Liên minh chồn - cáo: Thách thức của Putin

18/05/2016 15:33
Ngọc Việt
(GDVN) - Một NATO đã khiến Nga túng quẫn, nay thêm liên minh chồn – cáo, thêm đối trọng mới sẽ khiến Moscow mệt mỏi và tốn kém thêm nhiều.

Sputnik ngày 14/5 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak đã cùng vạch kế hoạch hành động chung để tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.

Hai nước này sẽ triển khai hợp tác về kỹ thuật quân sự, hậu cần, đào tạo nhân sự, phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng và tăng cường phối hợp hành động tại Biển Đen. Những văn kiện hợp tác thực hiện thỏa thuận này sẽ được ký kết chính thức tại cuộc họp tiếp theo. 

Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác quân sự quan trọng, như hồi tháng 3/2016 hai nước tổ chức tập trận chung tại biển Marmara.

Tháng 4/2016 hai nước tập trận hải quân chung tại Biển Đen với sự tham gia của tàu khu trục nhỏ Hetman Sahaidachny của Hải quân Ukraine, tàu khu trục và tàu hộ tống của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là Salihreis và Bartyn. 

Sputnik ngày 16/5 lại đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và Azerbaijan sẽ tiến hành tập trận chung để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang Azerbaijan.

Đồng thời cuộc tập trận cũng là để tiến hành hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh mạng và bảo vệ đường ống dẫn dầu khí, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Gasanov sau cuộc gặp với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia ở Gabala, miền bắc Azerbaijan.

Tổng thống Ulraine Porosenko và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan - hai mắt xích quan trọng trong liên minh chồn –cáo. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Ulraine Porosenko và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan - hai mắt xích quan trọng trong liên minh chồn –cáo. Ảnh: Reuters.

Nga và NATO đang leo thang căng thẳng, sự hợp tác giữa Ukraine - quốc gia từng là sân sau của Moscow và Thổ Nhĩ Kỳ - nước đang có nhiều bất đồng với Nga khi hậu thuẫn cho các đồng minh phương Tây trên chiến trường Syria đã khiến Kremli lo ngại.

Nay lại thêm Gruzia vốn từng thất bại trong cuộc chiến năm 2008 với Nga và Azerbaijan đối thủ chính trong cuộc xung đột Nagorno – Karabakh, buộc Nga phải có đối sách phù hợp ở tầm chiến lược.

Người viết cho rằng, một bàn cờ mới đang được bày ra với những quân cờ đang có xung đột lợi ích với Nga, hoặc ít nhất là không có thiện cảm với Nga. Moscow không thể đối phó với bàn cờ này theo các đối sách ở tầm sách lược nhằm phục vụ cho chiến lược đối ngoại của Nga như trước đây được nữa.

Bàn cờ này đã toàn là chồn với cáo, chứ không còn là nai hay thỏ để Kremlin có thể sử dụng cho mục đích của mình.

Khai thác lợi ích trong việc chia lửa với Mỹ và NATO trong cuộc xung đột với Nga

Liên minh chồn – cáo sẽ có lợi ích gì và khai thác được lợi ích gì từ thế và lực của mình, ngoài tác động của quy luật cộng sinh và cộng hưởng? Triệt hạ Nga hay làm thiệt hại cho Nga chắc chắn là mục tiêu của liên minh này, vì cà chồn và cáo đều gần như không đội trời chung với Nga .

Có nghĩa là Kremlin đang là kẻ thù chung mà liên minh chồn – cáo hướng tới. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ và chắc chắn cáo và chồn sẽ tìm lợi ích cho mình từ cái bàn cờ mới này của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có sân chơi mới để tiếp tục dằn mặt những người anh em trong NATO nếu như mặt trận Syria im tiếng súng và Washington lập hàng rào tại biên giới Iraq. Sự bù đắp cho những thiệt thòi trong cuộc chiến với Nga sau “sự kiện 17 giây” có thể chấm hết với Thổ Nhĩ Kỳ nếu như nước cờ tàn Syria kết thúc.

Tuy nhiên, như vậy thì Ankara quá thua thiệt vì lệnh trừng phạt của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ có thể kéo dài theo cấm vận của phương Tây đối với Nga. Và khi liên minh với những chú chồn thì "cáo Ankara" có thể tiếp tục làm gió làm mưa để giảm thiệt thòi và nâng vị thế.

