Học giả Mỹ bình luận về yêu sách, phản ứng của Việt Nam trên Biển Đông

22/10/2015 06:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Mối quan tâm chính hiện nay của Việt Nam là thành lập khả năng răn đe chống các động thái tích cực (bành trướng) của Trung Quốc chiếm dần Trường Sa.

Tạp chí World Politics Review ngày 21/10 đăng bài phỏng vấn Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ Gregory Poling xung quanh yêu sách và phản ứng của Việt Nam trên Biển Đông trong thời gian qua.

Các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Poling cho hay, Việt Nam có yêu sách chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông. Ngoài ra Việt Nam còn yêu sách một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển của mình, một thềm lục địa mở rộng hơn khi được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cho phép.

Yêu sách của Việt Nam không gồm bất bất kỳ vùng biển, đáy biển bổ sung nào từ các đảo trong 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoại trừ một vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh mỗi đảo. Trung Quốc và Đài Loan cũng tuyên bố "chủ quyền" đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Riêng Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng (xâm lược, thôn tính bất hợp pháp) hoàn toàn từ năm 1974 đến nay. Ở Trường Sa Trung Quốc chiếm 7 thực thể, Philippines chiếm 9 thực thể, Malaysia chiếm 5, Đài Loan chiếm 1. Việt Nam hiện chốt giữ 29 thực thể ở Trường Sa.

Đường lưỡi bò, còn gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc và Đài Loan với hầu hết toàn bộ Biển Đông rõ ràng chồng lên yêu sách của Việt Nam. Yêu sách của Việt Nam đồng thời cũng có vùng chồng lấn với Malaysia, có thể là với cả Philippines, Brunei.

Gregory Poling cho rằng, trong những năm qua Việt Nam đã tiến hành hoạt động cải tạo quy mô nhỏ một số thực thể mà mình đóng quân chốt giữ ở Trường Sa. Các công trình này đã mở rộng các thực thể nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc. 

Poling lưu ý, cơ quan ông không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam bồi lấp đảo nhân tạo từ một thực thể ngập nước hoặc lúc nổi lúc chìm để làm thay đổi tình trạng pháp lý của thực thể. Nhưng đó là những gì Trung Quốc đã làm ít nhất đối với 3 thực thể (Vành Khăn, Xu Bi, Ga Ven).

Nụ cười hạnh phúc của một Chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Talk Vietnam.
Nụ cười hạnh phúc của một Chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Talk Vietnam.

Việt Nam mở rộng khoảng 21 ngàn mét vuông ở đảo Sơn Ca và 65 ngàn mét vuông tại Đá Tây, nhưng Trung Quốc đã bồi lấp khoảng hơn 5,5 triệu mẫu Anh (1 mẫu Anh tương đương 4.046,8564224 mét vuông) chỉ riêng ở bãi Vành Khăn. Những gì Trung Quốc đã làm khiến Hoa Kỳ đặc biệt khó chịu.

Người ta có thể lập luận rằng việc Việt Nam cải tạo, mở rộng các thực thể ở Trường Sa tạo cớ cho Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp), nhưng thực chất công việc của Việt Nam khác hẳn Trung Quốc về cả quy mô, hệ quả pháp lý (cũng như bản chất), Poling lưu ý.

Poling cho rằng mối quan tâm chính hiện nay của Việt Nam là thành lập khả năng răn đe chống các động thái tích cực (bành trướng) của Trung Quốc để chiếm dần Trường Sa như những gì họ đã làm ở Hoàng Sa năm 1974 và 6 thực thể ở Trường Sa năm 1988.

Việt Nam đã mua các tàu ngầm lớp Kilo của Nga, tăng cường lực lượng tên lửa mặt đất, xây dựng khả năng, năng lực quản lý tuần tra biển. Những động thái này được ông Poling nhận định là nhằm gửi thông điệp quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đến cùng một khi nổ ra xung đột, chiến tranh ở Biển Đông.

Về việc thực thi yêu sách của mình và chống lại yêu sách các bên khác, Việt Nam cũng giống như các nước Đông Nam Á, tìm cách thúc đẩy nhận thức về yêu sách pháp lý của mình, trong khi liên tục phản đối các hoạt động và tuyên bố của các bên trên Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc.

Việt Nam đã chủ động xem xét khả năng khởi kiện độc lập chống lại yêu sách (bành trướng, vô lý) của Trung Quốc, mặc dù một quyết định như vậy sẽ không được thực hiện khi phiên tòa của Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc bước vào hồi kết.

Hồng Thủy