Hoa Kỳ thừa nhận ông Kim Jong-un dám nói, dám làm?

14/08/2017 11:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Giám đốc CIA thừa nhận khả năng Triều Tiên có thể phóng 4 quả tên lửa như đã công bố cho thấy, giới chức Mỹ thực sự tin rằng ông Kim Jong-un dám nói, dám làm.

Thời báo New York ngày 11/8 có bài phân tích đáng chú ý của tác giả Choe Sang-hun với tiêu đề: "Kim Jong-un - nhà lãnh đạo thế hệ 8X nắm trong tay vũ khí hạt nhân". [1]

Tác giả cho hay, dư luận Trung Quốc cũng như truyền thông Hoa Kỳ thường mang nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un ra làm đối tượng châm biếm. 

Tuy nhiên người ta đã đánh giá thấp nhà lãnh đạo 33 tuổi này.

"Không phải dạng vừa đâu"

Tác giả Choe Sang-hun nhận định: 

Trong 3 người con trai của ông Kim Jong-il, cố Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Kim Jong-un là út, nhưng lại vượt qua 2 anh trai để kế thừa quyền bính từ cha mình.

Năm 27 tuổi, ông Kim Jong-un chính thức lên nắm quyền sau cái chết của người cha. Lúc đó rất nhiều nhà phân tích, quan sát quốc tế tin rằng, nhà lãnh đạo 8X không có kinh nghiệm, rất dễ bị biến thành "con rối".

Thậm chí có người tin rằng, ông Kim Jong-un chân ướt chân ráo lên nắm quyền, có thể đối mặt với nguy cơ bị lật đổ, và thời gian tại vị của ông sẽ không được lâu dài.

Nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Tân Hoa Xã.
Nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Tân Hoa Xã.

Nhưng nhìn lại 6 năm đã qua, không thể phủ nhận được thực tế rằng Kim Jong-un đang ngày càng nắm chắc quyền lực.

Trong bối cảnh thông tin về Triều Tiên hư hư thực thực, một quốc gia được tin là cô lập và đói nghèo, lại trở thành một trong vài nước có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo đe dọa đến an ninh Hoa Kỳ.

Một số người liên tục hối thúc Tổng thống Donald Trump tìm cách đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên không ai dám chắc, liệu ông Kim Jong-un đã có hứng thú với chuyện này hay chưa.

Kim Jong-un xác định việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là nhiệm vụ trọng yếu nhất. Ông tuyên bố, chỉ có như vậy Triều Tiên mới đảm bảo được an ninh, an toàn và phát triển kinh tế đất nước.

Xác định động cơ thực sự, sau cùng của ông Kim Jong-un trong việc phát triển kho vũ khí chiến lược này là gì không hề đơn giản.

Nó cũng bí ẩn như cuộc sống của ông đối với phần còn lại của thế giới.

Từ khi lên nắm quyền đến nay, ông Kim Jong-un chưa từng rời khỏi Triều Tiên.

Ông cũng chưa từng đón tiếp nguyên thủ quốc gia nào đến thăm. Trên thế giới chỉ có vài người được "diện kiến" nhà lãnh đạo này.

Những người đó gồm Phó Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều, Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn, ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman và đầu bếp người Nhật Kenji Fujimoto.

Giới chức tình báo Hàn Quốc nói rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từng ra lệnh hành quyết nhiều quan chức cấp cao.

Ông Jang Song-thaek bị bắt ngay trong phiên họp Bộ Chính trị mở rộng, ảnh: SCMP / KCNA.
Ông Jang Song-thaek bị bắt ngay trong phiên họp Bộ Chính trị mở rộng, ảnh: SCMP / KCNA.

Đặc biệt nhất phải kể đến trường hợp ông Jang Song-thaek, chú rể ông Kim Jong-un và đồng thời là Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, được ông Kim Jong-il "phó thác con côi" khi nhắm mắt.

Ông Jang Song-thaek bị bắt ngay trong một phiên họp Bộ chính trị mở rộng, Đảng Lao động Triều Tiên và bị hành quyết sau đó với tội danh coi thường lãnh đạo, âm mưu lật đổ ông Kim Jong-un.

Tháng 2 năm nay, người anh cả cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam sống lưu vong ở nước ngoài, cũng được cho là bị đầu độc và tử vong tại Malaysia.

Andrei Lankov, một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên từ Đại học Kookmin tại Seoul, Hàn Quốc bình luận:

"Ông Kim Jong-un là một người thông minh, thực dụng, quyết đoán, nhưng hỉ nộ vô thường, dễ nổi cơn thịnh nộ".

"Khí chất đế vương"

Lần đầu tiên ông Kim Jong-un xuất hiện trước truyền thông Triều Tiên là vào tháng 9/2010.

Hơn nửa năm sau ông bắt đầu kế nhiệm vai trò lãnh đạo tối cao từ cha mình. Tuy nhiên đến lúc này dư luận bên ngoài vẫn chưa biết chắc, liệu ông có phải là người kế vị ông Kim Jong-il hay không.

