Lãnh đạo EU không dự duyệt binh tránh cổ súy Trung Quốc bành trướng quân sự

04/07/2015 07:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Vấn đề đặt ra là sự kiện này thúc đẩy hòa bình, hòa giải hay chỉ tiếp tục khuấy động sự bất bình, một tham chiếu đến căng thẳng...
Đội danh dự quân đội Trung Quốc diễu duyệt trong lễ đón vua Bỉ. Ảnh: AP.
Đội danh dự quân đội Trung Quốc diễu duyệt trong lễ đón vua Bỉ. Ảnh: AP.

Hãng thông tấn AP ngày 3/7 đưa tin, các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu có thể sẽ không tham dự một cuộc duyệt binh ở Thiên An Môn ngày 3/9 tới, đánh dấu ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới II ở châu Á. Đại sứ EU tại Bắc Kinh cho biết điều này trong bối cảnh lo lắng sự phô diễn sức mạnh cơ bắp của Trung Quốc trong một khu vực đầy căng thẳng.

Hans Dietmar Schweisgut nói với báo giới, vấn đề đặt ra là sự kiện này thúc đẩy hòa bình, hòa giải hay chỉ tiếp tục khuấy động sự bất bình, một tham chiếu đến căng thẳng Trung - Nhật xung quanh vấn đề lịch sử chiến tranh cũng như yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) mà Bắc Kinh tuyên bố ở Biển Đông, Hoa Đông.

Cho đến nay mới chỉ có Nga khẳng định sẽ phái lực lượng quân sự tham gia duyệt binh cùng Trung Quốc ngày 3/9. "Bây giờ tôi biết rằng điều này đã được biểu diễn như một cái gì đó đại diện cho cam kết đối với hòa bình. Nhưng tôi nghĩ rằng người ta (Trung Quốc) phải hiểu là luôn luôn có một sự rất khó chịu đối với các cuộc diễu hành quân sự", Schweisgut nói với báo giới.

Đại sứ EU tại Trung Quốc nhấn mạnh, không tham dự duyệt binh không có nghĩa là EU không tôn trọng vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh hay sự đau khổ người dân nước này phải hứng chịu trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1937 - 1945.

Các nhà quan sát nói rằng, một số quốc gia phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn giữa việc làm phật lòng Bắc Kinh bằng cách không tham gia, hoặc tham gia sẽ là cổ vũ cho sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Thúc đẩy phát triển hải quân và không quân được xem như động lực của Bắc Kinh thực hiện yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) ở Biển Đông.

Tính nhạy cảm của cuộc duyệt binh còn nằm ở địa điểm tổ chức, quảng trường Thiên An Môn là nơi đã xảy ra cuộc đàn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989. Trung Quốc đang nâng cao chưa từng có vai trò của họ trong Chiến tranh Thế giới thứ II, đây là một phần chiến dịch của ông Tập Cận Bình nhằm khuấy động "lòng yêu nước" và đặt Bắc Kinh vào tốp đầu của ngoại giao quốc tế.

Hồng Thủy