Miếu Môn sẽ trở thành trung tâm huấn luyện tầm cỡ khu vực

01/10/2011 19:33
Theo Hoàng Hà/báo Quân Đội Nhân Dân
(GDVN) - Sau 2 năm khảo sát, Cục Quân huấn đã trình Bộ Quốc phòng xin Chính phủ cấp đất xây dựng thao trường huấn luyện đầu tiên.

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (02-10-1961/02-10-2011), Trường bắn Miếu Môn (Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu) đã và đang khẳng định là nơi tổ chức tốt các hoạt động huấn luyện, hội thi, hội thao…của Bộ Quốc phòng. Từ cuộc trao đổi của phóng viên Báo QĐND Online với Đại tá Trịnh Xuân Thái, Chỉ huy trưởng Trường bắn Miếu Môn, nhiều câu chuyện thú vị trong chặng đường 50 năm phát triển của Trường bắn đã dần gợi mở…

Cái nôi của một đội quân bắn tỉa

PV: Thưa Đại tá, đồng chí có thể khái quát sự ra đời của Trường bắn Miếu Môn?

Đại tá Trịnh Xuân Thái.
Đại tá Trịnh Xuân Thái.

Đại tá Trịnh Xuân Thái: Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, cách mạng miền Nam có những bước phát triển mạnh mẽ; QĐND Việt Nam đứng trước yêu cầu tiến lên xây dựng chính quy, hiện đại, có trình độ kỹ, chiến thuật cao…Những yếu tố đó đặt ra đòi hỏi phải có một thao trường huấn luyện hiện đại để phục vụ công tác huấn luyện của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương. Sau 2 năm khảo sát, Cục Quân huấn đã trình Bộ Quốc phòng xin Chính phủ cấp đất xây dựng thao trường huấn luyện đầu tiên cho quân đội ta. Ngày 02-10-1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành quyết định giao 400ha đất để Bộ Quốc phòng làm thao trường. Trường bắn Miếu Môn ra đời từ hoàn cảnh đó.

PV: Được thành lập trong thời điểm cả hai miền Nam, Bắc đang tập trung sức người, sức của cho công cuộc giải phóng đất nước, chắc hẳn quá trình xây dựng nguồn lực cũng như cơ sở vật chất của Trường bắn được thực hiện rất khẩn trương?

Đại tá Trịnh Xuân Thái: Với tinh thần tất cả cho chiến trường miền Nam, việc triển khai xây dựng Trường bắn diễn ra rất khẩn trương. Bộ tổng tham mưu đã điều những cán bộ ưu tú nhất từ các đơn vị về hình thành khung cán bộ quản lý Trường bắn và điều các đơn vị của Sư đoàn 308, 320… về san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng cho một thao trường hiện đại. Đến năm 1963, những chuyên gia đầu tiên của Liên Xô cùng hàng trăm tấn thiết bị máy móc đã về đến Trường bắn. Sau hơn một năm xây dựng, Trường bắn Miếu Môn đã trở thành một trung tâm huấn luyện hiện đại, với các thiết bị mục tiêu ẩn hiện, di động, phục vụ cho huấn luyện bộ binh cơ giới, đặc công, trinh sát…

PV: Là thao trường huấn luyện đầu tiên của quân đội khi ấy, “sản phẩm đầu ra” của Trường bắn như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Trịnh Xuân Thái:  Ngay sau khi ra đời, Trường bắn Miếu Môn đã đón hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương về huấn luyện. Nhiều đơn vị đã từ đây xuất phát vào thẳng các chiến trường, bổ sung sức chiến đấu cho các mặt trận.

Tuy nhiên, còn có một chi tiết chắc chưa nhiều người biết đến, đó là tại Trường bắn Miếu Môn, một đội quân bắn tỉa ra đời, được huấn luyện bài bản và giành được thành tích rất vẻ vang ở chiến trường.

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn chi tiết thú vị này?

Đại tá Trịnh Xuân Thái: Đầu năm 1968, theo chỉ đạo của trên, Cục Quân huấn đã tổ chức xây dựng lực lượng bắn tỉa, đưa về huấn luyện tại Trường bắn Miếu Môn. Tháng 11-1968, đội bắn tỉa vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Sau 3 tháng chiến đấu, đơn vị bắn tỉa đã tiêu diệt 307 tên địch, bắn cháy 2 máy bay, 2 xe bọc thép… được tặng thưởng 22 huân chương các loại.

Vươn tới một trung tâm huấn luyện mang tầm khu vực

PV: Được biết, trong nhiều năm trở lại đây, nhiệm vụ của Trường bắn không còn đơn thuần là nơi tổ chức huấn luyện kỹ, chiến thuật chiến đấu bộ binh,đồng chí có thể nói thêm điều này?