Phần còn lại của thế giới chưa từng nhìn thấy bức ảnh nào của ông sau khi thành niên cho đến lúc lên nắm quyền.

Trưởng tử Kim Jong-nam được dư luận tin là người sẽ được ông Kim Jong-il lựa chọn kế vị. Nhưng vì vụ làm hộ chiếu giả trốn qua Disneyland, Tokyo chơi bị phát giác năm 2001, Kim Jong-nam bị thất sủng.

Hoa Kỳ thừa nhận ông Kim Jong-un dám nói, dám làm? ảnh 3

Kim Jong-un đã lật bài ngửa, lựa chọn nào cho Donald Trump ?

Người con thứ Kim Jong-chol từng có lần bị phát hiện có mặt tại câu lạc bộ Eric Clapton, Luân Đôn, Anh quốc. Tuy nhiên rất ít thông tin về nhân vật này.

Trong cuốn hồi ký của đầu bếp người Nhật Kenji Fujimoto xuất bản năm 2003, thì Kim Jong-chol là một người yếu đuối trong con mắt của cha mình.

Trong khi đó, ông Kim Jong-il rất yêu chiều và kỳ vọng vào người con trai út, Kim Jong-un.

Ngay từ bé, ông Kim Jong-un đã được xem là người có "khí chất đế vương", tỏ rõ một số nét cá tính của người lãnh đạo.

Giáo sư Koh Yu-hwan từ Đại học Dongguk, Hàn Quốc cho rằng, ngay từ nhỏ ông Kim Jong-un đã tìm hiểu cách vận hành của quyền lực.

Kim Jong-un được cho là đã du học tại một trường công lập ở Thụy Sĩ từ 1996 đến 2000, dưới vỏ bọc là con một quan chức ngoại giao Triều Tiên.

Nhật ký của đầu bếp Kenji Fujimoto viết rằng, ông Kim Jong-un trước khi lên nắm quyền từng nói, Triều Tiên nên học chính sách mở cửa kinh tế thị trường của Trung Quốc.

Điều này khiến một số nhà quan sát vẫn hy vọng vào khả năng cải cách ở Bắc Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un.

Chuyên gia Paik Hak-soon từ Viện Sejong, Hàn Quốc tháng Hai năm nay xuất bản một báo cáo nghiên cứu về ông Kim Jong-un, trong đó nhận định:

"Đợi thời cơ chín muồi, Kim Jong-un rất có thể sẽ thực hiện chính sách cởi trói nền kinh tế, phá bỏ thế cô lập của Triều Tiên và đón nhận các giá trị tốt đẹp từ phương Tây."

Tất nhiên không phải ai cũng tin vào điều này.

Ngược lại có rất nhiều quan điểm cho rằng nhà lãnh đạo này độc tài, đặc biệt là các quan chức Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Triều Tiên cũng thay đổi không ít kể từ khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền. Ông cho thực thi một số chính sách kinh tế thị trường, giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực và các nhu yếu phẩm.

Nhà lãnh đạo này cũng phát động một chiến dịch xây dựng quy mô lớn ở Bình Nhưỡng. Và tất nhiên chỉ những công dân nào "trung thành tuyệt đối" mới được cấp nhà ở.

Giáo sư Koh Yu-hwan Đại học Dongguk cho rằng:

Hoa Kỳ thừa nhận ông Kim Jong-un dám nói, dám làm? ảnh 4

Ông Donald Trump: chả việc gì phải nhịn Kim Jong-un

Việc Kim Jong-un tự rút ra bài học từ số phận của cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi và cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein cho thấy, ông sẽ quyết theo đuổi mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân.

Nhà lãnh đạo này tin rằng, chỉ có con đường này mới đổi lại được vị thành viên chính thức của cộng đồng quốc tế một cách công bằng, theo điều kiện của Bình Nhưỡng, chứ không phải Washington.

Giáo sư Koh Yu-hwan viết:

"Kim Jong-un nắm quyền sắp được 10 năm, ông ta có tầm nhìn xa.

Ông ta tin rằng, chỉ cần có thêm thời gian, cộng đồng quốc tế không có lựa chọn nào khác ngoài việc công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân". [1]

Sự thừa nhận bất ngờ từ Giám đốc CIA

Cá nhân người viết cho rằng, trong bối cảnh Triều Tiên phong tỏa hoàn toàn thông tin với thế giới bên ngoài, để đánh giá sát thực lực, sức mạnh hay nội tình của quốc gia này không phải việc đơn giản.

Tuy nhiên, hoạt động thử tên lửa đạn đạo, tên lửa liên lục địa và hạt nhân mà quốc gia này tiến hành dưới thời ông Kim Jong-un cho thấy, nhà lãnh đạo này thực sự "không phải dạng vừa đâu".

