Liệu ông Kim Jong-un có trở thành một "Đặng Tiểu Bình" phiên bản Triều Tiên?

29/03/2018 08:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu nhà lãnh đạo này nhận thấy có vũ khí hạt nhân cũng chẳng giúp được Triều Tiên thoát khỏi các khó khăn về kinh tế, ông ấy có thể lựa chọn từ bỏ.

Hàn - Triều gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh 2 miền bán đảo

Yonhap News ngày 29/3 đưa tin, Hàn Quốc và Triều Tiên dự kiến sẽ tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao vào hôm nay để bàn bạc chi tiết các việc cần chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh 2 miền sẽ diễn ra vào cuối tháng Tư này.

Các quan chức hai miền bán đảo sẽ gặp nhau lúc 10 giờ sáng nay tại tòa nhà Tongilgak ở phía Bắc Bàn Môn Điếm để thảo luận về ngày giờ, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon là trưởng phái đoàn miền Nam, ông cho biết: "Chúng tôi sẽ liên hệ chặt chẽ với miền Bắc để đảm bảo hội nghị thượng đỉnh thành công."

Hai miền bán đảo Triều Tiên gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, ảnh: Yonhap.
Hai miền bán đảo Triều Tiên gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, ảnh: Yonhap.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có một chuyến viếng thăm bí mật, bất ngờ đến Trung Quốc tuần này, trước khi gặp Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ.

Chuyến đi của ông đến Bắc Kinh được xem như tìm kiếm các đòn bẩy thương lượng có giá trị hơn cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra vào tháng Năm này. [1]

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói với các phóng viên, Mỹ coi chuyến đi của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình là "dấu hiệu tốt" cho thấy chiến dịch gây áp lực tối đa của Washington vẫn đang hiệu quả.

"Chúng tôi lạc quan và cảm thấy mọi thứ đang đi đúng hướng", bà Sarah Sanders cho biết, "hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là sự kiện có tầm quan trọng toàn cầu và chúng tôi muốn đảm bảo rằng nó được thực hiện càng sớm càng tốt, nhưng phải thực hiện đúng."

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải đã đến Nhà Trắng giới thiệu với các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Triều, những nội dung này đã được báo cáo Tổng thống Donald Trump. [2]

Liệu ông Kim Jong-un có trở thành một "Đặng Tiểu Bình" phiên bản Triều Tiên? ảnh 2

Kim Jong-un đặt mình "ngang tầm" Tập Cận Bình, Trung Nam Hải tương kế tựu kế

Ông chủ Nhà Trắng cũng tỏ ra lạc quan về cuộc đàm phán giữa ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Donald Trump viết trên Twitter sáng thứ Tư rằng:

"Trong nhiều năm và trải qua nhiều nội các, mọi người đều nói rằng hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên rất mong manh.

Bây giờ đang có cơ hội rất tốt để ông Kim Jong-un làm những điều đúng đắn cho người dân của ông ấy và cho nhân loại. Rất mong chờ cuộc gặp giữa hai chúng tôi!" [3]

Thượng đỉnh Mỹ - Triều và khả năng cải cách toàn diện ở Triều Tiên

Harry J. Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Hoa Kỳ), được South China Morning Post dẫn lời, nhận định:

Kể từ khi chính quyền Donald Trump yêu cầu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên phải là xuất phát điểm của các cuộc đàm phán, ông Kim Jong-un có thể cảm nhận thấy vai trò của Tập Cận Bình, nếu Bình Nhưỡng muốn giảm các chế tài trừng phạt, hoặc nhận được các kết quả xứng đáng cho cuộc đàm phán này.

Lần đầu xuất ngoại công du, Kim Jong-un vẫn chưa nói gì về những điều ông sẽ nhượng bộ, hoặc những gì ông yêu cầu Hoa Kỳ phải đáp ứng.

Nhà nghiên cứu Triều Tiên người Trung Quốc, ông Kim Cường Nhất từ Đại học Diên Biên nói với Đa Chiều:

Ông Kim Jong-un thăm Bắc Kinh có thể làm giảm căng thẳng bán đảo Triều Tiên, nhưng chưa đủ dấu hiệu để quá lạc quan vì Bình Nhưỡng đang đứng trước những lựa chọn chiến lược.

Vợ chồng ông Kim Jong-un rời Bắc Kinh, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, ảnh: The Australian.
Vợ chồng ông Kim Jong-un rời Bắc Kinh, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, ảnh: The Australian.

Thứ nhất, nếu Kim Jong-un đồng ý hoàn toàn bỏ vũ khí hạt nhân, thì sẽ phải đưa ra nhiều điều kiện tiên quyết từ kinh tế, an ninh cho đến hiệp ước hòa bình.

Nếu nhà lãnh đạo này nhận thấy có vũ khí hạt nhân cũng chẳng giúp được Triều Tiên thoát khỏi các khó khăn về kinh tế, ông ấy có thể lựa chọn từ bỏ.

Đương nhiên đây sẽ là lựa chọn tốt đẹp nhất với bán đảo Triều Tiên.

Thứ hai, nếu ông Kim Jong-un không thực sự có ý từ bỏ vũ khí hạt nhân mà chỉ tìm cách đàm phán câu giờ, vấn đề căn bản không được giải quyết thì lúc đó Mỹ cũng chẳng có kế sách gì hiệu quả. [4]

Tuy nhiên, theo The New York Times ngày 28/2, Cố vấn An ninh quốc gia mới của ông Donald Trump, John R. Bolton tỏ ra rất ít kiên nhẫn với các cuộc đàm phán câu giờ.

Nếu các cuộc đàm phán không mang lại đột phá, tất cả sẽ khiến ông Donald Trump khó chịu. Tổng thống Mỹ từng cảnh báo ngay từ đầu, nếu thấy đàm phán không đi đến đâu, ông sẽ lập tức bỏ ra về. [5]

Vẫn còn một khả năng nữa, tuy không lớn nhưng cũng không thể loại trừ, đó là khả năng cải cách toàn diện ở Bắc Triều Tiên sau thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Ông Kim Cường Nhất cho rằng, quyền lực trong nước của ông Kim Jong-un đã được củng cố, địa vị của ông đã được xác định và hiện tại ông bắt đầu có các hoạt động ngoại giao tích cực.

Trong bối cảnh đó, rất có thể Triều Tiên sẽ bắt đầu một cuộc cải cách mở cửa theo phong cách của Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc.

Sở dĩ đàm phán thượng đỉnh hai miền bán đảo và thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể tiến hành suôn sẻ là bởi ông Kim Jong-un tự tin vào tính ổn định của vị thế, vai trò của mình ở trong nước.

So với người cha quá cố, ông Kim Jong-un có xu hướng cải cách rõ nét. Mà muốn cải cách kinh tế, trước hết phải bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng dù sao khả năng này vẫn phải quan sát thêm. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://english.yonhapnews.co.kr/news/2018/03/28/0200000000AEN20180328009151315.html

[2]http://www.scmp.com/news/asia/article/2139378/white-house-has-hailed-kim-jong-uns-beijing-visit-what-are-chinas

[3]https://twitter.com/realDonaldTrump/status/978936058795757568

[4]http://news.dwnews.com/china/news/2018-03-28/60048646.html

[5]https://www.nytimes.com/2018/03/28/world/asia/china-kim-north-korea-visit.html

Hồng Thủy