TQ muốn khoe tàu sân bay Liêu Ninh với tùy viên quân sự các nước

26/04/2013 06:28
Đông Bình
(GDVN) - Hiện nay, cụm chiến đấu tàu sân bay Liêu Ninh từng bước hình thành, nhưng thiếu tàu ngầm hạt nhân, yếu về khả năng săn ngầm và tiếp tế.
Mạng sina Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, trong hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc, Phó tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc - Tống Học cho hay, tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ được chế lớn hơn để mang theo được nhiều máy bay hơn.

Ngày 23/4, trang mạng “Strategy Page” Mỹ phân tích cho rằng, cụm chiến đấu tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, hạt nhân là tàu sân bay Liêu Ninh, đã dần dần hình thành. Còn tờ “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản thì cho rằng, đối với cụm chiến đấu tàu sân bay Liêu Ninh, hạn chế về săn ngầm và tiếp tế sẽ  được TQ  tập trung giải quyết cấp bách.

Tống Học tuyên bố: “Chúng tôi sẽ sở hữu không chỉ 1 tàu sân bay, chiếc tàu sân bay tiếp theo chúng tôi hy vọng có thể chế tạo nó lớn hơn, bởi vì như vậy có thể mang theo nhiều máy bay hơn...

Theo ông này, lực lượng máy bay của tàu Liêu Ninh đang được thành lập, theo cách bố trí thông thường, 1 tàu sân bay ít nhất cần phối thuộc 2 trung đoàn máy bay.

Trương Tranh, chỉ huy tàu Liêu Ninh cho biết, biên đội tàu sân bay gồm tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm, tàu bảo đảm. Trong tương lai, trên tàu sân bay ngoài máy bay chiến đấu hải quân, còn trang bị nhiều loại máy bay như máy bay săn ngầm, máy bay trinh sát điện tử, máy bay cần vụ.

Tàu khu trục Type 051C, Hải quân Trung Quốc
Tàu khu trục Type 051C, Hải quân Trung Quốc

Tờ “Học giả Ngoại giao” cho rằng, tàu sân bay không thể độc lập ra biển tác chiến, phải có các tàu chi viện đi theo bảo vệ và tiếp tế. Tờ “Strategy Page” thì phỏng đoán, biên đội tàu sân bay Trung Quốc gồm 2 tàu khu trục tên lửa Type 051C, 2 tàu hộ vệ Type 054A và 1 tàu tiếp tế.

Cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc sẽ tương tự như biên chế thường dùng của Hải quân Mỹ, Một cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ thông thường có 3-4 tàu khu trục, 1-2 tàu hộ vệ, 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 1 tàu tiếp tế.

Theo bài báo, so với cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ, số lượng tàu ngầm hạt nhân hiện có của Trung Quốc ít, tính năng kém, đây có thể là nguyên nhân Trung Quốc chưa biên chế tàu ngầm hạt nhân cho biên đội tàu sân bay.

Theo tờ “Strategy Page”, trong cụm chiến đấu tàu sân bay, tàu khu trục Type 051C chủ yếu phụ trách phòng không, lượng giãn nước là 7.100 tấn, tốc độ cao nhất là 48 km/giờ, thủy thủ đoàn 290 người. Trên tàu có hệ thống phóng thẳng, tổng cộng trang bị 48 quả tên lửa phòng không S-300 do Nga chế; đồng thời tàu này còn trang bị 8 quả tên lửa chống hạm C-803, 1 pháo chính nòng đơn 100 mm, 2 pháo bắn nhanh 30 mm và thiết bị phóng ngư lôi.

Tàu hộ vệ Type 054A có lượng giãn nước nhỏ hơn, là 4.300 tấn, tốc độ cao nhất là 49 km/giờ, biên chế nhân viên 165 người. Trang bị trên tàu gồm 1 pháo chính 76 mm, 2 pháo bắn nhanh 30 mm, 8 quả tên lửa chống hạm C-803.

Tàu này thiên về tác chiến săn ngầm, trang bị thiết bị phóng ngư lôi săn ngầm, tên lửa săn ngầm và hệ thống phóng thẳng với 32 ống phóng tên lửa phòng không và săn ngầm. Tàu này còn trang bị 1 máy bay trực thăng săn ngầm. Radar, thiết bị sonar và hệ thống điện tử của tàu này đều là hàng nội địa, sức mạnh chưa có kiểm chứng.

Tàu hộ vệ tên lửa 054A, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ tên lửa 054A, Hải quân Trung Quốc

Tờ “Học giả Ngoại giao” cho rằng, mặc dù tàu khu trục mới có khả năng hoàn thành nhiệm vụ phòng không, nhưng do các đối thủ Mỹ, Nhật Bản đều có khả năng tác chiến dưới nước xuất sắc, khả năng săn ngầm của Hải quân Trung Quốc vẫn là khâu yếu. Ngoài ra, lực lượng hậu cần gồm tàu chở dầu, tàu đạn dược, tàu đông lạnh cũng là một điểm yếu rõ rệt của Hải quân Trung Quốc.

Theo tờ “Strategy Page”, trong tiếp tế hạm đội, Hải quân Trung Quốc thường sử dụng tàu tiếp tế Type 903 mới nhất, lượng giãn nước 23.000 tấn, bắt đầu đưa vào hoạt động năm 2004, chủ yếu tiếp tế dầu, nước, thức ăn và các vật phẩm khác cho hạm đội thực hiện nhiệm vụ.

Bài viết cho rằng, tàu Type 903 tương đương với tàu tiếp tế Type T-AKE hiện có của Mỹ. Nhưng quy mô hạm đội có thể tiếp tế của 12 tàu tiếp tế Type T-AKE (lượng giãn nước 40.000 tấn) của Mỹ lớn hơn nhiều khả năng của 4 tàu tiếp tế Type 903. Theo bài viết, do Trung Quốc tích cực đưa tàu chiến ra biển xa hoạt động, phạm vi hoạt động không còn giới hạn ở bờ biển Somalia, mà là Thái Bình Dương xa hơn, cho nên Trung Quốc hiện cần gấp nhiều tàu tiếp tế hơn.

Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903, Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903, Hải quân Trung Quốc

Trang mạng “Strategy Page” cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến hành chạy thử trên biển hơn 1 năm, và 6 tháng trước cũng tập cất/hạ cánh thử máy bay chiến đấu hải quân J-15; Trung Quốc tuyên bố tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là 1 con tàu huấn luyện.

Trung Quốc cũng công khai tuyên bố, sẽ trang bị 24 máy bay chiến đấu và 26 máy bay trực thăng cho tàu Liêu Ninh, đồng thời sử dụng con tàu này để huấn luyện phi công và nhân lực quân sự khác, mục đích là tích lũy kinh nghiệm và nhân lực cho 4 hoặc nhiều tàu sân bay hơn trong tương lai.

Trương Tranh cho biết, đào tạo thủy thủ cho tàu sân bay Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn: đào tạo tại nhà trường, đào tạo trang bị mới và đào tạo tại nhà máy. Trên cơ sở đó, tiến hành huấn luyện liên quan dựa vào nhiệm vụ của tàu sân bay. Hiện nay, thủy thủ tàu sân bay đã có khả năng điều khiển vũ khí trang bị. Tống Học tiết lộ, không lâu nữa, Hải quân Trung Quốc sẽ mời các tùy viên quân sự nước ngoài tham quan tàu Liêu Ninh.

Máy bay chiến đấu hải quân J-15 thử nghiệm trên tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu hải quân J-15 thử nghiệm trên tàu sân bay Liêu Ninh
Đông Bình