Hủ bại tất dẫn tới thất bại

01/06/2016 13:57
Ngọc Việt
(GDVN) - Khi lãnh đạo của chúng tôi lên nắm quyền, chúng tôi tin rằng mọi điều sẽ tốt hơn. Nhưng đến nay người nghèo vẫn nghèo và người giàu thì trở nên giàu có hơn.

Bloomberg ngày 26/5 có bài phân tích về tình hình chính trị tại Cộng hoà Nam Phi, trong đó nhận định, với gần 27% người lao động không có việc làm cho thấy đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của cố lãnh tụ Nelson Mandela đã không thực hiện tốt vai trò của đảng cầm quyền trong điều hành và quản lý đất nước.

Thậm chí hãng tin của Mỹ còn cảnh báo, ANC có thể phải đối mặt với số phận như đảng Quốc đại Ấn Độ (INC) thất bại trong cuộc bầu cử năm 2014.

“ANC đã lãnh đạo nhân dân Nam Phi đấu tranh thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc, có khá nhiều nét tương đồng lịch sử với INC. Đó là lực lượng chính trị quan trọng việc giải phóng các tiểu lục địa khỏi ách thống trị của thực dân Anh.

Những khó khăn INC và ANC có rất nhiều điều điểm chung, đó là những thách thức của nền dân chủ trẻ tuổi”, Bloomberg bình luận.

Lý tưởng và sự nghiệp của Nelson Mandela có được ANC kế thừa, phát triên hay phá hủy do chính bộ máy cầm quyền hiện nay của Tổng thống Zacob Zuma quyết định. Ảnh: The Telegraph / Reuters.
Lý tưởng và sự nghiệp của Nelson Mandela có được ANC kế thừa, phát triên hay phá hủy do chính bộ máy cầm quyền hiện nay của Tổng thống Zacob Zuma quyết định. Ảnh: The Telegraph / Reuters.

Hơn 22 năm đã qua kể từ ngày 10/5/1994 lãnh tụ ANC Nelson Mandela chính thức nhậm chức Tổng thống Cộng hoà Nam Phi, chấm dứt sự tồn tại của chế độ apartheid – chế độ phân biệt chủng tộc cuối cùng trong lịch sử nhân loại.

Hơn 2 năm đã qua kể từ ngày Nelson Mandela, người lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh đòi tự do và bình đẳng của nhân dân Nam Phì, đã nằm xuống, vậy mà thành quả của cuộc đổi thay vĩ đại ấy lại có thể tiêu tan?

Hành động dần xa rời lý tưởng

Có thể thấy rằng, với ước nguyện về một xã hội bình quyền, với mục đích cho một đất nước tự do và bình đẳng, các lãnh tụ ANC như Oliver Tambo và Nelson Mandela đã phải đánh đổi gần như trọn đời mình trong hiểm nguy và gian khó.

Một Chủ tịch đảng phải lưu vong gần hết cuộc đời hoạt động chính trị của minh, một Phó Chủ tịch đảng phải sống nơi tù ngục gần hết tuổi xuân với 27 năm ròng rã. Và vị lãnh tụ lưu vong ấy, người tù thế kỷ ấy đã được mỉm cười với thành công của cuộc cách mạng xã hội ôn hoà tại Nam Phi.

Khi F.W.de Klerk – vị Tổng thống cuối cùng của chế độ apartheid có nguyện vọng đưa tự do và bình đẳng tới cho mọi người dân Nam Phi thì khát vọng về một sự đổi thay xã hội tại đất nước này đã thành hiện thực.

Cuộc chuyển mình của chế độ apartheid hà khắc được cựu Tổng thống F.W.de Klerk thúc đẩy như một sự đổi thay theo quy luật, nó đưa lịch sử dân tộc Nam Phi sang một chương mới với sự khẳng định giá trị của tự do và bình đẳng – lý tưởng mà cả đời Oliver Tambo và Nelson Mandela theo đuổi.

Tuy nhiên, khi bước lên vũ đài chính trị thì ANC lại không đáp ứng được kỳ vọng của người dân Nam Phi, không hiện thực hoá được lý tưởng của những bậc tiền bối.

Có thể thấy rằng, từ khi dấn thân cho đến khi nằm xuống, cả Oliver Tambo và Nelson Mandela đều thê hiện mình là những chiến sĩ vĩ đại trong cuộc đấu tranh cho tự do và bình đẳng.

Điều đó được các lãnh tụ nổi tiếng của ANC thể hiện trong mọi hành động, ở mọi hoàn cảnh của cuộc đầu tranh, cả khi còn cam go ác liệt đến khi thành công với vai trò đại diện quyền lực nhân dân.

Dư luận đã từng hết sức ngỡ ngàng khi Nelson Mandela vừa được trả tự do và được sum họp gia đình đã quyết định chia tay Winnie Mandela – người vợ cùng chí hướng, sát cánh cùng ông và luôn là chỗ dựa tinh thần cho ông khi sống trong chốn lao tù.

Cố Tổng thống Nelson Mandela. Ảnh: boomshots.com.
Cố Tổng thống Nelson Mandela. Ảnh: boomshots.com.

