Hoàn Cầu: Nga không dám mạo hiểm qua mặt Trung Quốc ve vãn Việt Nam?!

13/08/2013 13:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Đinh Bội Hoa chuyên nghiên cứu về Nga đã đưa ra những nhận xét lệch lạc và phiến diện về việc Moscow không dám "qua mặt" Bắc Kinh để "ve vãn" Việt Nam khi đề cập đến quan hệ hợp tác quốc phòng Nga - Việt ở Biển Đông.
Đinh Bội Hoa
Đinh Bội Hoa
Thời báo Hoàn Cầu ngày 13/8 đăng phân tích của một học giả Trung Quốc thuộc viện Quan hệ quốc tế, viện Khoa học xã hội Thượng Hải, ông Đinh Bội Hoa chuyên nghiên cứu về Nga đã đưa ra những nhận xét lệch lạc và phiến diện về việc Moscow không dám "qua mặt" Bắc Kinh để "ve vãn" Việt Nam khi đề cập đến quan hệ hợp tác quốc phòng Nga - Việt ở Biển Đông. Tờ Hoàn Cầu cho hay Việt Nam sẽ có một đội tàu ngầm của riêng mình vào cuối năm nay, Nga sẽ cung cấp chiếc đầu tiên trong dự án cung cấp 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka 636 M cho hải quân Việt Nam vào tháng 11. Động thái này được Đinh Bội Hoa xem như có thể gây ra cảm giác "Nga cung cấp viện trợ quân sự cho đồng minh Đông Nam Á của mình để kiềm chế Trung Quốc đang trỗi dậy"?! Phải chăng Đinh Bội Hoa và một số học giả Trung Quốc đang lo sợ trước những quan ngại của cộng đồng quốc tế về tham vọng, hoạt động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông nên cố tình lấp liếm bằng cách chụp mũ cho các bên là "gây rối tình hình" hay "kiềm chế", thậm chí là "khiêu khích" Bắc Kinh? Ông Hoa cho rằng điện Kremlin đã duy trì chính sách đối ngoại thực dụng trong hơn 2 thập kỷ qua. Sự phục hồi của nền kinh tế đã khiến Nga tham gia vào các vấn đề châu Á thường xuyên hơn. Bài báo trên tờ Hoàn Cầu cho rằng Việt Nam đang coi Trung Quốc như một mối đe dọa đối với an ninh của mình, với các tranh chấp đang gia tăng ở Biển Đông, Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp năng lực phòng thủ thông qua việc mua tàu ngầm, tàu tuần tra và tên lửa từ Nga.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận trái phép thường xuyên, liên tục với quy mô lớn tại khu vực Biển Đông - Trường Sa gây ra những quan ngại đặc biệt đối với các bên tranh chấp.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận trái phép thường xuyên, liên tục với quy mô lớn tại khu vực Biển Đông - Trường Sa gây ra những quan ngại đặc biệt đối với các bên tranh chấp.
Đối với Nga, ông Hoa nhận xét việc hợp tác với Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Nga thông qua những thỏa thuận mua bán quốc phòng. Moscow cũng nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ lâu đã là một trong những mục tiêu chiến lược ngoại giao quan trọng của họ. Bài báo quy chụp rằng Nga đang "giả mạo quan hệ hữu nghị và cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các thành viên ASEAN" sẽ củng cố vị thế và vai trò của Moscow trong khu vực và đảm bảo lợi ích vốn có của nó. Đinh Bội Hoa cho rằng không thể phụ nhận thực tế Moscow đang cố gắng cân bằng lại quyền lực ở châu Á thông qua "quyết định của Nga lựa chọn Vịnh Cam Ranh của Việt Nam như một căn cứ quân sự chủ yếu để vươn ra châu Á - Thái Bình Dương." Về phản ứng của Bắc Kinh, ông Hoa cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ "phát triển năng lực quân sự của mình từng bước phù hợp với chiến lược quốc gia". Hiện tại Bắc Kinh đang phát triển một mối quan hệ "lành tính" với Moscow, cuộc tập trận quan sự chung trong tháng 7, tháng 8 là một bằng chứng về nền tảng vững chắc quan hệ Trung - Nga. Do đó, Đinh Bội Thu cho rằng điện Kremlin sẽ không "gây tổn hại đối với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc khi tăng cường hợp tác với Việt Nam" vì hợp tác với Bắc Kinh rất quan trọng đối với an ninh và phát triển của Nga. Hợp tác giữa Nga và Việt Nam, trong đó có hợp tác quốc phòng là hoạt động hợp tác bình thường, công khai minh bạch giữa 2 quốc gia. Việt Nam tăng cường năng lực phòng thủ của mình cũng là động thái hết sức bình thường không có gì khiến ai đó phải "lo ngại" nếu như họ không có âm mưu, ý đồ gì xấu. Sự lo ngại của một số học giả Trung Quốc rằng Việt Nam đang cố gắng "kiềm chế" Trung Quốc trỗi dậy là một quan điểm ấu trĩ và nực cười, hoặc là một thủ đoạn hòng đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận vào các động thái leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn diễn ra hàng ngày, xâm phạm chủ quyền và lợi ích của các bên, trong đó có Việt Nam.
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!

Hồng Thủy