Lo sợ Iraq sụp đổ, Mỹ và Iran bắt tay ủng hộ Thủ tướng mới

13/08/2014 14:32
Nguyễn Hường
(GDVN) - Abadi được chọn trong nhiều ứng cử viên vì ông được mô tả là người mạnh mẽ, được tất cả các bên yêu mến, có quyết tâm và kinh nghiệm, ít tham vọng quyền lực.

Áp lực từ chức đối với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã trở nên không thể chịu nổi. Người Sunni, người Kurd và cả chính người Shiite, môi giới quyền lực Iran và Mỹ đều muốn ông ra đi.

Tuy nhiên, trong tính toán của mình, Maliki tin rằng ông vẫn có cơ hội để nắm giữ quyền lực thêm 8 năm nữa. 

Reuters dẫn lời một tướng quân sự Iraq và nguồn tin thân cận với Giáo sĩ cho biết, ông Maliki đang tìm cách thuyết phục giáo sĩ có ảnh hưởng nhất Iraq chỉ ra rằng chỉ có ông mới có thể cải cách và đoàn kết một quốc gia đang rơi vào cuộc chiến với khủng bố được thúc đẩy bởi tình trạng phe phái trong chính phủ.

Tân Thủ tướng Iraq Maliki Haider al-Abadi (trái).
Tân Thủ tướng Iraq Maliki Haider al-Abadi (trái). 

Một tuân trước, ông Maliki đã gửi một phái đoàn của đảng Hồi giáo Dawa của ông tới gặp Giáo sĩ  Ayatollah Ali al-Sistani ở thành phố Najaf, thánh địa linh thiêng của người Hồi giáo dòng Shiite, nằm ở phía nam Baghdad. Tuy nhiên, việc tiếp cận dường như không thành công.

Trong khi ông Maliki đang tìm cách bám trụ, giới chức Iraq, tân Tổng thống Iraq đã đề cử một Thủ tướng mới là Maliki Haider al-Abadi, Phó Chủ tịch Quốc hội, cựu cố vấn của ông Maliki. Abadi được chọn trong nhiều ứng cử viên vì ông được mô tả là người mạnh mẽ, được tất cả các bên yêu mến, có quyết tâm và kinh nghiệm, đồng thời ít tham vọng quyền lực. 

Maliki trở nên cô lập trong chính trường Iraq vì không còn sự ủng hộ của bất kỳ đảng phái nào lẫn các đồng minh ở bên ngoài. Nhưng quyết tâm bám trụ quyền lực của ông đã gây ra mối đe dọa kích động một cuộc xung đột giữa người Shiite trong việc lựa chọn ủng hộ ông hay nhà lãnh đạo mới và tiếp tục chia rẽ đất nước. 

Abadi được bầu chọn dựa trên sự ủng hộ của người Shiite và chấp thuận của Giáo sĩ. Ông cũng được các đảng chính trị thuộc tôn giáo khác chấp nhận như người Kurd, người Sunni ở Iraq và cả sự ủng hộ của phương Tây.

Giống như Mỹ, Iran đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Iraq và sợ hãi trước viễn cảnh bạo lực tràn qua biên giới tấn công quốc gia này. Mặc dù đã có một thời gian dài ủng hộ ông Maliki, nhưng Iran cũng quyết định rằng đã đến lúc phải chia tay nhà lãnh đạo này và tìm kiếm sự thay thế. 

Một quan chức cấp cao Iran cho biết, Washington và Tehran đã thảo luận về những biện pháp có thể cứu Iraq khỏi vòng xoáy bạo lực và chia rẽ và cả hai cùng đồng ý chấp nhận đề cử Abadi là tân Thủ tướng.

"Ông ấy là người Shiite và cảm nhận được sự nhạy cảm của tình hình tại Iraq và sự cần thiết để tạo ra một mặt trận thống nhất. Iran đã đồng ý để thuyết phục các nhóm người Shiite để hỗ trợ Abadi. Một số giáo sĩ Iran có trụ sở tại Najaf đã tham gia và vận động cho ông ta", nguồn tin nói.

Một quan chức Iran cho biết, Lãnh tụ Hồi giáo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã đồng ý ủng hộ Abadi sau cuộc thảo luận dài với một nhóm bảy cố vấn.

Giáo sĩ Iraq Sistanni cùng các cố vấn đã họp và thông qua quyết định bổ nhiệm ông Abadi làm Thủ tướng.

Bây giờ hàng triệu người Iraq, Mỹ, Iran và cường quốc khu vực khác như Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo dõi xem "chìa khóa hy vọng" Abadi sẽ kết thúc các vụ bắt cóc, đánh bom và giết người hàng ngày ở Iraq như thế nào. 

Nguyễn Hường