Mã Anh Cửu đề xuất "chia sẻ tài nguyên nghề cá" ở Biển Đông

19/04/2013 12:55
Hồng Thủy (Nguồn: theparliament.com)
(GDVN) - Mã Anh Cửu và Tannock đều xem "chia sẻ nguồn lợi nghề cá" như một cách tiếp cận để giải quyết tranh chấp Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ 1974 - PV).
Mã Anh Cửu
Mã Anh Cửu
Charles Tannock, một Nghị sĩ EU vừa lên tiếng hoan nghênh những nỗ lực của Đài Loan nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề tranh chấp Biển Đông sau "sáng kiến hòa bình cho Biển Hoa Đông" của Mã Anh Cửu. Trong tuần này nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến với đại học Stanford vương quốc Anh cùng  nhiều cựu quan chức, học giả hàng đầu Anh - Mỹ về "sáng kiến hòa bình trên Biển Hoa Đông" và những gợi ý về việc áp dụng mô hình này cho xử lý tranh chấp Biển Đông. Ngày 10/4, Đài Loan và Nhật Bản đã ký hiệp định nghề cá, theo đó các tàu cá Đài Loan được phép đánh bắt tại vùng biển phụ cận Senkaku (trừ khu vực 12 hải lý xung quanh nhóm đảo), nơi cả Đài Loan - Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền. Mã Anh Cửu xem đây như một "cột mốc" hoặc bước ngoặt trong vấn đề xử lý tranh chấp chủ quyền Biển Đảo. Ông Cửu cho rằng, bản chất của tranh chấp chủ quyền là các nguồn lợi kinh tế chứ không phải những hòn đảo. Chủ quyền là vấn đề nhạy cảm, không thể giải quyết trong một sớm một chiều, vì vậy ông kêu gọi các bên gác lại tranh chấp và cùng khai thác, chia sẻ nguồn lợi kinh tế ở các khu vực này. Hiệp định nghề cá Đài - Nhật được Mã Anh Cửu xem như một mô hình để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình vấn đề Biển Hoa  Đông và Biển Đông. Charles Tannock hoan nghênh ý tưởng này của Mã Anh Cửu. Cả Mã Anh Cửu và Tannock đều xem "chia sẻ nguồn lợi nghề cá" như một cách tiếp cận để giải quyết tranh chấp Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ 1974 - PV) mà Bắc Kinh và Đài Bắc cũng tuyên bố cái gọi là "chủ quyền" (phi pháp, phi lý) đối với quần đảo này của Việt Nam. Thời gian gần đây khu vực Hoàng Sa ngày càng trở nên căng thẳng do những hành động leo thang gây hấn của phía Trung Quốc, bất chấp sự thật không thể chối cãi là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp mọi nguyên tắc cơ bản của luật pháp và thông lệ quốc tế khiến cộng đồng quốc tế và khu vực lo ngại.

Hồng Thủy (Nguồn: theparliament.com)