quan trực tiếp" ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc, vậy nhân cơ hội này tại sao không đặt vấn đề nhờ ngài Thủ tướng Hun Sen làm trung gian đưa Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán "song phương, trực tiếp" với Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa?

Đàm phán Hoàng Sa và cơ hội khẳng định "tầm cỡ" của ngài Hun Sen ảnh 2

Đừng trách Hun Sen, hãy tiếp tục ủng hộ PCA ra phán quyết hủy "lưỡi bò"

(GDVN) - Trung Quốc lo sợ nhất, muốn tìm cách lôi kéo, chia rẽ và phân hóa nhất trong vấn đề Biển Đông, xung quanh vụ kiện của Philippines chính là Việt Nam.

Thiết nghĩ điều đó không có gì khó, bởi nó nhất quán hoàn toàn với những gì Trung Quốc và Thủ tướng Campuchia đang mong muốn, đang kêu gọi.

Nếu làm được như vậy, ông Hun Sen không chỉ chứng minh được sự vô tư, trong sáng của mình trong vấn đề Biển Đông thay vì làm cánh tay nối dài của Trung Quốc, đứng sau phá hoại đoàn kết trong ASEAN như dư luận vẫn đang bàn tán khiến cá nhân ông rất phiền lòng, mà còn góp phần rất thiết thực vào việc giảm bớt căng thẳng và tranh chấp trên Biển Đông.

Vai trò, vị thế của cá nhân ngài Thủ tướng cũng như Campuchia sẽ được nâng cao đáng kể trong con mắt dư luận khu vực và quốc tế. Campuchia và cá nhân ngài sẽ không còn cảm thấy ấm ức vì cho rằng Campuchia bị "phân biệt đối xử", bị lên án là cánh tay nối dài của Trung Quốc phá hoại đoàn kết thống nhất trong ASEAN như ngài mới phân trần.

Nhân đây xin cung cấp lại một số thông tin về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa để ngài Thủ tướng rõ và có thêm dữ liệu trao đổi với phía Trung Quốc.

Năm 2014 khi nổ ra khủng hoảng giàn khoan 981, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ra văn bản “Lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” . Theo đó, tháng 9/1975 lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với Tổng bí thư Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng:

“Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng với nguyên tắc thông qua hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”. 

Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của Đặng Tiểu Bình, thừa nhận rất rõ hai nước có bất đồng / tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và để lại sau này bàn bạc giải quyết.

Tuy nhiên ngày nay Trung Quốc luôn phớt lờ các yêu cầu của Việt Nam đề nghị hai nước ngồi vào bàn đàm phán "song phương, trực tiếp" giải quyết vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Nhân dịp Thủ tướng Hun Sen đang rất tích cực vận động các bên liên quan ở Biển Đông "đàm phán trực tiếp" giải quyết tranh chấp, thiết nghĩ đây là một cơ hội thích hợp và không thể tốt hơn để ông Hun Sen thể hiện tài năng ngoại giao của mình.

Cũng xin nói thêm rằng, ngày nào vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa chưa được đưa lên bàn đàm phán hoặc giải quyết thông qua cơ quan tài phán quốc tế, chừng đó Trung Quốc còn lợi dụng việc bóp méo Điều 47 UNCLOS 1982 đối với Hoàng Sa để chống phá, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam.

Năm 2014 khi Trung Quốc mang giàn khoan 981 cắm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp, gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ trong quan hệ 2 nước, Bắc Kinh lập luận rằng, vị trí cắm giàn khoan này nằm trong "vùng biển chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa".

Trong hệ thống luật pháp quốc tế, không có những khái niệm mơ hồ như "vùng biển chủ quyền", "vùng biển phụ cận", chỉ có các khái niệm cụ thể như nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rồi đến biển cả / vùng biển quốc tế.

Xét vị trí cụ thể của giàn khoan 981 thì có thể suy ra, Trung Quốc muốn ám chỉ khu vực cắm giàn khoan nằm trong "vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Hoàng Sa".

Đàm phán Hoàng Sa và cơ hội khẳng định "tầm cỡ" của ngài Hun Sen ảnh 3

Campuchia ủng hộ Trung Quốc chống phán quyết của PCA sẽ gây hại cho chính họ

(GDVN) - Phe đối lập Campuchia cũng có thể dùng chính cách lập luận này để tuyên truyền điều tương tự, vu cáo và chụp mũ cho chính Hun Sen lẫn CPP, gây bất ổn.

