Học giả Trung Quốc: Tầm nhìn Tập Cận Bình về quan hệ Trung-Mỹ quá tham vọng

15/01/2015 09:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Đông cho rằng Trung Quốc có thể thiết lập mô hình quan hệ mới với Mỹ nhưng cần hạ thấp tiêu chuẩn.
Ông Tập Cận Bình gợi ý về mô hình mới quan hệ nước lớn Trung - Mỹ trong khi hội đàm với ông Obama ở California tháng 6/2013, nhưng Washington không đả động gì đến khái niệm này. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Ông Tập Cận Bình gợi ý về mô hình mới quan hệ nước lớn Trung - Mỹ trong khi hội đàm với ông Obama ở California tháng 6/2013, nhưng Washington không đả động gì đến khái niệm này. Ảnh: Tân Hoa Xã.

South China Morning Post ngày 15/1 dẫn lời một học giả Trung Quốc, ông Diêm Học Đông - Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế đương đại thuộc đại học Thanh Hoa bình luận, tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về mô hình mới quan hệ nước lớn Trung - Mỹ đã được chứng minh là quá nhiều tham vọng, không thực tế.

Ông Tập Cận Bình đã kêu gọi Washington cùng xây dựng mô hình mới quan hệ nước lớn Trung - Mỹ tại một hội nghị thượng đỉnh với ông Barack Obama ở California tháng 6/2013. Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết, sáng kiến này được xác định bởi 3 nội dung: Không có xung đột hay đối đầu, tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau và thúc đẩy các mối quan tâm, hợp tác cùng có lợi.

Học giả Diêm Học Đông nhận xét, đã không có điểm nào trong 3 nội dung nói trên được thực hiện. Ông Đông cho rằng Trung Quốc có thể thiết lập mô hình quan hệ mới với Mỹ nhưng cần hạ thấp tiêu chuẩn, trong đó chỉ tập trung vào nội hàm đầu tiên, đó là không xung đột và đối đầu. Tuy nhiên, ông Đông đổ lỗi cho sự thất bại của tầm nhìn Tập Cận Bình là vì Washington không tôn trọng Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn tôn trọng Hoa Kỳ.

Benjamin Herscovitch, một nhà nghiên cứu độc lập từ Trung tâm Australia cho biết, khuôn khổ mô hình mới quan hệ nước lớn Trung - Mỹ không hoàn toàn khả thi, và lỗi thuộc về cả hai phía. Trong ngắn hạn, Washington muốn duy trì trật tự hậu Chiến tranh Lạnh trong khi Bắc Kinh "chào đón sự suy giảm tương đối của Mỹ về quyền lực toàn cầu" và xem đó là cơ hội gia tăng "quyền tự trị chiến lược" hơn nữa của các quốc gia châu Á.

Chengxin Pan, một giáo sư về quan hệ quốc tế đại học Deakin cho biết, thuật ngữ "kiểu mới" mà Bắc Kinh đưa ra cho mối quan hệ Trung - Mỹ có thể là một sai lầm vì nó ngụ ý rằng, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh phải trở nên khác hoàn toàn với những gì đã diễn ra trong quá khứ. Sẽ tốt hơn nếu có những kỳ vọng vừa phải và tránh những tham vọng không tưởng như vậy.

Hồng Thủy