ĐÁNH GIÁ CỦA MỸ:

Mỹ: Iran là nước “luộc” vũ khí nhiều hơn cả Trung Quốc

26/09/2011 14:01
Chấn Hưng (theo Strategy Page)
(GDVN) - Trang Chiến lược quốc phòng Mỹ vừa cho biết, so với Trung Quốc, Iran còn chịu khó mày mò "copy" công nghệ nhiều hơn.

Mới đây Iran thông báo nước này đã triển khai một phi đội bay gồm 12 chiến đấu cơ tự chế Saegheh đầu tiên. 5 năm trước đây, nước này từng cải tiến chiếc F-5 của Mỹ và đây là lần đầu tiên chế tạo một chiếc Saegheh đầu tiên có tính năng kỹ chiến thuật  tương tự như chiếc F-18 mà quân đội Mỹ đang sử dụng.

Đây không phải là lần đầu tiên Iran tiến hành nghiên cứu chế tạo chiến đấu cơ như thế này. Nhưng những chiếc Saegheh sẽ đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của ngành công nghiệp vũ khí quốc gia Hồi giáo này.

Trước đó, hồi những năm 1990, Iran đã chế tạo các phiên bản của chiếc F-5E của Mỹ và đặt tên là Azarakhsh. Quân đội Iran khi đó đã bị tổn thất hàng chục chiếc F-5 như thế này trong cuộc chiến với Iraq, và họ thông báo rằng nhiều chiếc F-5 đã được tân trang hoặc sửa chữa để cải biến chiếc Azarakhsh này.

F18 Saegheh nằm trong đội hình là biên đội bay hiện đại đầu tiên do Iran tự chế
F18 Saegheh nằm trong đội hình là biên đội bay hiện đại đầu tiên do Iran tự chế

Thực ra Iran đã sử dụng những chiếc F-5E từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi đó những chiến đấu cơ này nặng 11 tấn và tốc độ tối đa đạt 1.700 km/giờ, với tầm hoạt động là 1.400 km. Chúng được trang bị hai khẩu pháo 20 ly và có thể mang theo 3 tấn tên lửa hoặc bom.

Sau đó, trên nền tảng của F-5, Iran đã cải biến nó thành chiếc chiến đấu cơ mang hai động cơ của Nga. Trung Quốc cũng từng thực hiện điều này khi sản xuất chiếc J-8 trên nền chiếc Mig21 của Nga nhưng không thành công.

Mặc dù Iran sử dụng các thành phần chính của Nga (do chất lượng tốt hơn nhiều so với hàng cùng loại của Trung Quốc) nhưng họ vẫn phải sử dụng hỗ trợ kỹ thuật từ Trung Quốc (do giá nhân công ở đây rẻ hơn). Người Trung Quốc có rất nhiều kinh nghiệm trong cải biến các dòng chiến đấu cơ Nga, và phát triển nó thành một dòng mới.

Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc không còn thực hiện việc này nữa do họ nhận ra rằng những chiến đấu cơ cải biến ấy không thể hoạt động một cách hiệu quả. Giờ đây họ đang xây dựng những biên đội bay mới với các chiến đấu cơ công nghệ cao hơn, đắt hơn nhập khẩu trực tiếp từ Nga, hoặc được Nga chuyển giao công nghệ.

Iran luôn bị ám ảnh bởi vấn đề tự mình chế tạo công nghệ vũ khí. Họ luôn tìm kiếm khả năng kết hợp các tính năng kỹ chiến thuật của phi cơ Mỹ và Nga, sau đó biến nó thành một dòng máy bay riêng và ghi “Thiết kế và sản xuất tại Iran”.

Tuy nhiên, nó lại không mang lại các hiệu quả như mong muốn cho Iran, bằng chứng là cuộc chiến tranh Iran – Iraq đã cho thấy rõ tính năng kỹ chiến thuật của các chiến đấu cơ này. Sau khi tiến hành "copy" công nghệ, Iran đã sản xuất được loại tên lửa Scud có tầm bắn xa hơn với một lượng nhiên liệu mang theo lớn hơn.

Vì thế, các đặc điểm bay của loại tên lửa này có nhiều thay đổi, nhưng khi để đưa vào chiến đấu với mục tiêu thật (như bắn vào trung tâm Baghdad) nó lại không phát huy tác dụng. Thực ra, Iran không cần phải phát triển tên lửa có tầm bắn lớn hơn làm gì, do khoảng cách từ nước này đến Iraq vốn không phải là vấn đề lớn.

Thực sự thì những tên lửa Scud này do Iran mua về từ Bắc Triều Tiên, nhưng trong các thông cáo báo chí, họ luôn nêu lên rằng đây là thành quả nghiên cứu chế tạo của các nhà khoa học và kỹ sư Iran.

Những tên lửa Scud này thực ra là do Iran nhập về từ Bắc Triều Tiên chứ không phải nước này tự chế?
Những tên lửa Scud này thực ra là do Iran nhập về từ Bắc Triều Tiên chứ không phải nước này tự chế?

Cũng trong giai đoạn những năm 1980, Iran đã sản xuất được vũ khí hóa học (chủ yếu là sử dụng khí gas). Đây chỉ là loại vũ khí thô với nền công nghệ đơn giản và đã được cải biến nhiều trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, Iran chưa bao giờ xuất khẩu vũ khí hóa học của mình ra nước ngoài.

Iran không phải là một quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng lớn, nhưng vũ khí của nước này cũng được xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia. Thực ra những vũ khí xuất khẩu của Iran chủ yếu là hàng nhái từ Nga và Trung Quốc, bao gồm các vũ khí hạng nhẹ, súng cối và tên lửa. Iran sẵn sàng bán vũ khí cho bất cứ ai, chỉ cần có tiền mặt là hợp đồng sẽ nhanh chóng được thực hiện.

Chấn Hưng (theo Strategy Page)