Đức sẽ không để Bắc Kinh lôi kéo vào giữa tranh cãi Trung - Nhật

29/03/2014 07:43
Hồng Thủy
(GDVN) - Hòa giải ở châu Âu sau Chiến tranh Thế giới II không chỉ là kết quả những nỗ lực của Đức mà còn tất cả các quốc gia châu Âu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung ngày hôm qua tại Berlin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung ngày hôm qua tại Berlin.

Bưu điện Hoa Nam ngày 29/3 đưa tin, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang công du nước Đức, Đại sứ Đức tại Bắc Kinh Michael Clauss liên tục cảnh báo Đức không muốn tham gia vào những tranh cãi gay gắt giữa Bắc Kinh với Tokyo về lịch sử chiến tranh của họ.

Trung Quốc đã liên tục lấy việc Đức biết chuộc tội với các quốc gia châu Âu về những gì phát xít Đức gây ra trong lịch sử chiến tranh của họ làm ví dụ cho Nhật Bản.

Michael Clauss nói với Bưu điện Hoa Nam, Berlin hoan nghênh sự quan tâm của Trung Quốc với cách Đức ứng xử với lịch sử, nhưng ông khẳng định: "Chúng tôi không muốn nhìn thấy cách tiếp cận của mình với lịch sử thành chủ đề khuấy động căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo. Đó là chuyện khác."

Đức có quan hệ chặt chẽ với cả 2 cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á và thấy họ không có lý do nào để bị lôi vào những tranh cãi giữa 2 nước láng giềng của nhau này.

Tập Cận Bình đã hội đàm với Thủ tướng Đức Merkel và ký kết một số thỏa thuận kinh tế - thương mại. Các quan chức Trung Quốc trước đó bác bỏ thông tin cho rằng Tập Cận Bình muốn đi viếng đài tưởng niệm Holocaust ở Berlin nhưng bị Đức 2 lần từ chối.

Đại sứ Đức tại Trung Quốc Michael Clauss.
Đại sứ Đức tại Trung Quốc Michael Clauss.

Bắc Kinh tăng cường các hoạt động tấn công ngoại giao chống Tokyo sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đi viếng đền Yasukuni. Trung Quốc so sánh việc này với việc Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt quỳ gối trước đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc nổi dậy Warsaw Ghetto trong 1 chuyến thăm Ba Lan.

Michael Clauss kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản ngồi lại với nhau đối thoại thẳng thắn. Hòa giải ở châu Âu sau Chiến tranh Thế giới II không chỉ là kết quả những nỗ lực của Đức mà còn tất cả các quốc gia châu Âu.

Clauss cho biết, các quốc gia châu Âu cũng đã tạo ra một hệ thống các quy định của pháp luật, giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Tư pháp châu Âu hoặc đàm phán.

Xung quanh việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng các nghị quyết về Crimea, Đại sứ Đức bình luận đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không tham gia mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Trung Quốc đang mâu thuẫn, một mặt không muốn mất lòng Putin, mặt khác lại không thể công khai ủng hộ Nga.

Đại sứ Đức cho biết thêm, Thủ tướng Merkel sẽ thăm Trung Quốc mùa hè năm nay trong khi người đồng cấp Lý Khắc Cường sẽ thăm Đức vào tháng 10 tới.
Hồng Thủy