Liên minh chồn - cáo: Thách thức của Putin ảnh 2

Obama "rửa mặt" cho Putin

(GDVN) - Aegis đến với Putin rất kịp lúc, nó khiến cho ông nhen nhóm lại cơ hội cho nước Nga và cho bản thân ông. Lá chắn Aegis giúp Putin không cần phải thanh minh.

Mặt khác, Erdogan có thể thực hiện ván cờ mới trên chính trường nước này mà không sợ Washington nhúng tay vào gây áp lực. Ngược lại, Mỹ và NATO có thể yên lòng với việc giải quyết tình hình Syria mà không phải lo tính đến quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ và có thể chặn đứng việc Ankara có thể buôn bán với IS trên chợ đen.

Mỹ và đồng minh cũng bớt được nỗi lo về tính khí bốc đồng của Erdogan với những đồng minh mới trong nội các của ông ta có thể phá hoại chính sách chia để trị của Washington tại Iraq, nếu cường độ xua quân sang Iraq đánh đuổi PKK tăng lên tuỳ hứng.

Đặc biệt, quân cờ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục gây hại cho Nga, dù có thể cuộc chiến Syria kết thúc. Chỉ cần Washington làm ngơ hay tạo điều kiện cho liên minh chồn – cáo thể hiện sức mạnh là Moscow sẽ phải đối phó rất mệt.

Với Ukaraine, có thể nói rằng Kiev thất vọng về Mỹ và đồng minh không kém gì Mỹ và đồng mình thất vọng ở Kiev. Có thể thấy rằng Kiev đã đánh đổi tất cả những gì có thể để hy vọng vào sự giúp đỡ và che chở của phương Tây.

Nhưng kết quả là gì? Đất mất, biên giới quốc gia bị thu hẹp, xung đột xã hội rồi nội chiến bùng nổ với máu chảy đầu rơi, mà nguyên nhân không thể phủ nhận chính là chia rẽ, mâu thuẫn xã hội do “củ cà rốt” mà phương Tây trưng ra.

Có thể thấy rằng, lệnh cấm vận Nga sau sự kiện Crimea là phương Tây trừng phạt Nga vì quyền lợi của họ chứ không phải vì Ukraine. Kiev không hề được hưởng một chút lợi ích nào từ lệnh cấm vận mà Mỹ và phương Tây áp đặt với Moscow.

Thậm chí ngược lại Ukraine còn chịu nhiều thiệt hại, mà cụ thể nhất là vấn đề giá khí đốt và khoản tín dụng mà Nga cam kết với chính quyền của Viktor Yanukovych bị đình lại. 

Ukraine kiệt quệ nhưng Mỹ và phương Tây chỉ rót nước lã cho Kiev cầm hơi. Trong khi đó mối đe doạ từ Nga luôn là nội ám ảnh Kiev, nhưng Mỹ và đồng minh chưa hề có hành động cụ thể mà chủ yếu là lên án và xiết cấm vận với Nga – những hành động mà Kiev hầu hết phải nhận lãnh hậu quả.

Kiev đã trả giá vì ảo tưởng vào sự hào phóng của những người bạn phương xa. Bởi vậy nên Ukraine tham gia vào liên minh chồn – cáo thiết thực hơn cho quyền lợi và sự an nguy của tổ quốc mình.

Tuy nhiên, khi Kiev bắt tay cùng Ankara thì rõ ràng Washington và đồng minh không những nhẹ gánh với cục nợ này mà còn có lợi. Bởi sự vùng vẫy của Ukraine trong một ván cờ mới như một sự thách thức với Nga và đồng thời là sự chia lửa với Mỹ và NATO.

Washington và đồng minh không phải mệt mỏi vì với Kiev, còn Nga thì vẫn mệt mỏi với người anh em láng giềng nhưng không thể thân thiện này. 

Với Gruzia là một sự bẽ bàng không kém. Vì hứa hẹn được vào NATO mà Mikheil Saakashvili đã đi một nước cờ quá sai lầm để phải nhận lãnh hậu quả là mất Nam Ossetia và Abkhazia trong cuộc chiến với Nga năm 2008.

