Đàm phán Mỹ - Triều Tiên đạt hiệu quả về viện trợ lương thực

09/03/2012 07:05
Ngọc Huyền (Theo AP)
(GDVN) - Đàm phán Mỹ và Triều Tiên về vấn đề viện trợ lương thực đã được coi là "tích cực và hiệu quả". Tuy nhiên, hai bên vẫn đang bàn bạc cụ thể hơn.
Phái viên Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên Robert King ngày 8/3 đã gọi cuộc hội đàm kéo dài một ngày rưỡi với các quan chức Triều Tiên là “tích cực và hiệu quả”. Đây là cuộc đàm phán được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhằm bàn về vấn đề viện trợ lương thực của Mỹ cho Triều Tiên.

Phái viên Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên Robert King.
Phái viên Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên Robert King.

Các vấn đề chính về việc chuyển lương thực viện trợ của Mỹ đến Triều Tiên đã được giải quyết, mặc dù chi tiết vẫn chưa được thông báo sau khi cuộc đàm phán đã kết thúc.

Theo ông Robert King, các vấn đề chính về việc chuyển lương thực viện trợ của Mỹ đến Triều Tiên đã được giải quyết, mặc dù chi tiết vẫn chưa được thông báo sau khi cuộc đàm phán đã kết thúc.

Ông cũng không thông báo thêm về cách thức giám sát chuyển hàng viện trợ sẽ được thực hiện như thế nào. Ông đã từ chối tiết lộ các chi tiết trước khi báo cáo về Washington.
AP dẫn lời Robert King khi trả lời các phóng viên tại sân bay trước khi trở về Mỹ: “Chúng tôi đã giải quyết các vấn đề hành chính mà chúng tôi quan tâm đến”.

Bên cạnh đó, hai bên “vẫn đang bàn bạc cụ thể” về các kế hoạch.

Mỹ cũng muốn đảm bảo rằng, sự viện trợ lương thực cho Triều Tiên phải được chuyển đến tay những người có nhu cầu cấp thiết, chứ không phải chuyển đến các đơn vị quân đội. Bởi Mỹ đã nghi ngờ một số lô hàng viện trợ quốc tế trước đó không được đưa đến nơi đúng cam kết giữa hai bên.
Cuộc đàm phán diễn ra theo một thỏa thuận được công bố từ tuần trước, trong đó Mỹ sẽ cung cấp 240.000 tấn lương thực. Đổi lại, Triều Tiên cam kết ngừng thử nghiệm hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và chương trình làm giàu uranium sẽ được giám sát bởi các thanh tra Liên Hợp Quốc.
Thỏa thuận này được coi là dấu hiệu đáng kể nhất cho thấy quan hệ Mỹ-Triều Tiên đang ấm dần lên sau 3 năm căng thẳng.

Nếu thuận lợi, thỏa thuận sẽ mang lại triển vọng về việc khởi động lại cuộc đàm phán đa quốc gia về giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. 

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng, Bình Nhưỡng phải có những động thái khác trước khi nối lại cuộc đàm phán, chủ yếu trong vấn đề cải thiện quan hệ với Seoul.
Trong tuần này, các nhà ngoại giao Triều Tiên và Hàn Quốc liên quan tới cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên tới Mỹ để tham dự một hội thảo có thể giúp phá vỡ khoảng cách giữa hai nước. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp diễn khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận quân sự trong những ngày gần đây. 

Để phản ứng lại, Triều Tiên đã tổ chức cuộc tập trận riêng của mình và kêu gọi “cuộc chiến tranh thần thánh” chống lại Hàn Quốc.

Trong một diễn biến khác, đội pháp y của Mỹ cũng dự kiến sẽ tiếp tục tìm kiếm ở Bắc Triều Tiên vào tháng tới hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích từ chiến tranh Triều Tiên 1950.

Ngọc Huyền (Theo AP)