Hoàn Cầu: "Trung Quốc không thể tiếp tục để nước nhỏ ức hiếp nước lớn"

28/08/2013 09:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Vận nhấn mạnh, nước nào "dám thách thức sự tôn nghiêm nước lớn của Trung Quốc, thách thức các lợi ích quan trọng của Trung Quốc thì Bắc Kinh phải trừng phạt, không thể để tình trạng nước nhỏ ức hiếp nước lớn tiếp tục tái diễn". Điều này được Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh và giật tít gây sốc trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với láng giềng ở Biển Đông, Hoa Đông đang gia tăng, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột.
Vương Hải Vận.
Vương Hải Vận.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 27/8 đăng bài phân tích của ông Vương Hải Vận, lon Thiếu tướng, cố vấn cao cấp của học hội Chiến lược quốc tế Trung Quốc với tiêu đề khá sốc: "Trung Quốc không thể tiếp tục để tái diễn tình trạng nước nhỏ ức hiếp nước lớn"?! 
Ông Vận cho rằng thời gian gần đây giới học thuật Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc Trung Quốc có nên thiết lập cho mình một "vành đai hoãn xung chiến lược" và Triều Tiên có phải là vành đai hoãn xung chiến lược của Bắc Kinh hay không. Viên tướng này nhận định, trong bối cảnh các vấn đề va chạm phức tạp xảy ra xung quanh Trung Quốc ngày một nhiều, vấn đề này đáng để giới học thuật Bắc Kinh thảo luận kỹ vì nó quan hệ trực tiếp đến chiến lược an ninh quốc gia của họ. Nội hàm của vành đai hoãn xung chiến lược theo Vương Hải Vận, về bản chất là một vành đai yểm hộ chiến lược do 1 quốc gia lập nên nhằm mục đích giành lợi thế không gian và thời gian khi ứng phó với các mối uy hiếp an ninh từ bên ngoài. Trên phương diện địa chính trị, thiết lập một vành đai yểm hộ chiến lược không chỉ có lợi đối với việc ứng phó sức ép chiến lược từ một số nước lớn cũng như khả năng thâm nhập từ các thế lực đối địch, mà còn có lợi cho việc "duy trì ổn định và an ninh ở các quốc gia xung quanh".
Phó nguyên soái Triều Tiên Choe Ryong-hae hội kiến với ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc. Bắc Triều Tiên trong con mắt giới học giả quân sự và truyền thông Trung Quốc dường như đang đóng vai trò "vành đai hoãn xung chiến lược", hay còn gọi là bình phong, bia đỡ đạn cho Trung Quốc?
Phó nguyên soái Triều Tiên Choe Ryong-hae hội kiến với ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc. Bắc Triều Tiên trong con mắt giới học giả quân sự và truyền thông Trung Quốc dường như đang đóng vai trò "vành đai hoãn xung chiến lược", hay còn gọi là bình phong, bia đỡ đạn cho Trung Quốc?
Về mặt quân sự, do bán kính tác chiến cũng như khoảng cách tấn công chính xác của vũ khí ngày nay đã tăng lên gấp nhiều lần so với Thế chiến 2, chiến tranh hiện đại có thể uy hiếp 1 nước lớn hầu hết là hình thái chiến tranh phi tiếp xúc tấn công chính xác từ xa, vì vậy một vành đai hoãn xung chiến lược chỉ vài trăm km khó có thể phát huy vai trò yểm hộ, hoãn xung. Vương Hải Vận nhấn mạnh, "là một nước lớn đang trỗi dậy trong bối cảnh cục diện khu vực vô cùng phức tạp, các mối uy hiếp từ bên ngoài khá nghiêm trọng" nên Trung Quốc tất yếu phải xây dựng một vành đai hoãn xung chiến lược cho mình. Hiện nay Trung Quốc chủ yếu tính toán từ góc độ tác dụng chiến lược địa chính trị của vành đai và không phải tất cả các quốc gia lân bang với Trung Quốc đều có thể đóng vai trò làm vành đai hoãn xung chiến lược cho Bắc Kinh, ông Vận nhấn mạnh. Yếu tố để chọn 1 quốc gia làm vành đai hoãn xung chiến lược cho Trung Quốc, theo Vương Hải Vận phải xem quốc gia đó có ổn định hay không, có hữu hảo với Bắc Kinh hay không, hợp tác an ninh giữa họ với Trung Quốc có thuận lợi hay không.Học giả này cho rằng bất cứ một vành đai hoãn xung chiến lược nào đều không thể tự nhiên hình thành mà phải mất nhiều nỗ lực trong thời gian dài để xây dựng. Vị trí địa chiến lược của Bắc Triều Tiên vẫn rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc nên Bắc Kinh không thể bỏ mặc Bình Nhưỡng, ngược lại cần nỗ lực khôi phục vai trò vành đai hoãn xung chiến lược cho Trung Quốc của quốc gia này.