Liên minh chồn - cáo: Thách thức của Putin ảnh 3

Erdogan chơi dao sắc có ngày đứt tay

(GDVN) - Erdogan đang đánh cược số phận của người dân và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vào những toan tính chính trị của mình, bởi lẽ khi đối tác và đối thủ có những đổi thay...

Lời hứa thì vẫn cứ là lời hứa, còn hậu quả thì tự mình gánh lấy mà trực tiếp là sự chèn ép, đe doạ của Nga. Saakashvili đã là người Ukraine và vị thế của Gruzia trong con mắt của phương Tây có lẽ cũng chẳng khác Ukraine là bao, dù Mỹ và Gruzia có vừa tập trận chung với nhau đi chăng nữa.

Vì vậy, khi bắt tay với Ankara trong liên minh chồn – cáo, Tbilisi sẽ thấy vị thế của mình không còn bé nhỏ nữa và có thể có được những người anh em lúc “tắt lửa tối đèn”.

Sự đơn độc trong cuộc chiến với Nga năm 2008 đã cho thấy Gruzia cần đến mức nào những đồng minh chiến lược và những người anh em vốn “gần nhà xa ngõ” là thiết thực nhất. Thế là Baku và Ankara đã trở nên thân thiện ngay từ ý tưởng chiến lược của Tbilisi. 

Chắc chắn Mỹ và đồng minh phải rất biết ơn Erdogan trong việc giải quyết vị thế và vai trò của Gruzia, bởi lẽ Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO nên Gruzia vẫn có quyền lợi gắn liền với NATO. Mà quan trọng hơn là Gruzia vẫn chịu sự kiểm toả của NATO.

Trong khi Ankara có địa bàn hoạt động mới thì sẽ giảm tải ở những địa bàn mà hành động của Erdogan có thể làm hại cho Mỹ và đồng minh. Đúng là “nhất cử lưỡng tiện” với NATO trong việc Ankara bắt tay Tbilisi.

Còn với Azerbaijan thì chưa thể và không thể làm đối tượng để Mỹ và đồng minh xem xét xây dựng mối quan hện chiến lược, để qua đó nâng tầm cho Baku. Lý do một phần là vì lợi ích không lớn, một phần có thể làm phật lòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi lẽ từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã xem Azerbaijan là nơi Ankara thể hiện ảnh hưởng với Moscow. Vì vậy việc tạo điều kiện cho Ankara liên minh chặt chẽ với Baku cũng tiện lợi không thua gì việc Ankara bắt tay Tbiliasi.       

Những thách thức và thiệt hại đối với nước Nga

Có thể thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hoá cáo. Ankara đã thực sự trở nên nguy hiểm, nhất là khi Davutoglu đã rời khỏi liên minh để cho một mình Erdogan tung hoành ngang dọc.

Điều đó giúp Gruzia và Ukraine đã tìm ra đối tác có thể giúp tự rửa hận cho mình chứ không cần trông chờ vào những người bạn ở phương trời xa thẳm nữa. Còn Azerbaijan có thể điều đình với Nga theo hướng đáp tứng tối đa những gì họ muốn.

Chiến hạm hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen thách thức cả Nga và NATO. Ảnh: Sputnik.
Chiến hạm hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen thách thức cả Nga và NATO. Ảnh: Sputnik.

Liên minh chồn – cáo có thể không là bệ phóng hiện thực hoá cho ước vọng của Gruzia và Ukraine bước vào ngôi nhà chung NATO vì nó chưa đủ quan trọng cho NATO xem xét điều ấy.

Vì vậy, NATO sẽ mất nhiều hơn được khi cho 2 anh nhà nghèo thiếu lực này làm thành viên của liên minh quân sự hùng mạnh. Mặt khác, chiến lược “phòng và thủ” mà Mỹ và NATO đang triển khai có thể hữu hiệu hơn là kết nạp thêm thành viên chỉ “thêm đũa thêm bát”.

Cho dù sự ra đời liên minh chồn – cáo không làm thay đổi cán cân lực lượng giữa Nga và NATO trong cuộc đối đầu hiện nay nhưng nó lại có tác động, có ảnh hưởng tới cả hai phía.

