Ian Storey: TQ là trùm ngoại giao bắt nạt, đánh lạc hướng ở Biển Đông

04/10/2013 07:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Tình hình Biển Đông sẽ được thảo luận thường xuyên khi các nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương gặp nhau, nhưng họ sẽ không thể tìm thấy sự nổi bật của nó tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á tuần tới ở Brunei bởi vì Bắc Kinh đã thực hiện một công việc bậc thầy của chiến thuật ngoại giao bắt nạt và đánh lạc hướng đối với ASEAN.
Học giả Singapore, Ian Storey.
Học giả Singapore, Ian Storey.
Học giả Singapore Ian Storey ngày 3/10 có bài phân tích trên Nhật báo Phố Wall nhận xét, Bắc Kinh đã nhiều lần cố tình ngăn chặn "các hành động có ý nghĩa" trong tranh chấp Biển Đông.
Tình hình Biển Đông sẽ được thảo luận thường xuyên khi các nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương gặp nhau, nhưng họ sẽ không thể tìm thấy sự nổi bật của nó tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á tuần tới ở Brunei bởi vì Bắc Kinh đã thực hiện một công việc bậc thầy của chiến thuật ngoại giao bắt nạt và đánh lạc hướng đối với ASEAN. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền hồi cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã tự đặt ra các luật chơi trên Biển Đông: Trong khi họ vẫn nói là cam kết sẽ "phát triển hòa bình" nhưng sẽ không bao giờ thỏa hiệp đối với cái gọi là "lợi ích cốt lõi", trong đó bao gồm Biển Đông mà Trung Quốc đòi yêu sách chủ quyền phi lý với 85% diện tích và tuyên bố sẽ "xử lý kiên quyết những đối tượng nào vi phạm". Bắc Kinh không chỉ nói mà đã làm, điển hình là việc sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, Bắc Kinh đã giận dữ từ chối tham gia với lập luận...UNCLOS không đủ thẩm quyền để xử lý tranh chấp, một cách đánh tráo khái niệm nhằm né tránh trách nhiệm pháp lý đối với một công ước quốc tế mà Bắc Kinh đã phê  chuẩn và trở thành thành viên. Tháng Sáu vừa qua, Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc tiết lộ những ưu tiên của chính sách đối ngoại nước này đã nói rằng vấn đề Biển Đông chỉ có thể giải quyết bằng cách "tôn trọng sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế" nhằm dựa vào những quan điểm lịch sử, chứng cứ lịch sử mơ hồ, ngụy tạo vô căn cứ để đòi yêu sách vô lý ở Biển Đông. Các nước trong khu vực đã vô cùng lo ngại trước sự nhấn mạnh của Bắc Kinh về cái gọi là "sự kiện lịch sử", đồng thời âm thầm hoan nghênh vụ kiện của Philippines với hy vọng vấn đề sẽ được làm rõ. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, vụ kiện vẫn đang diễn ra. Kể từ khi Philippines khởi kiện Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm mọi cách trừng phạt Manila bằng cách đẩy mạnh hoạt động tuần tra bất hợp pháp trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển Philippines và quấy rối tàu thuyền nước này. Thậm chí Bắc Kinh còn hủy lời mời Tổng thống Philippines dự triển lãm Trung Quốc - ASEAN tại Nam Ninh mặc dù Manila là khách mời danh dự. Các hàng hóa nông sản của Philippines cũng bị giới chức Trung Quốc làm khó dễ khi tiếp cận thị trường này. Thực hiện phương châm "không thỏa hiệp" cái gọi là lợi ích cốt lõi ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây đã tiến hành cú đánh lạc hướng ngoại giao ASEAN với chiêu bài "tham vấn COC" nhưng lại nói rằng vẫn còn "quá sớm" để đi đến đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông này, bất chấp những nguy cơ bất ổn, thậm chí là xung đột nổ ra trên tuyến hàng hải trọng yếu hàng đầu của thế giới. Cuộc họp "tham vấn COC" 2 ngày ở Tô Châu vừa qua được giới truyền thông Trung Quốc ca ngợi như một bước đột phá quan trọng mặc dù thực tế Bắc Kinh đang cố tình làm chậm, trì hoãn tiến trình đàm phán, ký kết COC bất chấp kêu gọi của ASEAN và cộng đồng quốc tế về việc sớm kết thúc đàm phán bộ quy tắc này. Do đó Trung Quốc đã cho thấy rằng các cuộc đàm phán COC với ASEAN sẽ còn kéo dài và chỉ chăm chăm vào quá trình chứ không phải theo đuổi kết quả. Theo học giả Ian Storey, một hoặc 2 năm tới kể từ bây giờ nhắc đến COC chỉ là những mỹ từ của Trung Quốc chứ chẳng có nội dung cụ thể nào có thể đạt được.

Hồng Thủy