Lực lượng kiểm soát kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc

05/01/2016 10:52
Hồng Thủy
(GDVN) - Không giống như binh chủng Pháo binh 2 trước đây chỉ nắm tên lửa hạt nhân, Quân chủng Tên lửa Trung Quốc nắm cả bộ ba hạt nhân của Trung Quốc.

Ngày 31/12/2015, Trung Quốc chính thức công bố quyết định thành lập quân chủng thứ 4 sau hải - lục - không quân, đó là Quân chủng Tên lửa trên cơ sở nâng cấp, mở rộng quyền hạn phạm vi của binh chủng Pháo binh 2.

Đáng lưu ý, thay vì chỉ nắm giữ các loại tên lửa bao gồm cả tên lửa hạt nhân, quân chủng mới này sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Ông Ngụy Phượng Hòa, Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Trung Quốc, ảnh: China News.
Ông Ngụy Phượng Hòa, Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Trung Quốc, ảnh: China News.

Ngụy Phượng Hòa, Thượng tướng, Tư lệnh Pháo binh 2 được bổ nhiệm làm Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Tên lửa. Xuất thân từ Binh chủng Pháo binh 2, Ngụy Phượng Hòa có thời gian khá dài phục vụ trong binh chủng này với chức vụ Tham mưu trưởng binh chủng từ 2006 đến 2012, Tư lệnh từ 2012 đến 2015 và nay tiếp quản ghế Tư lệnh Quân chủng Tên lửa  Trung Quốc.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, việc thành lập quân chủng thứ 4 này là một cách sắp xếp hợp lý để Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Quân ủy trung ương có thể kiểm soát trực tiếp các lực lượng vũ trang, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược. Không giống như binh chủng Pháo binh 2 trước đây chỉ nắm tên lửa hạt nhân, Quân chủng Tên lửa Trung Quốc nắm cả bộ ba hạt nhân của Trung Quốc.

Trong buổi lễ trao cờ thành lập quân chủng Thứ Năm tuần trước, ông Tập Cận Bình gọi quân chủng mới này là lực lượng nòng cốt răn đe chiến lược, một cột trụ chiến lược trong sức mạnh quốc gia, một lực lượng quan trọng để giữ gìn an ninh quốc gia.

Ông cũng kêu gọi quân chủng mới duy trì cân bằng chiến lược, cải thiện khả năng tiến hành tấn công chính xác tầm trung và tầm xa.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về tình hình quân sự Trung Quốc năm 2015, trước khi được nâng cấp lên quân chủng, Binh chủng Pháo binh 2 nắm khoảng 50 đến 60 tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong khi Trung Quốc đã tập trung phát triển các loại vũ khí hạt nhân trên biển.

Hồng Thủy