Lái xe bus tại Syria: Một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới

04/02/2015 15:16
Nguyễn Hường
(GDVN) - Một số tài xế xe bus chỉ đơn giản đã lái xe đi và không bao giờ trở lại như biến mất. Người ta tin rằng họ đã bị bắt cóc hoặc bị giết.

Theo Telegraph ngày 3/2, lái xe bus ở Syria có thể được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới.

Tại Syria, mặc dù chiến tranh tàn phá nhưng giao thông hầu như vẫn thông suốt. Mọi người đều có thể mua được vé xe bus đi tới mọi nơi, thậm chí là Aleppo hoặc Raqqa, hai khu vực giao tranh ác liệt nhất.

Một chiếc xe bus được trang trí khá sặc sỡ tại Syria.
Một chiếc xe bus được trang trí khá sặc sỡ tại Syria.

Mặc dù phải di chuyển qua các khu vực đụng độ vũ trang, bắt cóc, nhưng những tuyến xe bus không hề bị gián đoạn. Theo lời kể của một lái xe bus tên là Mohammed, cứ vài ngày anh lại có một chuyến đi từ Beirut ở Li-băng tới Aleppo của Syria. Hành trình này đi qua rất nhiều khu vực xung đột, hỗn loạn và mất kiểm soát.

Phần lớn nhà cửa trên đường đi đã bị phá hủy, nhưng nhiều người vẫn muốn về thăm gia đình hay phần tài sản còn lại của họ. Kể về những nguy hiểm của các chuyến xe chở khách, Mohammed đã cho phóng viên Telegraph xem những vết sẹo trên mắt, cánh tay của mình do những mảnh đạn gây ra.

Tuyến đường nguy hiểm từ Beirut tới Aleppo và từ Beirut tới Raqqa.
Tuyến đường nguy hiểm từ Beirut tới Aleppo và từ Beirut tới Raqqa.

Hành trình của Mohammed đã được cải thiện gần đây sau khi chính phủ cho phép xe bus công cộng đi qua con đường quân sự ở tỉnh Latakia. Điều này giúp họ có thể tránh được một số khu vực do các nhóm chiến binh nổi dậy khác kiểm soát.

Tuy nhiên, những chiếc xe bus vẫn là con mồi của lực lượng nổi dậy để cướp bóc hoặc nguy cơ rơi vào ổ phục kích. "Mối nguy hiểm ở cả hai phía. Nếu quân đội Syria dừng xe bus và thấy người nào mà họ nghĩ là đáng ngờ, sau đó họ sẽ đưa người đó đi. Các nhóm vũ trang phía kia cũng làm như vậy", một lái xe khác tên là Abed cho biết.

Đó là lý do khiến các lái xe bus không dám bán vé cho những người đàn ông sinh ra sau năm 1985, còn phụ nữ phải có một lý do rõ ràng và có nam giới hộ tống cũng mới được mua vé rời Raqqa.

Một chiếc xe bus bị đánh bom tại Damascus.
Một chiếc xe bus bị đánh bom tại Damascus.

Những hành khách rời Raqqa chủ yếu là các gia đình có con nhỏ hoặc người già muốn chạy trốn chiến tranh. Abed và Mohammed cho biết, họ có hai đồng nghiệp đã chết trong chiến tranh. Một số tài xế xe bus chỉ đơn giản đã lái xe đi và không bao giờ trở lại như biến mất. Người ta tin rằng họ đã bị bắt cóc hoặc bị giết. Một số khác chết vì bom hoặc tên lửa.

Mặc dù công việc đầy nguy hiểm, nhưng Mohammed Abed đều không thể từ bỏ nó. "Nếu tôi không làm việc này thì không biết làm cách nào để nuôi sống gia đình mình. Đó là một công việc nguy hiểm, nhưng là sự lựa chọn duy nhất của tôi", anh nói./.

Nguyễn Hường