"Mỹ - Thái như một cặp vợ chồng khó có khả năng ly hôn"

10/02/2015 10:15
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tôi rất buồn vì Hoa Kỳ không hiểu được lý do tại sao tôi lại phải can thiệp và họ không hiểu cách chúng tôi làm việc, mặc dù hai nước là đồng minh gần gũi...
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chào đón vai trò ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Bangkok.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chào đón vai trò ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Bangkok.

Tờ Stars and Stripes ngày 10/2 bình luận, lãnh đạo quân sự Thái Lan đang nghĩ rằng Bắc Kinh chấp nhận họ còn Washington thì không. Lính Mỹ đang có mặt tại Thái Lan để tham gia cuộc tập trận chung Hổ Mang Vàng 2015 trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao có thể để lại hậu quả lâu dài đối với an ninh khu vực Đông Nam Á.

Mỹ coi trọng vị trí của Thái Lan và các căn cứ được trang bị tốt có vai trò chiến lược, trong khi Bangkok cũng như nhiều nước láng giềng ở Đông Nam Á đang tìm cách cân bằng lợi ích trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc mặc dù có những bất đồng lợi ích về an ninh khu vực. Phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel kêu gọi chính quyền quân sự Thái Lan chấm dứt thiết quân luật và sớm khôi phục chính quyền dân sự đã gây ra phản đối gay gắt của người Thái.

Anthony Davis, một nhà phân tích quân sự và an ninh tại Bangkok nói với tạp chí IHS-Jane rằng, việc ông Russel chỉ trích Thái Lan khi vừa đặt chân đến Bangkok có thể đẩy người Thái lại gần Bắc Kinh hơn, nó có thể gây ra hệ lụy hạ cấp độ quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái trong 1 thập kỷ cho đến 15 năm tới.

Người Thái đã xem những chỉ trích của Daniel Russel như khách mời chỉ trích chủ nhà, ông vừa rời Bangkok thì chính phủ Thái đã triệu tập đại diện đại sứ quán Mỹ lên để bày tỏ sự thất vọng lớn. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha người lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự nói: "Tôi rất buồn vì Hoa Kỳ không hiểu được lý do tại sao tôi lại phải can thiệp và họ không hiểu cách chúng tôi làm việc, mặc dù hai nước là đồng minh gần gũi trong nhiều năm qua."

Tuần trước Prayut Chan-o-cha cảm ơn Trung Quốc vì đã "hiểu" Thái Lan. Ông đã tiếp Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và hai bên công bố một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo. Thường Vạn Toàn cam kết, Bắc Kinh sẽ không can thiệp vào hoạt động của chính quyền quân sự của Bangkok.

Tuyên bố mơ hồ không có bất cứ căn cứ pháp lý quốc tế nào được Mỹ và hầu hết quốc gia khác thừa nhận mà Trung Quốc đòi "chủ quyền" với gần 90% diện tích Biển Đông lại đang được thúc đẩy bởi các mối đe dọa quân sự làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Thái Lan không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông và không tranh chấp gì với Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ sự gia tăng căng thẳn này.

Điều đó có thể dẫn đến một sự điều chỉnh lại dần dần của mối quan hệ an ninh, Davis bình luận. Tuy nhiên Thái Lan không phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Thái Lan vẫn có tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 27 tỉ USD năm ngoái, tăng nhẹ hơn so với năm 2013. 

"Đây vẫn là một cặp vợ chồng có rất nhiều điểm chung, đã từng dành rất nhiều thời gian bên nhau. Tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ khả năng nào khiến cặp vợ chồng này phải ly hôn", Davis nhấn mạnh.

Hồng Thủy