Diplomat: Nguyên do Triều Tiên không thể trở thành Cu Ba thứ hai

03/09/2015 16:48
Nguyễn Hường
(GDVN) - Việc đạt được những đột phá trong quan hệ với Cu Ba và Iran gần đây có thể thúc đẩy Mỹ tiến thêm một bước nữa xem xét thay đổi quan hệ với Triều Tiên không?

Sau hơn nửa thế kỷ bị cô lập, mối quan hệ giữa Cu Ba và Mỹ đã được nối lại. Quốc kỳ Cu Ba lại tung bay trên tòa nhà đại sứ quán ở Washington một lần nữa. 

Trong bài phát biểu nhân sự kiện này, Tổng thống Barack Obama thừa nhận rằng "những gì diễn ra trong 50 năm qua đã chỉ ra rằng sự cô lập không đem lại hiệu quả".

Một mặt thừa nhận sự không hiệu quả của các chính sách trên của Mỹ, ông Obama đã khởi xướng một sự thay đổi nhằm mục đích gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để cô lập Cu Ba và hướng tới chính sách nuôi dưỡng thông qua bình thường hóa quan hệ. 

Theo chính sách này, Mỹ không chỉ tái lập quan hệ ngoại giao với Cu Ba mà còn đưa quốc gia này ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố, thúc đẩy các chương trình phát triển thương mại song phương.

Sự đột phá trong quan hệ giữa Mỹ với Cu Ba và Iran gần đây đã đặt ra câu hỏi về khả năng Triều Tiên có thể trở thành một Cu Ba thứ hai trong quan hệ với Washington? Ảnh Reuters/Diplomat.
Sự đột phá trong quan hệ giữa Mỹ với Cu Ba và Iran gần đây đã đặt ra câu hỏi về khả năng Triều Tiên có thể trở thành một Cu Ba thứ hai trong quan hệ với Washington? Ảnh Reuters/Diplomat.

Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu việc đạt được những đột phá trong quan hệ với Cu Ba và đạt được thỏa thuận hạt nhân của Iran gần đây có thể thúc đẩy Mỹ tiến thêm một bước nữa xem xét thay đổi hiện trạng quan hệ với Triều Tiên hay không bởi lẽ thực tế cũng cho thấy, chính sách cô lập Triều Tiên 50 năm qua cũng tỏ ra không có nhiều hiệu quả. 

Hơn nữa, khi so sánh trạng thái của Cu Ba với Triều Tiên, chúng ta có thể tìm ra rất nhiều điểm chung ở họ như cùng thể chế chính trị, cùng chung cơ cấu chuyển giao quyền lực, cùng bị liệt vào danh sách các nước tài trợ cho khủng bố, cơ bản giống nhau về chính sách đối ngoại với Mỹ...

Tuy nhiên, theo nhận định của tác giả Sam Cho trong bài viết đăng tải trên tờ Diplomat hôm 39, rất khó có khả năng Triều Tiên sẽ trở thành Cu Ba tiếp theo trong tương lai gần.

Mấu chốt của việc không thể sớm hóa giải quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, theo tác giả bài viết, là nằm ở vấn đề vũ khí hạt nhân. Cả Cu Ba và Triều Tiên đều đã có những nỗ lực để có được vũ khí hạt nhân, nhưng lại đi theo hai cách khác nhau.

Năm 1961, Cuba đã ký một thỏa thuận cho phép Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân tại quốc gia này. Điều này cuối cùng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tên lửa nổi tiếng mà hệ quả của nó là Cu Ba bị cô lập từ đó đến nay. Cu Ba kể từ đó đã không còn cơ hội để tiếp tục chạy đua về vũ khí hạt nhân.

Rào cản chính ngăn Mỹ và Triều Tiên hóa giải hận thù chính là vũ khí hạt nhân. Ảnh KCNA
Rào cản chính ngăn Mỹ và Triều Tiên hóa giải hận thù chính là vũ khí hạt nhân. Ảnh KCNA


Nhưng ngược lại, thay vì đưa tên lửa hạt nhân của Liên Xô tới lãnh thổ của mình, Triều Tiên đã yêu cầu được giúp đỡ để tự phát triển nó. Khi Liên Xô từ chối đáp ứng điều đó, Bình Nhưỡng đã quay sang "anh lớn" là Trung Quốc để tìm kiếm và tiếp tục bị khước từ. Cuối cùng, Bình Nhưỡng tự phát triển vũ khí hạt nhân của mình trong năm 1980 và tiến hành vụ thử nghiệm đầu tiên vào năm 2006.

Mặc dù Cu Ba nằm gần Mỹ, nhưng lại đặt ra ít đe dọa an ninh hơn so với Triều Tiên. Một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, tích cực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể chạm tới lục địa Mỹ được xem là một mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh của Washington, làm thay đổi cảnh quan chính sách toàn cầu.

Yếu tố thứ ba ngăn cản Mỹ và Triều Tiên bình thường hóa quan hệ là đồng minh Hàn Quốc. Mỹ không thể thay đổi chính sách với Triều Tiên mà không tính tới vai trò của đối thủ hiện hữu của nó là Hàn Quốc, quốc gia xem Bình Nhưỡng và kho vũ khí của họ là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của mình. 

Hàn Quốc trở thành đồng minh từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, vai trò của Hàn Quốc đã mở rộng hơn nhiều. Không chỉ còn đơn thuần là tiền đồn ngăn chặn Triều Tiên, Hàn Quốc hiện là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng trong tổng thế chính sách tái cân bằng trục chiến lược của Mỹ tại châu Á.  Vì vậy mọi mối đe dọa đối với Hàn Quốc cũng sẽ đồng nghĩa với mối đe dọa tới chiến lược của chính Mỹ. Cu Ba, mặc khác, lại không có sự đe dọa nào đối với bất kỳ đồng minh lớn nào của Mỹ.

Tóm lại, vấn đề vũ khí hạt nhân là điểm tới hạn của sự khác biệt trong chính sách của Mỹ đối với Cu Ba và Triều Tiên. Nó là lý do chính khiến Bình Nhưỡng không thể nhận được sự thay đổi tương tự như Havana đã đạt được. Bên cạnh Trung Quốc, Triều Tiên hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với chiến lược tại châu Á nói chung của Mỹ.

Mặc dù một nửa thế kỷ bị cô lập đã không thể khuất phục Cu Ba, buộc quốc gia này phải thay đổi chính sách của mình, nhưng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Triều Tiên khi mối đe dọa vẫn còn đáng kể. 

Mỹ tin rằng sự thay đổi trong chính sách của mình sẽ mở đường cho Triều Tiên phát triển thương mại mà qua đó Bình Nhưỡng sẽ có thêm tài sản để bổ sung cho chương trình quân sự của mình, nuôi dưỡng mối đe dọa đối với Mỹ. Đó là một nguy cơ mà Washington đơn giản không sẵn sàng chấp nhận. 

Sam Cho là một thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, nơi ông phục trách các vấn đề đối ngoại, thương mại, và danh mục đầu tư, quốc phòng. Trước đó, ông làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ trên vai trò là một nhà phân tích và làm việc tại phòng kinh tế của Đại sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc trong quá trình thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc-Mỹ.


Nguyễn Hường