Đại tá Trịnh Xuân Thái: Đúng thế, hiện nay, nhiệm vụ của Trường bắn rất đa dạng, song có thể khái quát một số nhiệm vụ chính mà Trường bắn đang đảm nhiệm, đó là: Tổ chức tập huấn, hội thi, hội thao cho Bộ Quốc phòng; tổ chức huấn luyện các đoàn tuyển thủ bắn súng, các đội thể thao thành tích cao của quân đội đi thi đấu quốc tế; tổ chức huấn luyện và kiểm tra kỹ thuật bắn súng bộ binh cho các LLVT đóng quân trên địa bàn; thử nghiệm vũ khí, trang bị mới của quân đội…

Tổ chiến sĩ phục vụ nội dung bắn súng K54 trong hội thi chỉ huy trưởng, chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2011, tại vị trí sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ.
Tổ chiến sĩ phục vụ nội dung bắn súng K54 trong hội thi chỉ huy trưởng, chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2011, tại vị trí sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ.

PV: Với việc đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ như vậy, liệu kết quả cũng như chất lượng thực hiện nhiệm vụ của Trường bắn có bị ảnh hưởng?

Đại tá Trịnh Xuân Thái: Phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị trong chặng đường chống Mỹ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường bắn Miếu Môn hôm nay tiếp tục lập được nhiều thành tích mới, tuy nhiệm vụ ngày càng nhiều. Trong những năm gần đây, đoàn tuyển thủ bắn súng quân dụng của Trường bắn tham gia giải bắn súng quân dụng lục quân quân đội các nước ASEAN, luôn giành giải cao. Ví dụ như năm 2004 giành huy chương vàng cá nhân môn bắn súng ngắn nam tại In-đô-nê-xi-a; năm 2006, tại Việt Nam, đoàn giành vị  trí thứ 3; năm 2009, tại Xin-ga-po đoàn giành 14 huy chương các loại, trong đó có huy chương vàng bài 5 súng ngắn nam…

Ngoài ra, nhiệm vụ tổ chức các đợt tập huấn, hội thi, hội thao do Bộ Quốc phòng giao, luôn được Trường bắn Miếu Môn thực hiện tốt. Riêng trong năm 2011, Trường bắn đã tổ chức 2 đợt tập huấn điều lệnh cho cán bộ cao cấp toàn quân, với sự tham gia của hơn 600 tướng lĩnh và cán bộ cao cấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối; tổ chức thành công hội thi chỉ huy trưởng, chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011, với sự tham gia của hơn 100 cán bộ cấp cao. Công tác bảo đảm cũng chất lượng và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Trường bắn luôn được các cán bộ tham dự tập huấn, hội thi đánh giá cao.

Hiện, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể Trung tâm huấn luyện Miếu Môn”. Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, cộng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể Trường bắn Miếu Môn, chúng tôi có thể khẳng định, trong tương lai không xa, Trường bắn Miếu Môn hiện nay sẽ trở thành một trung tâm huấn luyện mang tầm khu vực.

PV: Để đạt được mục tiêu đó, trước mắt, Trường bắn Miếu Môn sẽ tập trung đột phá vào nội dung nào, thưa đồng chí?

Đại tá Trịnh Xuân Thái: Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là chuyên môn hẹp cho cán bộ, nhân viên của Trường bắn. Bởi lâu nay đây vẫn là khâu yếu của đơn vị. Hiện Trường bắn đang quản lý một lượng cơ sở vật chất lớn và hiện đại, tuy nhiên, trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên vẫn chưa theo kịp yêu cầu. Đơn cử như trường bắn quốc tế do đơn vị quản lý, có hệ thống trang bị kỹ thuật rất hiện đại, song người sử dụng chưa khai thác thuần thục và khai thác hết tính năng của trang bị…

Để khắc phục mặt yếu nói trên, Trường bắn đã và sẽ kiên trì thực hiện đồng thời theo 2 hướng. Thứ nhất, đơn vị sẽ hỗ trợ kinh phí và động viên nhân viên tự đăng ký, theo học các trường có chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Thứ hai, đơn vị mời giảng viên của các trung tâm, viện, nhà trường… về đào tạo trực tiếp tại trường bắn. Bước đầu triển khai các biện pháp nói trên đã mang lại kết quả rõ rệt. Cụ thể là năm vừa qua, 9 nhân viên chuyên môn của đơn vị đã được đào tạo theo hai hình thức trên, hiện đã sử dụng thành thạo máy bia và có thể sửa chữa những hỏng hóc thông thường của máy bia.

Tương tự như vậy, tất cả nhân viên các chuyên ngành hẹp hiện có ở Trường bắn Miếu Môn cũng sẽ được đơn vị kiểm tra trình độ, làm căn cứ để có kế hoạch đưa vào đào tạo bổ sung để có thể đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của Trường bắn Miếu Môn hiện nay và Trung tâm huấn luyện Miếu Môn trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn Đại tá Trịnh Xuân Thái về cuộc trao đổi này.

Theo Hoàng Hà/báo Quân Đội Nhân Dân