Muốn có đột phá tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, các bên không nên chần chừ

22/02/2019 06:48
Thanh Bình
(GDVN) - Điều chắc chắn là sự can dự của Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc ở các vấn đề liên quan sẽ đóng vai trò then chốt đẩy nhanh tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Mặc dù cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đều không thể hiện nhiều dấu hiệu cho thấy họ muốn quay lại tình trạng đối đầu nhưng để tránh việc đó xảy ra, các cuộc đàm phán sắp tới cần phải có sự tiến triển.

Một quan chức cấp cao Mỹ cũng nhận định, các bên không thể chần chừ mãi được.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ, Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore (Ảnh: Reuters).
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ, Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ cho biết, ông muốn Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân nhưng không gây sức ép về thời gian biểu đối với Bình Nhưỡng trước cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội.

Ông Donald Trump khẳng định, trong thời gian chờ đợi Triều Tiên tiến hành xong quá trình giải trừ hạt nhân, Mỹ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt. 

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý gần đây Triều Tiên đã không còn tiến hành các vụ thử hạt nhân, tên lửa nữa.

"Tôi không vội. Không có việc thử nào. Miễn là không có chuyện thử, tôi không vội. Nếu có chuyện thử, đó là một thỏa thuận khác - ông Trump nói - Tôi chỉ muốn thấy việc phi hạt nhân hóa sau cùng của Triều Tiên". [1]

Ở Mỹ, những người chỉ trích lo lắng rằng Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần như không nhận được giá trị gì từ việc đàm phán trong khi Triều Tiên tiếp tục phát triển và cải thiện kho vũ khí hạt nhân. 

Các nhà hoạch định chính sách của Washington lo ngại, việc chấp nhận Triều Tiên là một nước hạt nhân theo bất cứ cách nào cũng đặt ra một tiền lệ xấu cho phép các nước “có thể là hạt nhân” khác noi theo;

Hơn nữa, theo thời gian, vị thế của Triều Tiên như là một cường quốc hạt nhân có thể khuyến khích các nước láng giềng, Hàn Quốc và Nhật Bản hạt nhân hóa. [2]

Trong khi Tổng thống Donald Trump có xu hướng coi nhẹ những mối lo ngại này kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tại Singapore, tin tức báo chí về các hoạt động tiếp diễn của Triều Tiên gần đây đã khiến điều đó trở nên nổi bật, thậm chí có thể làm trầm trọng thêm. 

Muốn có đột phá tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, các bên không nên chần chừ ảnh 2“Con đường mới” trong thông điệp 2019 của ông Kim Jong-un

Như vậy cũng có nghĩa sẽ củng cố thêm cho những nghi ngờ ở cả trong và ngoài nước Mỹ về chính sách can dự hiện nay, trừ khi Mỹ có thể cho thấy sự tiến triển trong việc giảm thiểu những nguy cơ do chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây ra.

Áp lực từ phía các nước đều quan trọng như nhau, nhưng sự khác biệt nằm ở đồng minh của Washington, đó là chính phủ Hàn Quốc của Tổng thống Moon Jae-in. 

Ở đây, những mối lo ngại có thể làm trật nhịp tiến triển không hẳn là về hòa bình và an ninh mà là về những vấn đề thường nhật. 

Tổng thống Moon Jae-in được tín nhiệm ở trong nước nhờ việc giảm bớt căng thẳng trên bán đảo, trong đó có một loạt các biện pháp xuống thang thời gian gần đây.

Tuy nhiên, có thể có một hậu quả có thể nằm ngoài dự tính của Hàn Quốc. Đó là, hiện nay Seoul đang chuyển sự chú ý các lợi ích kinh tế tiềm năng của việc hòa giải và tự hỏi khi nào mới có thành quả.

Cách xử lý các vấn đề kinh tế của Tổng thống Moon Jae-in cho đến nay bị coi là điểm yếu về chính trị. 