Tuy nhiên, Hoàng Sa không phải một quốc gia quần đảo nên không được hưởng chế độ pháp lý của một quốc gia quần đảo quy định trong Điều 47 UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là một thành viên.

Vậy nhưng năm 1996 Trung Quốc vẫn tuyên bố cái gọi là "đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải" đối với Hoàng Sa bằng cách bóp méo Điều 47 UNCLOS 1982.

Mặt khác, bản thân từng thực thể trong quần đảo này không có đời sống kinh tế riêng, không thích hợp cho con người sinh sống độc lập nếu tách rời khỏi đất liền, cho nên không thể có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý theo Điều 121 UNCLOS 1982.

Xây dựng hình ảnh thượng tôn pháp luật cần trước sau như một

Ngày 23/6 giới truyền thông, mạng xã hội Campuchia cũng như Việt Nam xôn xao trước thông tin ông Hun Sen bị cảnh sát giao thông tỉnh Koh Kong xử phạt vì "đi xe máy không đội mũ bảo hiểm".

Biên bản xử phạt hành chính với ông Hun Sen được viên cảnh sát ghi lại rằng: "Một người lái xe máy tên Hun Sen đã phạm vào luật 6, bộ luật giao thông đường bộ Campuchia, và phải nộp phạt 15.000 riel (khoảng 80.000 VNĐ)".

Có thể nói ông Hun Sen rất thượng tôn pháp luật trong tình huống này, và viên cảnh sát cũng là một người thực thi luật pháp mẫu mực. Công dân Hun Sen phạm luật và bị xử phạt đúng luật, không phải Thủ tướng Hun Sen.

Tuy nhiên người viết cảm thấy ngỡ ngàng và khó hiểu khi Thủ tướng Campuchia nhận xét, phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines là một "sự thông đồng chính trị tồi tệ nhất trong khuôn khổ chính trị quốc tế", Tân Hoa Xã trích dẫn ngày 4/7.

Vấn đề đặt ra ở đây là, Thủ tướng Hun Sen với vai trò một chính khách, một nhà lãnh đạo nhận xét về một vấn đề pháp lý lại không xem xét nội dung vụ kiện của Philippines và vai trò của cơ quan tài phán dưới góc độ pháp lý. Ông đang chính trị hóa vấn đề pháp lý.

Nếu Thủ tướng Hun Sen phản đối vụ kiện, phản đối PCA thì ông cần chỉ ra được nội dung Philippines khởi kiện, trình tự tố tụng, quá trình thụ lý và giải quyết vụ việc của PCA có phù hợp với UNCLOS 1982 hay không, không phù hợp ở điểm nào? Trong khi cả hai bên nguyên - bị, Philippines và Trung Quốc là thành viên UNCLOS 1982.

Khi phán một câu xanh rờn và vô trách nhiệm với luật pháp quốc tế, vô trách nhiệm với UNCLOS 1982 như vậy, rõ ràng ông Hun Sen đang xúc phạm Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán được PCA thành lập đúng quy định, trình tự thủ tục trong Phụ lục VII, UNCLOS 1982.

Có thể các thông tin về vụ kiện của Philippines mà Thủ tướng Hun Sen có được phần lớn, nếu không muốn nói là 100% do Trung Quốc cung cấp nên ông chưa rõ bản chất vụ kiện này là việc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 của một nước thành viên Công ước, không phải tranh chấp chủ quyền / phân định biển như Trung Quốc tuyên truyền.

Nếu quả thực như vậy, thì chủ thể của cái gọi là "sự thông đồng chính trị tồi tệ nhất trong khuôn khổ chính trị quốc tế" nên được hiểu ngược lại.

Hy vọng hình ảnh ông Hun Sen nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ mang thông điệp thượng tôn pháp luật một cách trong sáng, chân chính, thực sự và thông điệp ấy cần được thể hiện nhất quán cả trong đối nội lẫn đối ngoại. 

Mong rằng Thủ tướng Campuchia lắng nghe những tiếng nói đa chiều và có tinh thần phân tích độc lập, chỉ dựa vào luật pháp quốc tế thay vì lập trường chính trị.

Nếu được như vậy thì hình ảnh của cá nhân ông trong con mắt người dân đất nước Chùa Tháp cũng như các nước láng giềng khu vực và cộng đồng quốc tế sẽ rất đẹp, không bao giờ ông phải phiền lòng vì bị hoài nghi là cánh tay của Bắc Kinh như ông đang gặp phải hiện nay.

Hồng Thủy