Nếu Mỹ và NATO có thể nhẹ gánh mà vẫn không mất đi sự kiểm soát, kiềm toả đối với đồng minh chiến lược và đồng minh tiềm năng của mình, thì Nga có thể phải trả giá bởi những thiệt hại gây ra bởi liên minh chồn – cáo, cả về kinh tế và chính trị đối với nước Nga.

Moscow đang phải tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang không mong muốn với NATO vì khó khăn do giá dần sụt giảm và tác hại do lệnh cấm vận của phương Tây.

Dù có thể tương kế tựu kế để khai thác tốt nhất lợi ích của hệ thống lá chắn phòng thủ mới của NATO thì cũng không thể phủ nhận rằng, kinh tế của nước Nga sẽ lại phải dành một khoản lớn vào việc tìm cách đối phó với cái hệ thống “phòng hơn thủ” này của Obama và các đồng minh.

Dù Moscow vẫn phải đối phó và đương đầu với những thách thức từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Gruzia, thậm chí cả Azerbaijan nữa, nhưng đó là những đối thủ riêng rẽ và Nga có thể vô hiệu hoá hoặc làm giảm tác hại từ hành động của từng đối thủ một, như đã thấy trong cách Nga hành xử với Gruzia.

Tuy nhiên, khi có sự liên minh giữa các đối thủ thì Nga không thể sự dụng những tiểu xảo, thủ thuật đơn giản được nữa.

Một bàn cờ mới – một mặt trận mới đòi hỏi những chiến lược, chiến thuật thậm chí là cả lực lượng mới. Điều đó khiến cho chi phí quân sự của Nga không thể không làm nặng thêm ngân sách của nước Nga trong thời buổi ngặt nghèo này.

Một NATO đã khiến Nga túng quẫn, nay thêm liên minh chồn – cáo, thêm đối trọng mới sẽ khiến Moscow mệt mỏi và tốn kém thêm nhiều.

Liên minh chồn - cáo: Thách thức của Putin ảnh 5

Ván cờ mới của Putin

(GDVN) - Thay đổi nhân sự của Tổng thống Putin lần này, đặc biệt là bổ nhiệm trở lại cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin là một ván cờ hay, dù có phần mạo hiểm.

Đặc biệt, khó khăn và nguy hiểm sẽ khiến cho Nga mất thế trong các quan hệ kinh tế, hợp tác quốc tế, qua đó mất đi lợi ích của mình. Cụ thể nhất là với Trung Quốc.

Như vậy, liên minh chồn – cáo sẽ cộng hưởng cùng với NATO trong việc gây tác hại cho kinh tế của Nga ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ là tăng chi phí cho an ninh - quốc phòng của nước Nga khi có kẻ thù mới.

Mặt khác, bàn cờ mới sát nách nước Nga do liên minh chồn – cáo bày ra có thể làm ảnh hưởng đến ổn định chính trị của nước Nga, nhất là vấn đề sắc tộc. Cả Ukraine, Gruzia, đặc biệt là Azerbaijan đều có liên quan tới Nga trong vấn đề sắc tộc.

Từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền đến nay, vấn đề ổn định của nước Nga luôn được xem là thành quả của ông mà quan trọng nhất là giải quyết dứt điểm vấn đề xung đột tại Chechnya.

Tuy nhiên, Ankara có thể thổi bùng ngọn lửa tại Nagorno – Karabakh, khiến Nga phải nhượng bộ trong vấn đề này. Khi có thiên vị giữa Azerbaijan và Armenia thì có nghĩa là hiểm hoạ đe doạ sự thống nhất của nước Nga đã manh nha và có thể bùng phát.

Với tình hình khó khăn hiện nay, những mâu thuẫn sắc tộc có thể hình thành sẽ là cực kỳ nguy hiểm cho chính quyền của Tổng thống Putin với nguy cơ bất ổn xã hội.

Tóm lại, những cảnh báo từ sự ra đời liên minh chồn – cáo ngay tại sát nách nước Nga là sự nguy hiểm của một bàn cờ chính trị mới, nó có thể khiến cho Kremlin phải điều chỉnh chiến lược ngoại giao quốc tế của mình.

Những thách thức này không hề nhỏ với Tổng thống Putin và công sự của ông bởi nó không chỉ đe doạ an ninh của nước Nga, mà nó còn có thể gây bất ổn cho nước Nga – điều nguy hại nhất mà nước Nga luôn phải tránh.

Ngọc Việt