Có người cho rằng vì bà Winnie không chung thuỷ, nhưng thực ra nguyên nhân sâu xa là việc bà lợi dụng hình ảnh của Mandela để làm lợi cho sự nghiệp chính trị của bản thân, theo tài liệu của CIA năm 2008.

Điều đó cho thấy, vị lãnh tụ vĩ đại của ANC đã không cho phép và không chấp nhận vụ lợi cá nhân vì nó là nguồn gốc của phân biệt, của bất bình đẳng.

Ngay cả khi nằm xuống, người tù thế kỷ ấy cũng thể hiện rõ tư tưởng không phân biệt đối xử của mình. Ông để lại di chúc về thành phần thứa kế có cả tài xế lái xe cho ông, thư ký của ông, những trường học nơi ông trải qua thủa ấu thơ hay nơi ông rèn lên ý chí cách mạng, theo The Guardian ngày 26/5.

Vậy nhưng, ANC của ông đã không thể hiện được lý tưởng ấy. Cựu Tổng thống F.W.de Klerk đã cùng với Nelson Mandela chia sẻ giải Nobel Hoà bình cao quý nhờ đóng góp cho việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc apartheid.

Tuy nhiên ông không được hoàn tất nhiệm kỳ phó Tổng thống thứ nhất trong chính quyền đầu tiên thời hậu apartheid, cho thấy ANC có phân biệt, sau khi đã chiến thắng sự phân biệt.

Người viết cho rằng, đó cũng là nguyên nhân mà cố Tổng thống Nelson Mandela dành gần trọn thời gian tại nhiệm của mình cho việc giải quyết những tàn dư còn sót lại của phân biệt và khinh miệt dưới chế độ apartheid.

Tuy nhiên, Mandela dù vĩ đại nhưng cũng chỉ là một cá nhân nên không phải lúc nào ý tưởng và hành động của ông cũng giành được chiến thắng. Có thể thấy rằng, ANC đấu tranh cho bình quyền giữa các màu da, nhưng khi màu da gắn liền với quyền lực thì họ đổi thay.

Hủ bại tất dẫn tới thất bại ảnh 3

Huyền thoại cũng chỉ là hoài niệm

(GDVN) - Dạng tham quyền cố vị khác nguy hiểm hơn nhiều và hậu quả của nó đối với quốc gia dân tộc khủng khiếp hơn nhiều – đó là những ông “vua không ngai”.

Khi Nelson Mandela mãn nhiệm và xa rời quyền lực thì chính quyền của ANC cũng bắt đầu rời xa lý tưởng mà nhờ đó mang lại quyền lực cho họ.

Ngay từ khi ông Thabo Mbeki còn làm phó Tổng thống thứ hai, điều đó đã được thể hiện khi ông tìm cách gạt bỏ F.W.de Klerk để độc chiếm ngôi vị này.

Vì vậy, khi trở thành Tổng thống, chính quyền của ông Mbeki đã có những việc làm không phải dành cho mọi người dân Nam Phi, thậm chí không kể màu da. 

Và khi Jacob Zuma trở thành người đứng đầu đất nước Nam Phi thì hành động của ANC ngày càng rời xa lý tưởng ban đầu. Từ việc mang đặc quyền đặc lợi cho bản thân đến kết bè kết cánh, làm ảnh hưởng tới khối đoàn kết dân tộc của đất nước Nam Phi.

Khi Tổng thống Jacob Zuma có nguy cơ phải đối mặt với vòng lao lý thì có thể thấy ANC đã gần như đã đánh mất mình. Tuy nhiên, nguy hại hơn là quyền lợi của nhân dân Nam Phi luôn không được đảm bảo ngang bằng với quyền lực và niềm tin mà họ đã gửi trao cho ANC.    

“Người dân phản đối về sự thất bại của chính quyền trong việc đảm bảo các dịch vụ cơ bản như điện và nước – những nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày.

Tăng trưởng kinh tế đã giảm từ mức trung bình hàng năm là 5% trong giai đoạn 2004 - 2007, xuống dưới 1% theo dự kiến ​​trong năm 2016. Đầu tháng 5, chính phủ công bố tỷ lệ thất nghiệp ở mức 26,7 % trong quý đầu tiên của năm 2016, mức cao nhất trong vòng tám năm trở lại đây”, Bloomberg tường thuật.

Khi đảng INC thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử năm 2014 tại Ấn Độ, dư luận giật mình về sự "thoái hoá gen lãnh đạo" của đảng chính trị quyền quý này.

Nay dù ANC chưa đến mức rơi vào vị thế như của INC, nhưng nếu như giới lãnh đạo của ANC mà đứng đầu là Tổng thống Zuma không sớm hành động vì dân vì nước, thì có lẽ lời cảnh báo của Bloomberg về viễn cảnh không tốt đẹp đối với ANC không còn xa nữa.

Khi niềm tự hào trở thành nỗi thất vọng

Oliver Tambo và Nelson Mandela đấu tranh cho khát vọng của người dân da đen Nam Phi bị thiệt thòi và khinh miệt dưới chế độ phân biệt chủng tộc, vì vậy họ là niềm tự hào cho những con người có khát vọng tự do và bình đẳng.