Do đó, ông sẽ cần phải kiếm tìm một lợi thế kinh tế cho các công ty và người lao động Hàn Quốc. Đây là một vấn đề được cho là nan giải.

Một phần thách thức là làm cách nào để thu được lợi ích kinh tế từ quan hệ liên Triều đang nổi lên vào thời điểm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc cấm các dự án chung và Mỹ đề xuất rằng không thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt cho đến khi kết thúc tiến trình phi hạt nhân hóa.

Sự can dự của cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ đóng vai trò then chốt để đẩy nhanh tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên (Ảnh: Yonhap).
Sự can dự của cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ đóng vai trò then chốt để đẩy nhanh tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên (Ảnh: Yonhap).

Thách thức thứ hai là ngay cả khi Tổng thống Moon Jae-in được tự do triển khai đầu tư vào Triều Tiên, ông cũng cần phải tính toán bước đi rất thận trọng. 

Bởi lẽ người dân chắc chắn sẽ có những lo ngại về sự chuyển dịch tài sản một chiều từ Hàn Quốc sang Triều Tiên. 

Đối với nhiều người Hàn Quốc, đó là kết quả chính của thời kỳ “Chính sách Ánh Dương” từ năm 1998 đến năm 2008. 

Hiện nay, Tổng thống Moon Jae-in được cho là đang cần một chiến thắng về kinh tế để tự vệ trước những chỉ trích rằng, ông đang mạo hiểm liên minh Mỹ-Hàn bằng cách tích cực tham dự với Bình Nhưỡng. [3]

Về phía Bình Nhưỡng, xét về sức ép chính trị, chắc chắn nhà lãnh đạo Kim Jong-un không phải đối mặt với nhiều thách thức như Tổng thống Moon Jae-in nhưng vẫn có nhiều điều ông muốn và cần từ việc đàm phán với Mỹ.

Một là cải thiện quan hệ chính trị như được nêu trong Tuyên bố Singapore về một quan hệ Mỹ-Triều mới. 

Hiện tại, Bình Nhưỡng đang mong muốn Washington ký tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên kéo dài hàng thập kỷ.

Mặc dù vậy, Triều Tiên cũng nhận thức được đây không phải là điều khoản bắt buộc để hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Thứ hai, việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt cũng quan trọng đối với Kim Jong-un. Các biện pháp trừng phạt hiện nay đang làm tăng tổn thất xuất khẩu đối với nhiều vật liệu như than đá, hàng dệt may, đánh bắt cá,…

Các công ty thương mại liên kết với các thể chế nhà nước Triều Tiên, trong đó có những nhân vật trong gia tộc tham gia chắc chắn chịu ảnh hưởng to lớn từ các lệnh trừng phạt hiện nay. 

Đây là điều chắc chắn Kim Jong-un không mong muốn. Triều Tiên khó có thể chờ đợi việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt vô thời hạn. [4]

Không điều nào trong số những điều vừa nhận định ở trên có nghĩa mô hình cầm chừng sẽ chắc chắn sụp đổ.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là sự can dự của cả Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc ở các vấn đề liên quan sẽ đóng vai trò then chốt để đẩy nhanh tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tài liệu tham khảo: 

[1] https://www.reuters.com/article/us-northkorea-usa/days-before-summit-trump-raises-prospect-of-easing-north-korea-sanctions-idUSKCN1Q90KJ

[2] https://www.japantimes.co.jp/opinion/2019/02/20/editorials/dont-set-bar-low-north-korea/#.XG5b_OQzbIU

[3] https://www.vietnamplus.vn/chude/hoi-nghi-thuong-dinh-hoa-ky-trieu-tien-lan-hai/1011.vnp

[4] https://www.vietnamplus.vn/truyen-thong-trieu-tien-tiep-tuc-keu-goi-my-co-cac-bien-phap-tuong-ung/553758.vnp

Thanh Bình