Đảo Ba Bình sẽ trở thành "đòn cân não" trong phán quyết của PCA

30/04/2016 08:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngay cả khi chỉ 1 thực thể duy nhất ở Trường Sa được PCA công nhận có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế thì lúc đó rất có khả năng...

John Ford, một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ thường xuyên theo dõi vấn đề Biển Đông ngày 30/4 bình luận trên The Diplomat về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.

Khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết có quyền thụ lý vụ án hôm 29/10/2015, rõ ràng rằng PCA sẽ không phán quyết về vấn đề chủ quyền một số thực thể Philppines đề nghị làm rõ ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) thuộc về nước nào. Nhưng quan trọng là PCA sẽ phán quyết đường lưỡi bò Trung Quốc có vi phạm UNCLOS hay không.

Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA thành lập để thụ lý vụ kiện của Philippines, ảnh: PCA.
Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA thành lập để thụ lý vụ kiện của Philippines, ảnh: PCA.

Đường lưỡi bò và UNCLOS là đề tài được phần lớn các phương tiện truyền thông quan tâm trong vụ kiện này. Nhưng có một vấn đề Tòa dự kiến sẽ ra phán quyết có ý nghĩa cũng vô cùng quan trọng, không kém gì việc bác bỏ đường lưỡi bò, đó là xác định hiệu lực pháp lý của các thực thể ở Trường Sa.

Hiện vẫn còn tranh cãi trong dư luận về việc các thực thể lớn ở Trường Sa có thực thể nào được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay không. Điều này rất có ý nghĩa, bởi trong bối cảnh Trung Quốc yêu sách chủ quyền (phi lý) với toàn bộ quần đảo Trường Sa thì việc xem xét hiệu lực pháp lý của hơn 100 thực thể sẽ có rất nhiều vấn đề.

Ngay cả khi chỉ 1 thực thể duy nhất ở Trường Sa được PCA công nhận có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế thì lúc đó rất có khả năng Trung Quốc nhảy vào nhận ngay khu vực này là của họ. Bởi vậy dù đường lưỡi bò có bị bác đi nữa, thì Bắc Kinh vẫn tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế đáng kể.

Trong trường hợp này, thực thể điển hình ở Trường Sa đang là trung tâm chú ý trong phán quyết của PCA chính là đảo Ba Bình, một hòn đảo tự nhiên lớn nhất Trường Sa với diện tích tự nhiên 0,443 km vuông. PCA sẽ không chỉ dựa vào kích thước tự nhiên của hòn đảo, mà còn phải xem xét yếu tố khác.

Cho dù Ba Bình có giếng nước ngọt phục vụ cho một "trang trại" nhỏ với 100 lính Đài Loan đồn trú (bất hợp pháp) trên đảo và Đài Loan đang ra sức lập luận rằng, Ba Bình là một đảo đúng nghĩa và được hưởng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của Điều 121 UNCLOS, nhưng PCA sẽ phải ra phán quyết về việc này.

Điều 121 UNCLOS quy định về chế độ pháp lý của các đảo, trong đó điều kiện để 1 đảo được hưởng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế phải là "thích hợp cho con người sinh sống hoặc có đời sống kinh tế riêng". Người viết cho rằng đây mới là điều kiện quyết định một đảo có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế hay không.

Với Ba Bình ở Trường Sa hay Phú Lâm ở Hoàng Sa là 2 đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất trong quần đảo, thì hàng tuần Trung Quốc vẫn phải tiếp tế cho binh lính và vợ con đồn trú trái phép ở Phú Lâm, còn Đài Loan phải cung cấp hậu cần cho lực lượng đồn trú trái phép.

Dù Đài Loan có trưng ra luống rau con cá ở Ba Bình cũng khó có thể thuyết phục PCA rằng đó là "đời sống kinh tế riêng" hay Ba Bình có thể đảm bảo cho một đời sống độc lập của con người mà không phụ thuộc vàodđất liền.

Do đó trong trường hợp PCA phán quyết Ba Bình có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế thì kẻ hưởng lợi lớn nhất sẽ chính là Trung Quốc, mặc dù Đài Loan đang chiếm đóng trên thực tế. Nếu Ba Bình được PCA phán quyết không có vùng đặc quyền kinh tế còn đường lưỡi bò bị bác bỏ, thì phán quyết sẽ là một đòn giáng cực mạnh vào yêu sách (phi lý, bành trướng) của Trung Quốc.

Hồng Thủy