Bởi vậy, dù Oliver Tambo lưu vong, dù Nelson Mandela trong tù ngục nhưng tên tuổi của họ luôn được nhắc tới trong niềm tự hào của những người nuôi khát vọng bình quyền.

Dưới chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc, lực lượng đấu tranh cho bình quyền giữa các màu da tại Nam Phi không dễ có được những phương tiện sức mạnh cần thiết cho cuộc đấu tranh. Sức mạnh của họ chỉ là khát vọng về tự do, về bình đẳng và có lẽ chỉ có vậy mà thôi.

Vậy nhưng cuộc đấu tranh của họ vẫn tới ngày thắng lợi, bởi lẽ những con người ấy có một thứ sức mạnh gần như tuyệt đối. Đó là khát vọng của họ đã trở thành niềm tự hào, niềm tin của bản thân họ.

Hình ảnh tiêu biểu khi niềm tự hào chuyển thành nỗi thất vọng tại Nam Phi. Ảnh: AP.
Hình ảnh tiêu biểu khi niềm tự hào chuyển thành nỗi thất vọng tại Nam Phi. Ảnh: AP.

Và cuộc cách mạng của nhân dân Nam Phi đã thành công với việc cấm dứt sự tồn tại của chế độ apartheid và đẩy những ác mộng mà nó gây ra lùi dần vào dĩ vãng.

Thực ra, không chỉ tại Nam Phi mà hầu hết các cuộc đổi thay xã hội trong lịch sử nhân loại, dù diễn ra ôn hoà hay bằng bạo lực cách mạng, thì sức mạnh của lực lượng làm cách mạng luôn là khát vọng được kết tinh thành niềm tự hào trong từng cá nhân tham gia vào sự nghiệp toàn dân ấy.

Khi thành quả của một cuộc cách mạng hay một cuộc đổi thay xã hội không mang lại lợi ích cho những người tham gia và quyết định sự đổi thay ấy thì niềm tự hào sẽ nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng.

Và khát vọng kết tinh thành niềm tự hào tạo nên sức mạnh lớn đến đâu, thì khi niềm tự hào trở thành nỗi thất vọng, tác động của nó lớn đến đó. Nếu như khát vọng gắn liền với dựng xây thì thất vọng sẽ gắn liền với tàn phá.

"Khi lãnh đạo của chúng tôi lên nắm quyền, chúng tôi tin rằng mọi điều sẽ tốt hơn. Nhưng đến nay người nghèo vẫn nghèo và người giàu thì trở nên giàu có hơn", ông Johanna Nomvete, một nghị sĩ Quốc hội là đảng viên ANC đã phát biểu như vậy tại một cuộc biểu tình ở Johannesburg, theo tường thuật của Bloomberg.

Nếu chính quyền của ANC không có những hành động để sớm ngăn chặn sự đổi thay trong tâm trạng của người dân Nam Phi, đặc biệt là người dân da đen thì họ sẽ phải đối mặt với những kết cục không mong muốn.

Theo cá nhân người viết, với tình hiện nay của đất nước thì chính quyền ANC sẽ phải đối mặt với hai động thái mà người dân Nam Phi thể hiện khi niềm tự hào của họ trong đấu tranh cách mạng biến thành nỗi thất vọng trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ nhất, người dân Nam Phi sẽ có thể biến chính quyền của ANC thành lực lượng nắm “quyền không lực” và đương nhiên tất cả những chính sách, kế hoạch và hành động của chính quyền sẽ không thể được thực hiện thành công.

Hủ bại tất dẫn tới thất bại ảnh 5

Gene lãnh đạo thoái hóa

(GDVN) - Không phải cứ “hổ phụ” là chắc chắn sẽ sinh “hổ tử”. Vì vậy nếu INC tiếp tục lấy "truyền ngôi, nối dõi" làm phương châm lựa chọn lãnh đạo đảng là một sai lầm.

Thậm chí người dân Nam Phi có thể khiến những chủ trương, chính sách của chính quyền ANC phản tác dụng, gây nguy hại ngay cho chính quyền, làm lung lay ý chí của lực lượng cầm quyền.

Thứ hai, người dân Nam Phi sẽ thực hiện việc chuyển giao quyền lực cho một lực lượng khác mà họ có niềm tin và hy vọng là sẽ đảm bảo quyền lợi cho họ, khi đó “bóng ma” thất bại của INC tại Ấn Độ trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2014 sẽ hiện về.

Và đến lúc đó thỉ cái “bóng ma” ấy không chỉ còn là nỗi ám ảnh với ANC mà có thể kéo ANC rời khỏi vũ đài chính trị qua cơ chế uỷ nhiệm quyền lực nhân dân.

Các cuộc bầu cử tại Nam Phi chưa diễn ra, nhưng nếu ANC và Tổng thống Zuma không có những phương cách hữu hiệu đưa đất nước Nam Phi ra khỏi bế tắc, nâng cao mức sống cho người dân Nam Phi –hiện thực hoá lý tưởng của cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng - thì cả quyền và lực sẽ sớm rời xa họ.

Ngọc Việt