Hoàn Cầu dọa Việt Nam không thể thắng nếu đối đầu trực diện Trung Quốc

30/10/2014 07:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Nói như Thời báo Hoàn Cầu, thì Việt Nam đã không ít lần phải "đứt tay" vì chơi với "dao sắc" như những năm 1974, 1979, 1988 và vụ giàn khoan 981 gần đây nhất.
Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Ấn lại trở thành "cái gai trong mắt" những tờ báo theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu.
Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Ấn lại trở thành "cái gai trong mắt" những tờ báo theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu.

Tờ India Times ngày 29/10 đưa tin, trong một bài viết ngày hôm qua Thời báo Hoàn Cầu tuyên truyền rằng Việt Nam "lôi kéo" Ấn Độ và Mỹ vào Biển Đông vì người Việt hoàn toàn nhận thức rằng mình "không có cơ hội để giành chiến thắng trong một cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc"?!

Hoàn Cầu khiêu khích: "Kể từ khi Hà Nội nhận thức đầy đủ rằng họ không thể có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc, Việt Nam phải dựa vào các cường quốc lớn khác bằng cách củng cố tình trạng của họ như một bên liên quan trong khu vực". Tờ báo Trung Quốc tức tối bình luận sau sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ củng cố và phát triển quan hệ song phương.

Sau khủng hoảng giàn khoan 981, Trung Quốc và Việt Nam đã có dấu hiệu cải thiện quan hệ song phương sau chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc vào Thứ Hai đầu tuần này. Và một sự trùng hợp thú vị đã diễn ra, ngày Dương Khiết Trì đến Việt Nam cũng là lúc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt chân tới Ấn Độ với hy vọng New Delhi thực hiện chính sách hướng Đông như một đòn bẩy thuận lợi cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông phức tạp.

Bài viết của tờ báo nổi tiếng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan trên Thời báo Hoàn Cầu viết rằng: "Bên cạnh cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, Việt Nam đã mời Ấn Độ 'nhúng tay vào chiếc bánh dầu mỏ' ở Biển Đông. Việt Nam cũng đã tìm cách hợp tác an ninh hàng hải sâu sắc hơn với Ấn Độ, trong đó New Delhi dự kiến sẽ sớm cung cấp tàu tuần tra tiên tiến cho Việt Nam để thúc đẩy sự tự tin của Hà Nội ở Biển Đông", một giọng điệu tức tối và khó chịu vô lối - PV.

Chưa dừng lại, Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục tỏ vẻ khó chịu một cách vô lý (PV) khi viết: "Rõ ràng Ấn Độ không phải cường quốc duy nhất mà Việt Nam ve vãn bằng cách này. Kể từ sau khi bắt đầu tranh chấp giàn khoan 981 (không phải tranh chấp, mà là khủng hoảng do Trung Quốc leo thang gây hấn, hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam - PV), Việt Nam đã tăng cường các nỗ lực của mình để thực hiện chính sách ngoại giao đa phương ở Biển Đông. Hà Nội đã di chuyển gần gũi hơn với Nhật Bản và Hoa Kỳ thông qua vài lần trao đổi cấp cao".

Chính sách ngoại giao đa phương, đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích cơ bản hợp pháp của nhau, hợp tác cùng có lợi đã được Việt Nam thực hiện từ lâu, không phải sau vụ giàn khoan 981 như Thời báo Hoàn Cầu tưởng tượng. Mặt khác, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay bất cứ quốc gia nào nếu không có lợi ích ở Biển Đông trong việc duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế thì có "ve vãn" thế nào đi nữa như cách nói của Hoàn Cầu cũng đâu ve vãn nổi, bởi các nước này đâu có dễ dụ dỗ? PV.

Thời báo Hoàn Cầu bình luận, trong lúc này Mỹ đang mong muốn tìm kiếm đối tác mới để thực chiện xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy với chính sách bổ sung cho nhau, Việt Nam và Mỹ đang trở nên gần gũi hơn nhiều. Tuy nhiên tờ báo Trung Quốc cho rằng thực tế Việt Nam khó có thể "thoát ra khỏi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế. Mặt khác Việt Nam vẫn cảnh giác liên tục với Mỹ vốn không bao giờ từ bỏ một cuộc cách mạng màu ở Việt Nam, Hà Nội sẽ khó có được lợi ích thực sự khi chơi với Mỹ. Việt Nam nên xem lại giải pháp của mình, chớ nên chơi dao sắc có ngày đứt tay"?!

Tờ báo Trung Quốc đã nói đúng ở chỗ chính sách đối ngoại của Việt Nam và Mỹ bổ sung cho nhau, có lợi ích phù hợp với nhau. Nhưng nó đã nhầm lẫn khi cho rằng Việt Nam lúc nào cũng cảnh giác với Mỹ về cái gọi là cuộc cách mạng màu. Và Thời báo Hoàn Cầu càng sai lầm hơn khi cho rằng Việt Nam khó có lợi ích khi chơi với Mỹ. Có thể một số quan điểm ở Việt Nam còn lăn tăn xung quanh quan hệ Việt - Mỹ do cái bóng của cuộc Chiến tranh Việt Nam, nhưng với những gì đang diễn ra thì đó không phải xu thế chủ đạo. 

Ngược lại, hầu hết người Việt đều luôn thường trực mối lo phải đối phó với một nước láng giềng phương Bắc tham lam, luôn dùng mọi âm mưu thủ đoạn bành trướng lãnh thổ, biến Biển Đông thành ao nhà của họ. Và nếu nói như Thời báo Hoàn Cầu, thì Việt Nam đã không ít lần phải "đứt tay" vì chơi với "dao sắc" như những năm 1974, 1979, 1988 và vụ giàn khoan 981 gần đây nhất - PV.

Hồng Thủy