Ông Kim Jong-un đã "nắm được thóp" của các siêu cường, dù là đồng minh như Trung Quốc, hay đối thủ như Mỹ - Nhật - Hàn, để tăng đối đa đòn bẩy cho Triều Tiên trên bàn đàm phán trong tương lai.

Tuần qua, dư luận quốc tế đã chứng kiến màn khẩu chiến hiếm hoi giữa lãnh đạo tối cao 2 nước Hoa Kỳ và Triều Tiên.

Điều này khiến không ít quốc gia lo ngại một cuộc chiến có thể nổ ra bất cứ lúc nào trên bán đảo. Thị trường chứng khoán châu Âu và Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Tuy nhiên, bình luận của Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) ông Mike Pompeo trên Fox News Sunday ngày 13/8 là một sự thừa nhận bất ngờ.

Ông Mike Pompeo nói rằng:

"Tôi khá chắc chắn rằng (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) sẽ tiếp tục cố gắng theo đuổi chương trình phát triển tên lửa của họ.

Vì thế không có gì ngạc nhiên nếu lại có một vụ thử tên lửa".

Phát biểu của Giám đốc CIA được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng công khai chi tiết kế hoạch phóng 4 quả tên lửa Hwasong-12 vào "trung tuần tháng Tám", với mục tiêu là vùng biển cách đảo Guam chừng 30 đến 40 km.

Động thái này đã dẫn đến phản ứng của ông Donald Trump trên Twitter hôm thứ Sáu:

"Nếu anh ta lại thốt ra một mối đe dọa, hoặc làm bất cứ điều gì liên quan đến Guam hay bất cứ vùng lãnh thổ nào của Hoa Kỳ hoặc đồng minh, anh ta sẽ thực sự phải hối tiếc.

Anh ta sẽ nhanh chóng phải hối tiếc". [2]

Hoa Kỳ thừa nhận ông Kim Jong-un dám nói, dám làm? ảnh 5

Triều Tiên sẽ bắn 4 quả tên lửa gần Guam để "dạy Donald Trump một bài học"?

Trong khi ông chủ Nhà Trắng vẫn tỏ thái độ kiên quyết với Bình Nhưỡng, các quan chức cấp cao Hoa Kỳ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp ngoại giao để giảm căng thẳng.

Tổng tham mưu trưởng (Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân) Hoa Kỳ đang có mặt tại Hàn Quốc sáng nay, và sẽ tiếp tục công du Tokyo, Bắc Kinh để tìm cách tháo ngòi xung đột.

Cá nhân người viết cho rằng, Giám đốc CIA thừa nhận khả năng Triều Tiên có thể phóng 4 quả tên lửa như đã công bố cho thấy, giới chức Mỹ thực sự tin rằng ông Kim Jong-un dám nói, dám làm.

Vấn đề Mỹ sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp Triều Tiên thực hiện kế hoạch đã tuyên bố trước đã không được các quan chức Mỹ công khai thảo luận.

Và liệu Bình Nhưỡng có "giữ thể diện cho Hoa Kỳ" bằng cách bắn tên lửa "xịt" như đã từng làm ngày 16/4, thì cần phải chờ xem. 

Nhưng đó cũng là hy vọng của không ít nhà quan sát, ví dụ như David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và an ninh quốc tế tại Washington. [3]

Nếu Mỹ - Triều khai chiến, Trung Quốc sẽ chiếm ngay các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên?

NTDTV, một tờ báo của người Hoa ở hải ngoại ngày 14/8 dẫn nguồn tờ worldjournal.com hôm 12/8 nói rằng, tại hội nghị Bắc Đới Hà các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã quyết định:

Nếu Triều Tiên và Hoa Kỳ nổ ra chiến tranh, quân đội Trung Quốc sẽ phải nhanh chóng xuất quân chiếm lĩnh căn cứ hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Quyết định này dựa trên 2 tính toán, một là để tránh để căn cứ này lọt vào tay người Mỹ, hai là đề phòng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong trường hợp bị dồn vào đường cùng, có thể sử dụng vũ khí hạt nhân với chính Trung Quốc.

Hiện tại thông tin này rất khó xác minh thật giả, chỉ xin nêu ra để bạn đọc tham khảo. 

Còn trên thực tế, Trung Quốc đã tăng cường quân đội dọc theo biên giới dài 1416 km với Triều Tiên, sử dụng máy bay không người lái giám sát mọi động tĩnh 24/24, theo The Wall Street Journal ngày 25/7. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://cn.nytimes.com/asia-pacific/20170811/kim-jong-un-north-korea-nuclear/

[2]https://www.reuters.com/article/us-northkorea-missiles-idUSKCN1AT0HD

[3]https://www.washingtonpost.com/news/checkpoint/wp/2017/08/11/despite-trumps-threats-to-north-korea-the-u-s-military-doesnt-appear-to-be-on-a-wartime-footing/?utm_term=.819c93040d20

[4]http://cn.wsj.com/gb/20170725/bgh094045.asp

Hồng Thủy