Học giả TQ: Tập Cận Bình dọa dẫm các nước tranh chấp ở Biển Đông

10/04/2013 13:00
Hồng Thủy (Nguồn: Bưu điện Hoa Nam)
(GDVN) - Vương Hàn Lĩnh nói với tờ Bưu điện Hoa Nam, chuyến thăm ngư dân Trung Quốc của Tập Cận Bình thực chất là nhằm vào sự chú ý của các nước láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông, gồm Philippines, Malaysia, Việt Nam.
Ông Tập Cận Bình, tân Chủ tịch nước Trung Quốc thăm ngư dân làng chài Đàm Môn, động thái được giới học giả Bắc Kinh xem như thông điệp dọa nạt các nước láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông
Ông Tập Cận Bình, tân Chủ tịch nước Trung Quốc thăm ngư dân làng chài Đàm Môn, động thái được giới học giả Bắc Kinh xem như thông điệp dọa nạt các nước láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông
Tờ Bưu điện Hoa Nam xuất bản tại Hồng Kông ngày 10/4 đăng bài phân tích của cánh học giả Trung Quốc xung quanh chuyến thăm làng chài Đàm Môn của Tập Cận Bình chiều 8/4 và những phát biểu mang ẩn ý đe dọa các bên tranh chấp trên Biển Đông.
Chiều 8/4, sau khi tham dự diễn đàn kinh tế Bác Ngao, Tập Cận Bình đã tới thăm làng chài Đàm Môn và đội "dân binh Nam Hải" mà địa phương này lập ra để thực hiện cái gọi là "bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền" phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông (vốn gắn liền với đường lưỡi bò phi lý - PV). Bài báo trên Bưu điện Hoa Nam nhận định, động thái thăm ngư dân Hải Nam của Tập Cận Bình khi vừa tiếp quản ghế Chủ tịch nước là "chưa từng có tiền lệ", được xem như một thông điệp đe dọa các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp ở Biển Đông. Chuyến thăm của ông Bình được giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rộng rãi và nó diễn ra chỉ ít ngày sau cuộc tập trận (trái phép) dài 16 ngày của lực lượng hạm đội Nam Hải trên Biển Đông và cả khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cùng tuyên bố của Tưởng Vĩ Liệt, Tư lệnh hạm đội Nam Hải, rằng sẽ tổ chức tập trận thường xuyên hơn trên Biển Đông. Một chuyên gia về biển đảo thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Vương Hàn Lĩnh nói với tờ Bưu điện Hoa Nam, chuyến thăm ngư dân Trung Quốc của Tập Cận Bình thực chất là nhằm vào sự chú ý của các nước láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông, gồm Philippines, Malaysia, Việt Nam. Ông Lĩnh nói rằng, "lợi ích hàng hải của Trung Quốc chắc chắn bao gồm quyền đánh cá và sự an toàn cho cuộc sống của họ trong vùng biển Nam Hải", tức Biển Đông, trong đó Trung Quốc tuyên bố cái gọi là "chủ quyền" với gần như 90% diện tích với đường lưỡi bò phi lý, phi pháp. Viên học giả này cho biết thêm, chuyến thăm của Tập Cận Bình cũng như hoạt động tập trận (trái phép) vừa rồi của hạm đội Nam Hải đang khuyến khích ngư dân Trung Quốc kéo ra đánh bắt (trái phép) ở Biển Đông. Trong khi đó, Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân Trung Quốc từ Bắc Kinh cho rằng (tham vọng của Trung Quốc độc chiếm) Biển Đông đã trở thành trọng tâm chiến lược để biến Trung Quốc thành "cường quốc biển".
Hồng Thủy (Nguồn: Bưu điện Hoa Nam)