Ông Vương Hải Vận trong một chương trình phỏng vấn của giới truyền thông Trung Quốc.
Ông Vương Hải Vận trong một chương trình phỏng vấn của giới truyền thông Trung Quốc.
Ngoài Bắc Triều Tiên, ông Vận cho rằng giới chức Bắc Kinh còn phải xây dựng cho mình một vành đai hoãn xung chiến lược tại các quốc gia giáp biên giới phía Tây của mình. Để làm được điều này, Bắc Kinh phải vừa thiết lập sự tin cậy, vừa phải tạo dựng cái uy của mình và dám can thiệp, viện trợ một khi các quốc gia này phải đối mặt với các thách thức an ninh, đặc biệt là nguy cơ lật đổ chính quyền. Ông Vận nhấn mạnh, nước nào "dám thách thức sự tôn nghiêm nước lớn của Trung Quốc, thách thức các lợi ích quan trọng của Trung Quốc thì Bắc Kinh phải trừng phạt, không thể để tình trạng nước nhỏ ức hiếp nước lớn tiếp tục tái diễn". Điều này được Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh và giật tít gây sốc trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với láng giềng ở Biển Đông, Hoa Đông đang gia tăng, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột. Đáng chú ý, bài phân tích của ông Vương Hải Vận trên Thời báo Hoàn Cầu chủ yếu nói về "vành đai hoãn xung chiến lược" của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh vai trò của Bắc Triều Tiên trong chiến lược "hoãn xung" hay có thể nói là "bình phong đỡ đạn thay Bắc Kinh" thì tít bài viết lại dường như ám chỉ một hay một vài quốc gia nào đó mà Hoàn Cầu xem như "nước nhỏ" và "đối địch" với Trung Quốc? Ẩn ý của Hoàn Cầu càng trở nên lộ liễu hơn khi bài báo được Thời báo Hoàn Cầu minh họa bằng hỉnh ảnh chiếc máy bay của Hải giám Trung Quốc ngày trước, nay là Cảnh sát biển đang "tuần tra đảo Điếu Ngư", tên gọi nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Máy bay Y-12 của Hải giám Trung Quốc (nay là Cảnh sát biển Trung Quốc) "tuần tra" khu vực Senkaku, hình ảnh được tờ Thời báo Hoàn Cầu minh họa một cách đầy ẩn ý cho bài phân tích của Vương Hải Vận.
Máy bay Y-12 của Hải giám Trung Quốc (nay là Cảnh sát biển Trung Quốc) "tuần tra" khu vực Senkaku, hình ảnh được tờ Thời báo Hoàn Cầu minh họa một cách đầy ẩn ý cho bài phân tích của Vương Hải Vận.
Dù với ẩn ý hay hình thức nào, dường như Thời báo Hoàn Cầu và giới học giả quân sự Trung Quốc dường như luôn chụp mũ cho các nước láng giềng của mình là "kẻ gây rối" và chỉ Trung Quốc là "nạn nhân" cần phải phòng thủ, cần được yểm trợ. Một số quốc gia có quan hệ đặc biệt với Bắc Kinh như Bắc Triều Tiên và một số nước giáp biên phía Tây Trung Quốc trong con mắt của Hoàn Cầu và giới học giả quân sự Bắc Kinh phải chăng chỉ là bình phong, là "bia đỡ đạn" cho Trung Quốc với cái gọi là vành đai hoãn xung chiến lược?

Hồng Thủy