"Đối thoại Trung-Mỹ không có thỏa hiệp nào về Biển Đông"

23/06/2015 13:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Các tàu cá nhỏ từ Philippines, Việt Nam hay Malaysia có thể qua lại trên vùng biển quốc tế một cách đàng hoàng, tự tin tương tự như các tàu chiến Mỹ.
Hình minh họa. Ảnh: Reuters.
Hình minh họa. Ảnh: Reuters.

Đa Chiều ngày 22/6 đưa tin, đầu tháng 6 ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc thăm Mỹ đã đạt được một số mục đích nhất định. Để tránh xảy ra đối đầu quân sự Trung - Mỹ trên Biển Đông, phía Trung Quốc đã đề xuất thêm nội dung biện pháp tránh đối đầu trên bầu trời Biển Đông.

Tuy nhiên kết quả đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên đã đạt được thỏa thuận về vấn đề Biển Đông. Ngày 22/6, đối thoại An ninh Chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 5 trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần 7 đã diễn ra tại Washington. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Tony Blinken và người đồng nhiệm Trung Quốc Trương Nghiệp Toại đồng chủ trì.

Ông Tôn Kiến Quốc, Đô đốc, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Christine Wormuth cùng với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus đồng tham dự.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhận định rằng, đối thoại Trung - Mỹ năm nay khá thẳng thắn, thiết thực và mang tính xây dựng, quyết định sẽ tiếp tục duy trì đối thoại và liên lạc giữa 2 bên trong các vấn đề liên quan, tăng cường củng cố lòng tin.

Đến thời điểm hiện nay Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa chính thức công bố "Bản ghi nhớ về chuẩn mực hành vi an toàn khi (lực lượng quân sự 2 nước) giáp mặt trên không, trên biển" ký trong chuyến đi Hoa Kỳ của ông Phạm Trường Long, trong đó Bắc Kinh đề xuất thêm điều khoản "tránh đối đầu trên không" để ngăn ngừa nguy cơ va chạm giữa không quân 2 nước có thể phá hoại chuyến công du chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình.

Trước đó, bình luận về tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng rằng, hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) "sắp hoàn thành", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel được tờ Bloomberg News ngày 19/6 dẫn lời cho biết:

"Nguy cơ quân sự hóa những tiền đồn này đi ngược lại mục tiêu giảm căng thẳng. Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động bồi lấp, xây dựng cơ sở vật chất và chắc chắn không được quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông".

"Những gì chúng tôi đang tìm kiếm là một Biển Đông trong đó các tàu cá nhỏ từ Philippines, Việt Nam hay Malaysia có thể qua lại trên vùng biển quốc tế một cách đàng hoàng, tự tin tương tự như các tàu chiến Mỹ vẫn làm trong cùng một không gian", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố.

Trước đó tờ Military Times ngày 14/6 cho biết, trong một buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Daniel Russel khẳng định:

"Chúng tôi đã ngăn chặn tình trạng căng thẳng leo thang. Nếu chiến lược của Trung Quốc là để đóng băng chúng tôi thì nó không những chẳng phát huy được tác dụng, mà còn phản tác dụng. Chúng tôi đang mang lại sự tự tin cho các nước nhỏ hơn để họ quay trở lại. Chúng tôi mang lại cho họ những khả năng để bảo vệ lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của mình".

Tuy nhiên một số nhà lập pháp trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ muốn Nhà Trắng có hành động "ngay lập tức" để ổn định tình hình Biển Đông. "Chúng ta có những người bạn liên tục hỏi chúng ta đang ở đâu, mức độ cam kết của chúng ta thế nào khi họ chỉ ra rằng, tài sản quân sự của chúng ta trong khu vực này chỉ bằng 1% trong phần còn lại của thế giới", Thượng nghị sĩ Bob Corker nói trong buổi điều trần.

Hồng Thủy