Đàm phán tay đôi với Trung Quốc là đi vào chỗ chết, Philippines cầu viện Mỹ

16/04/2015 06:43
Hồng Thủy
(GDVN) - Mỗi cuộc đàm phán, người Trung Quốc sẽ đều nói với bạn rằng chúng tôi có chủ quyền không thể tranh cãi trên toàn bộ Biển Đông. Bạn bị đặt vào một góc và...
Tàu hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh "cắt mũi" tàu tuần tra Cảnh sát biển Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong vụ Bắc Kinh hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Tàu hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh "cắt mũi" tàu tuần tra Cảnh sát biển Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong vụ Bắc Kinh hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Tờ GMA News Online của Philippines ngày 15/4 dẫn lời Ngoại trưởng nước này Albert del Rosario cho biết, Philippines đã rơi vào ngõ cụt với một kết thúc "chết" khi cố gắng giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc thông qua đàm phán song phương buộc Manila phải khởi kiện. Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Headstart của đài ANC, ông Rosario nhắc lại cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012, Philippines đã đàm phán trực tiếp 50 cuộc, và kết thúc Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này của Manila sau khi lừa Philippines rút tàu trước.

"Trong mỗi cuộc đàm phán, người Trung Quốc sẽ đều nói với bạn rằng chúng tôi có chủ quyền không thể tranh cãi trên toàn bộ Biển Đông. Bạn bị đặt vào một góc và không thể chuyển động để ra khỏi góc đó. Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc và chúng tôi bị dồn vào ngõ cụt với phương pháp tiếp cận này", Ngoại trưởng Philippines cho biết. Ông tiết lộ Hoa Kỳ đã có kế hoạch điều động thêm lực lượng hải - không quân của họ đến Biển Đông, nhưng ông từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Theo thỏa thuận hiện có với Philippines, Mỹ có thể triển khải lực lượng, trang thiết bị vũ khí tại các căn cứ quân sự tại quốc gia này. Trong 2 tuần công cán tại Washington, ông Rosario đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter. Hai nhà lãnh đạo đều cam kết đẩy mạnh xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. Và việc điều lực lượng quân sự "không phải cho Philippines, mà là cho châu Á - Thái Bình Dương để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực", ông Rosario nhấn mạnh.

Philippines cần Hoa Kỳ hỗ trợ, Ngoại trưởng Rosario hy vọng sẽ ngồi với John Kerry và Ash Carter đề tìm kiếm "hỗ trợ thực chất hơn để giải quyết tình hình nghiêm trọng ở Biển Đông". Tuần trước Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Trung Quốc không ỷ lớn hiếp nhỏ, bắt nạt láng giềng như Philippines và Việt Nam khi Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự, phô trương cơ bắp ở Biển Đông.

Trong một động thái có liên quan, hãng thông tấn Mỹ AP ngày 15/4 cho biết Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Samuel Locklear đã nói với Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ rằng, hoạt động xây dựng cải tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc trên các tiền đồn ở Biển Đông có thể cho phép Bắc Kinh gây ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực và triển khai hệ thống tên lửa và radar tiên tiến ra khu vực này.

Năm qua Trung Quốc đã xây dựng và cải tạo rất lớn ở 8 bãi đá trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974 với Hoàng Sa và 1988, 1995 với 7 bãi đá ở Trường Sa - PV). Bắc Kinh sẽ xây dựng căn cứ tiếp tế cho hạm đội tàu vỏ xám, vỏ trắng ngày càng tăng của họ. Với hệ thống tên lửa và radar có thể lắp đặt ở đây, Trung Quốc đang tạo nền tảng cho việc tuyên bố đơn phương cái gọi là một vùng nhận diện phòng không trong khu vực.

Đô đốc Locklear cũng ghi nhận một sự gia tăng hoạt động quân sự đáng kể của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong vài tháng qua. Nga đang cải thiện khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của mình trên bờ biển phía Đông Bắc Thái Bình Dương. Lực lượng tàu ngầm Nga hoạt động tích cực ở Bắc Cực và Đông Bắc Á. Nhưng trong năm nay có một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Moscow ở khu vực Đông Nam Á.

Hồng Thủy