Đội tham mưu của Trump trình đề xuất mới về Biển Đông

14/01/2017 16:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhóm nghiên cứu của Trump đề xuất, Mỹ cần có kế hoạch tăng cường lực lượng hải quân lớn hơn ở Đông Nam Á để đối phó với Trung Quốc.

Bloomberg ngày 14/1 đưa tin, Nhật Bản và Australia đã nhất trí tăng cường phối hợp trong các vấn đề an ninh ở châu Á, bao gồm Biển Đông và Bắc Triều Tiên trong cuộc họp giữa Thủ tướng Shinzo Abe với người đồng cấp Malcolm Turnbull.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, Mỹ vẫn là nền tảng trong các bố trí chiến lược của hai nước, đồng thời Canberra và Tokyo sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Malcolm Turnbull kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh những hành động làm leo thang căng thẳng, bao gồm cả các hoạt động quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.

Nhật Bản và Australia cũng có thể chịu những áp lực ngày càng tăng từ ông Donald Trump trong việc thực hiện vai trò bức tường thành ngăn chặn các hoạt động bành trướng trong khu vực.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: wsau.com.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: wsau.com.

Hai vị Thủ tướng cũng nhất trí ủng hộ thúc đẩy Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho dù ông Donald Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ nó ngay ngày đầu tiên nhậm chức.

Thủ tướng Shinzo Abe thăm Australia sau khi viếng thăm Philippines. Tiếp đó ông sẽ bay sang Indonesia vào ngày mai 15/10 và kết thúc chuyến công du 4 nước đầu năm 2017 tại Việt Nam tuần tới. [1]

Xung quanh chính sách đối ngoại của tân chủ nhân Nhà Trắng, The Straits Times ngày 14/1 đưa tin, hôm nay ông Donald Trump đã trả lời phỏng vấn The Wall Street Journal xung quanh chiến lược quan hệ với 2 nước Nga  và Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ cho hay, ông sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga hiện nay, ít nhất là trong một khoảng thời gian nữa. Với Bắc Kinh, ông sẽ không cam kết "nguyên tắc một Trung Quốc" cho đến khi nào ông thấy sự tiến bộ từ quốc gia này trong thực tiễn về chính sách tiền tệ và thương mại.

Trump nói với tờ báo này rằng, ông chuẩn bị gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi nhậm chức một khoảng thời gian: "Tôi hiểu rằng họ muốn gặp, và điều đó hoàn toàn tốt với tôi". [2]

Về chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông, Channel News Asia ngày 14/1 cho biết, đội ngũ tham mưu chiến lược của Tổng thống đắc cử Mỹ đang tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, từ an ninh đến thương mại hay không gian mạng.

Tuy nhiên hiện vẫn có những tín hiệu khác nhau, mâu thuẫn nhau tạo ra sự không chắc chắn xung quanh việc, ông Donald Trump sẽ sẵn sàng đường đầu với Bắc Kinh như thế nào, nhất là giữa 2 ứng viên Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng.

Một cố vấn trong nhóm chuyển giao của Donald Trump nói với Reuters, phát biểu của ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về Biển Đông không có nghĩa là chính quyền Donald Trump sẽ áp đặt lệnh phong tỏa hải quân đối với các đảo nhân tạo.

Điều này có thể dẫn đến đối đầu hải quân Trung - Mỹ mà chính quyền mới ở Hoa Kỳ không mong muốn. Một số quan chức khác có thẩm quyền trong nhóm chuyển giao của Trump tin rằng, phát biểu của ông Tillerson thiếu chuyên nghiệp.

Giữa các tín hiệu mâu thuẫn nhau về chính sách, nhóm nghiên cứu của Trump đề xuất, Mỹ cần có kế hoạch tăng cường lực lượng hải quân lớn hơn ở Đông Nam Á để đối phó với Trung Quốc.

Các cố vấn quá trình chuyển giao quyền lực Hoa Kỳ nói với Reuters, họ đề xuất ông Donald Trump xem xét khả năng triển khai căn cứ tàu sân bay thứ hai trong khu vực, triển khai thêm tàu khu trục, tàu ngầm tấn công và bổ sung hệ thống tên lửa tại các căn cứ ở Nhật Bản và Australia. [3]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-01-14/japan-australia-pledge-to-work-with-trump-on-regional-security

[2]http://www.straitstimes.com/world/united-states/trump-in-wsj-interview-suggests-he-may-do-away-with-russia-sanctions-if-moscow

[3]http://www.channelnewsasia.com/news/world/analysis-trump-team-struggles-for-cohesion-on-tougher-china/3437976.html

Hồng Thủy