Học giả Trung Quốc: Bị chỉ định trọng tài, Bắc Kinh sẽ khó đối phó

26/03/2013 19:00
Hồng Thủy (Nguồn: THX, Inquirer)
(GDVN) - Bà Mai nhận định, Trung Quốc đã bỏ qua cơ hội chỉ định trọng tài khi nhận định rằng việc Philippines "dám" kiện đường lưỡi bò và hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông ra trọng tài quốc tế là "không có căn cứ pháp lý".
Hình Quảng Mai, Thượng tá hải quân, học giả hàng đầu Trung Quốc về Luật Biển
Hình Quảng Mai, Thượng tá hải quân, học giả hàng đầu Trung Quốc về Luật Biển
Ngày 26/3 Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu đăng tải bài phân tích của Hình Quảng Mai, lon Thượng tá hải quân, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Luật thuộc Viện nghiên cứu Học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng, khi đã để bị chỉ định trọng tài đại diện cho Trung Quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò, Bắc Kinh sẽ khó đối phó.
Trước đó, hôm qua 25/3 Bộ Ngoại giao Philippines đã chính thức xác nhận, Chủ tịch Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển Shunji Yanai đã bổ nhiệm thẩm phán Stanislaw Pawlak người Ba Lan đại diện cho Trung Quốc tham gia thụ lý vụ Philippines kiện đường lưỡi bò phi pháp và các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông bất chấp việc Bắc Kinh từ chối tham gia. Philippines cũng đã lựa chọn một thẩm phán người Đức giàu kinh nghiệm, Rudiger Wolfrum đại diện cho mình trong vụ kiện này. "Tiếp theo, Chủ tịch Shunji Yanai sẽ bổ nhiệm tiếp 3 thành viên còn lại thuộc Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển 5 thành viên thụ lý vụ kiện theo đề nghị bằng văn bản của Philippines", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết. Manila khẳng định, xử lý tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế là một quá trình giải quyết vấn đề một cách hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế. Động thái này là nước cờ đặc biệt của Philippines nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng và xây dựng trái phép trên các đảo, bãi đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Hình Quảng Mai cho rằng sau khi đã được thành lập Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển thụ lý vụ kiện của Philippines, bất luận Trung Quốc có tham gia hay không thì trọng tài cũng sẽ ra phán quyết "có ràng buộc" đối với cả hai bên. Bà Mai nhận định, Trung Quốc đã bỏ qua cơ hội chỉ định trọng tài khi nhận định rằng việc Philippines "dám" kiện đường lưỡi bò và hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông ra trọng tài quốc tế là "không có căn cứ pháp lý". Với việc Chủ tịch Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển chỉ định thẩm phán đại diện cho Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong những bước đi tiếp theo. HIện tại, còn 3 thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển sẽ do hai bên đàm phán lựa chọn, nếu Bắc Kinh tiếp tục bỏ lỡ cơ hội này, thì 3 thẩm phán này sẽ do Chủ tịch Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển chỉ định nốt. Dưới góc độ pháp lý, bà Mai cho rằng do được "bên ngoài" mách nước, Philippines đã biết sử dụng "trò chơi luật pháp quốc tế" khiến Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi đối phó. Tuy nhiên vị học giả Trung Quốc được giới truyền thông Bắc Kinh cho là uyên thâm luật pháp quốc tế này khẳng định rằng vụ kiện của Philippines "không thuộc phạm vi chức năng" thụ lý của Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Bà Mai viện dẫn Điều 298 Khoản 3 Mục 15 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho rằng những tranh chấp chủ quyền liên quan đến lục địa và hải đảo giữa các nước đương sự không phù hợp với hội đồng trọng tài chỉ định.

Hồng Thủy (Nguồn: THX, Inquirer)