Hoa Xuân Oánh: Trung Quốc phản đối nước lớn ức hiếp nước nhỏ

23/01/2015 10:16
Hồng Thủy
(GDVN) - Phải chăng cái bà Oánh gọi là quyền bình đẳng trong "áp dụng các quy tắc quốc tế" chính là lối bẻ cong luật pháp quốc tế, đánh tráo khái niệm trục lợi...
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Rappler ngày 23/1 đưa tin, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Hoa Kỳ và Philippines khi nói rằng Bắc Kinh không bắt nạt các nước nhỏ. Bà Hoa Xuân Oánh người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel, rằng Washington thúc đẩy nguyên tắc các nước lớn không bắt nạt các nước nhỏ.

Obama nhắc đến nguyên tắc này trong Thông điệp Liên bang 2015 trong một tham chiếu nhằm vào Nga. Ông Daniel Russel đã nhắc lại nó khi thăm Philippines hôm Thứ Tư, lần này quan chức Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Tại cuộc họp báo ngày hôm qua 22/1, bà Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc đồng ý với nguyên tắc này.

"Trung Quốc luôn khẳng định rằng tất cả các nước bất kể kích thước lớn hay nhỏ đều bình đẳng. Chúng tôi chống lại sự bắt nạt của các nước lớn với các nước nhỏ, đồng thời chúng tôi cũng cho rằng các nước nhỏ không nên có những đòi hỏi vô lý"?! Phát biểu của bà Oánh được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia tố cáo Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo (bất hợp pháp) khổng lồ ở Biển Đông.

Hôm qua Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng lên án hoạt động biến đá thành đảo nhân tạo bất hợp pháp Trung Quốc tiến hành ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, một số nước và vùng lãnh thổ nhảy vào tranh chấp - PV) là mối đe dọa với cả khu vực. Ông sẽ đưa vấn đề này ra trong hội nghị Ngoại trưởng ASEAN sắp tới tại Malaysia.

Trong khi đó bà Hoa Xuân Oánh lại lên tiếng vu cáo các bên khác ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế. Bà Oánh tuyên bố: "Khi chúng ta nói về sự bình đẳng giữa tất cả các nước, chúng ta không chỉ đề cập đến bình đẳng về quyền và lợi ích, mà còn được áp dụng cho các quy tắc quốc tế"?!

Phải chăng cái bà Oánh gọi là quyền bình đẳng trong "áp dụng các quy tắc quốc tế" chính là lối bẻ cong luật pháp quốc tế, đánh tráo khái niệm trục lợi bất chính cho mình mà Trung Quốc đang theo đuổi ở Biển Đông? Dĩ nhiên điều này sẽ không được chấp nhận.

Thậm chí bà Hoa Xuân Oánh còn nhằm thẳng vào những nhận xét của ông Daniel Russel, một lần nữa cao giọng cảnh báo Mỹ không can thiệp vào chuyện Biển Đông: "Các quốc gia không phải một bên tranh chấp phải duy trì một quan điểm khách quan và công bằng, nói nhiều những điều giúp xây dựng lòng tin và hợp tác lẫn nhau, làm nhiều hơn những chuyện giúp bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, hãy ít đưa ra những bình luận có thể gây rắc rối".

Hồng Thủy